Xuất khẩu đạt kết quả khả quan dù thương mại toàn cầu sụt giảm

(BKTO) - Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), vượt qua những khó khăn và thách thức, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam từ đầu năm đến nay vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan.



Nỗ lực lớn trong thúc đẩy xuất khẩu

Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam 9 tháng qua diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng, hoạt động thương mại và đầu tư suy giảm do bất đồng giữa các nước lớn về định hình hệ thống thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc, đặc biệt là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục diễn biến phức tạp và vấn đề Anh rời khỏi EU vẫn chưa được giải quyết.

Sau khi đạt mức tăng trưởng 5,3% và 7,2% trong quý I/2019 và quý II/2019, sang quý III tình hình xuất khẩu đã có sự cải thiện hơn, qua đó đưa tổng kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2019 tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2018. Mức tăng trưởng này tuy có phần chậm lại so với cùng kỳ năm 2018 và 2017 nhưng vẫn đạt chỉ tiêu đặt ra của Quốc hội là đưa tăng trưởng xuất khẩu từ 7%- 8% trong năm 2019.
                
   

Xuất khẩu 9 tháng tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2018 (Ảnh minh họa)- Nguồn: HSG

   
Kết quả này được đánh giá là tích cực, thể hiện sự nỗ lực lớn của Việt Nam trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm, xuất khẩu của nhiều nước trong khu vực tăng thấp hoặc giảm.

Cụ thể, tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 194,3 tỷ USD, tăng 8,2%, bằng 73,9% kế hoạch năm. Đáng chú ý, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của khu vực kinh tế trong nước đạt 16,4%, cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (5%), qua đó tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,7% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 28,5%).

Như vậy, sau khi đạt mức tăng trưởng khá cao trong năm 2018, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm với mức tăng 16,4%, cao gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước (đạt 8,2%) và tăng gấp hơn 3 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (đạt 5%).

Khác với các năm trước, động lực tăng trưởng của khối trong nước không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản giảm 5,7% so với cùng kỳ thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018.
                
   

Mặt hàng da giày xuất khẩu tăng trưởng tốt (Ảnh minh họa)- Nguồn: TTXVN

   
Xuất khẩu nhiều mặt hàng như gỗ và sản phẩm gỗ, các sản phẩm dệt may, da giày, sản phẩm chất dẻo, cao su... của khối doanh nghiệp trong nước đều tăng trưởng tốt. Điều này thể hiện những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế đã thực sự tác động, tạo thuận lợi cho sản xuất và hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Tăng trưởng xuất khẩu của khối các doanh nghiệp trong nước đã trở thành động lực cho sự phát triển của nền kinh tế.

Cùng với đó, Vụ Xuất nhập khẩu nêu rõ, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 84,23% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 82,6% của năm 2018 và 81,1% của năm 2017.

Nhiều tác động từ quốc tế gây bất lợi cho xuất khẩu

Nêu lên một số điểm bất lợi cho xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho rằng, việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) sẽ tác động trực tiếp đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là nhóm hàng nông, thủy sản. Theo đó, NDT giảm so với USD sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức cạnh tranh của nông sản xuất khẩu của Việt Nam so với Trung Quốc trên thị trường thế giới, đặc biệt là những sản phẩm nhiều lợi thế và có kim ngạch xuất khẩu lớn như thủy sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, cà phê và hồ tiêu sang thị trường Mỹ, châu Âu.

Đồng thời, việc đồng NDT giảm giá sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, khi nông sản xuất khẩu của Việt Nam như rau quả, cao su, thủy sản, gỗ có giá cao hơn tương đối so với trước đây và kém cạnh tranh hơn so với sản phẩm cùng loại tại thị trường Trung Quốc. Thời gian vừa qua, thị trường đã ghi nhận đồng NDT giảm xuống mức thấp kỷ lục trong 11 năm qua. Lần đầu tiên kể từ năm 2008, đồng tiền này đã để mất ngưỡng quan trọng 7 NDT đổi 1 USD. NDT cũng được dự đoán tiếp tục yếu dần đi trong năm 2020.
                
   

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu- Nguồn: Asia Times

   
Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Trung Quốc tăng mạnh đặt trong mối tương quan và tình hình địa chính trị, thương mại căng thẳng giữa Mỹ - Trung Quốc đang làm gia tăng lo ngại hiện tượng hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc mượn Việt Nam để lẩn tránh xuất xứ, rồi tái xuất đi Mỹ để né thuế. Nhất là trong bối cảnh, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng đang tăng mạnh trong thời gian qua.

Đáng chú ý, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam tăng nhanh có thể kéo theo hệ lụy về việc tăng kiểm soát nhập khẩu từ Việt Nam và Việt Nam dễ vào tầm ngắm của việc kiểm tra tránh hàng Trung Quốc đội lốt vào Mỹ, ảnh hưởng tới doanh nghiệp xuất khẩu, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến cả đầu tư.
         
Tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước trong 9 tháng 2019 đạt 188,42 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong tổng kim ngạch nhập khẩu, kim ngạch của nhóm hàng cần nhập khẩu đã chiếm tới 166 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 88,1% tổng kim ngạch nhập khẩu. Như vậy, tính chung 9 tháng, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn duy trì đà xuất siêu, với kim ngạch xuất siêu ở mức 5,9 tỷ USD.

PHÚC KHANG
Cùng chuyên mục
  • Doanh nghiệp xuất khẩu dệt may cần ứng phó với biến động đơn hàng
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo Bộ Công Thương, tình hình đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi những biến động của kinh tế thế giới.
  • Quy định mới về tổ hợp tác
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 77/2019/NĐ-CP ngày 10/10/2019 quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động và chấm dứt hoạt động của tổ hợp tác. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/11/2019 và thay thế Nghị định 151/2007/NĐ-CP.
  • Xếp hạng Top 10 công ty bán lẻ uy tín nhất Việt Nam
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo kết quả công bố ngày 10/10 của Vietnam Report, Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce (sở hữu hệ thống VinMart, VinMart ) và Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (gắn liền với thương hiệu Thế giới di động, Điện máy xanh) là hai doanh nghiệp dẫn đầu trong Bảng xếp hạng: Top 10 công ty bán lẻ uy tín nhóm hàng tiêu dùng nhanh, siêu thị và Top 10 công ty bán lẻ uy tín nhóm hàng lâu bền, điện máy, điện lạnh, vàng bạc năm 2019.
  • Hà Nội “ ngộp thở” bởi chung cư, cao ốc.
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo Báo cáo mới đây về việc thi hành Luật Thủ đô của Chính phủ, Thủ đô Hà Nội đang bị “ngộp thở” do mật độ dày đặc các chung cư, cao ốc. Ở những khu vực nội đô, nhiều dự án chung cư cao tầng vẫn tiếp tục được xây dựng, tạo thêm áp lực về gia tăng dân số, quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực nội thành Hà Nội.
  • Doanh nghiệp thực phẩm- đồ uống cần thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Ngành thực phẩm và đồ uống là ngành có giá trị sản xuất lớn nhất và có tổng doanh thu lớn thứ 02 trong số các ngành hàng kinh tế Việt Nam. Theo dự báo, ngành này sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh đến năm 2020 với mức tăng trung bình 10,9%/năm nhờ thu nhập người dân cải thiện và xu hướng tiêu dùng sản phẩm giá trị cao hơn sẽ chiếm lĩnh thị hiếu tiêu dùng.
Xuất khẩu đạt kết quả khả quan dù thương mại toàn cầu sụt giảm