Xây dựng kinh tế biển xanh để phát triển bền vững

(BKTO) - Trong xu thế mở cửa, đẩy mạnh khai thác các tiềm năng lợi thế của biển, Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa X) đã ban hành Nghị quyết về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó đưa ra những tư duy vượt trội về phát triển kinh tế biển xanh. Mục tiêu đặt ra là Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia giàu, mạnh từ biển nhưng vẫn đảm bảo “sức khỏe” và sự bền vững của hệ sinh thái biển.



Phát triển kinh tế dựa trên nền tảng bảo tồn

Mô hình kinh tế biển xanh đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng để phát triển kinh tế biển nhanh, hiệu quả và bền vững. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, cả thế giới đang thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 chuyển từ kinh tế biển chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường sang kinh tế dựa trên nền tảng tri thức, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường. Đây là hướng đi phù hợp và là lựa chọn đúng đắn.

Đánh giá về xu hướng này, PGS,TS. Nguyễn Chu Hồi - Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - cho rằng: Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có thay đổi trong những năm tới, kinh tế biển thế giới chuyển dịch theo hướng “lấy đại dương nuôi đất liền”, áp dụng những thành tựu của nền kinh tế tri thức và Cách mạng công nghiệp 4.0; chuyển từ khai thác xuất khẩu thô sang chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng và tiết kiệm tài nguyên biển; mở rộng khai thác các giá trị chức năng, giá trị dịch vụ của các hệ sinh thái, ưu tiên phát triển kinh tế dựa vào bảo tồn theo hướng phát triển kinh tế biển xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu, biến đổi đại dương.

Để phát triển kinh tế biển xanh, Việt Nam phải tái cơ cấu các ngành kinh tế biển và ven biển phù hợp với lợi thế, tiềm năng tự nhiên - Ảnh: THÁI ANH

Trong bối cảnh đó, những năm qua, bảo vệ môi trường biển, hải đảo và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng luôn là một trong những nội dung trọng tâm của Chiến lược biển Việt Nam. Quan điểm xuyên suốt thể hiện qua nhiều văn bản, chính sách của Nhà nước đều khẳng định không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đất nước.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thực tế, mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường biển trong giai đoạn trước đây chưa được gắn kết chặt chẽ, trong một số trường hợp còn tạo ra xung đột. “Sức khỏe” của các vùng biển Việt Nam chưa được bảo đảm do chúng ta chưa thể hài hòa giữa khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển với công tác bảo vệ, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái biển, ven biển. Vì vậy, phát triển kinh tế biển xanh trước hết phải được hiểu theo cách tiếp cận dựa trên nền tảng bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển.

Mục tiêu trở thành quốc gia giàu mạnh từ biển

Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra những mục tiêu cụ thể như: đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng… Bên cạnh đó, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước. Tại các tỉnh, thành phố ven biển, chỉ số phát triển con người cao hơn mức trung bình của cả nước; thu nhập bình quân đầu người gấp từ 1,2 lần trở lên so với thu nhập bình quân của cả nước....

Để đạt được những mục tiêu này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng: Phát triển các ngành kinh tế biển của Việt Nam cần chuyển từ nền kinh tế khai thác và gây ô nhiễm môi trường sang kinh tế xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên trong chuỗi kết nối hữu cơ, từ trong đất liền ra đến biển, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển ngay từ trong đất liền. Đồng thời, phải tái cơ cấu các ngành kinh tế biển và ven biển dựa trên hệ sinh thái và phù hợp với lợi thế, tiềm năng tự nhiên. Bên cạnh đó, cần ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực như du lịch biển, đảo, năng lượng tái tạo (năng lượng gió, năng lượng dòng chảy thủy triều và năng lượng sóng biển) từng bước đầu tư phát triển công nghệ sinh học biển, dược liệu biển bên cạnh việc thúc đẩy các ngành kinh tế biển truyền thống như: kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển; nuôi trồng, khai thác thủy hải sản và phát triển hạ tầng nghề cá; công nghiệp đóng tàu.

Theo ý kiến của các chuyên gia, để phát triển bền vững kinh tế biển, Việt Nam cần đảm bảo tối ưu hóa các lợi ích có được trong khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển bằng các quy định pháp luật theo hướng đảm bảo hài hòa lợi ích các hoạt động ngành, đồng thời đảm bảo tài nguyên biển được khai thác hợp lý, tiết kiệm. Các tài nguyên tái tạo không bị khai thác quá mức để duy trì khả năng tái tạo, môi trường và các hệ sinh thái biển được bảo vệ, bảo tồn, thậm chí được cải thiện, khôi phục lại. Đặc biệt, khoa học, công nghệ hiện đại và nguồn nhân lực biển chất lượng cao chính là nhân tố đột phá để phát triển bền vững biển Việt Nam trong giai đoạn mới.

LONG HOÀNG
Theo Báo Kiểm toán số 44 ra ngày 01-11-2018
Cùng chuyên mục
  • PVN phản hồi về hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nhựa PP của BSR
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Trước thông tin Công ty cổ phần nhựa Opec- đối tác của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR)- đưa ra gần đây cho rằng để thực hiện việc hợp tác giữa Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) với Tổ hợp APH gồm Tập đoàn An Phát Holdings, Công ty Fortrec Chemical của Singapore và Công ty Reliance Pte Ltd. của Ấn Độ, BSR sẽ thực hiện cắt giảm 35% khối lượng sản phẩm nhựa PP theo hợp đồng đã ký với khách hàng để cung cấp cho An Phát Holdings theo “mệnh lệnh hành chính” (của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN), đại diện lãnh đạo PVN khẳng định điều này không đúng bản chất.
  • Việt Nam là quốc gia danh dự tại Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, tại Hội chợ nhập khẩu quốc tế (CIIE 2018) Trung Quốc do Bộ Thương mại Trung Quốc phối hợp với Ủy ban Thương mại Thượng Hải chủ trì tổ chức lần đầu tiên, từ ngày 5-10/11/2018, tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, Việt Nam được chọn là 1/12 quốc gia danh dự trong tổng số hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Hội chợ này.
  • Việt Nam tụt bậc trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo báo cáo Doing Business 2019 - Môi trường Kinh doanh 2019 của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố mới đây, môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 69/190 nền kinh tế với 68,36/100 điểm. Mặc dù 1 tụt hạng so với năm trước, song báo cáo Doing Business 2019 vẫn đánh giá Việt Nam là nền kinh tế có nhiều cải cách.
  • Cơ hội lớn để phát triển của các thương hiệu thực phẩm- đồ uống tại Việt Nam
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Với tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm trở lại đây, ngành thực phẩm- đồ uống được đánh giá là một trong những ngành hấp dẫn nhất tại Việt Nam. Việt Nam đang trở thành thị trường tiêu thụ thực phẩm và đồ uống tiềm năng trong khu vực, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế khi vừa phục vụ cho nhu cầu trong nước, vừa đóng góp cho xuất khẩu.
  • Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ nâng gấp đôi công suất sản xuất sợi DTY
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Ngày 01/11, tại Hải Phòng, Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) và các đối tác đã thực hiện nâng công suất sản xuất sợi DTY lên khoảng 400 tấn sợi/tháng.
Xây dựng kinh tế biển xanh để phát triển bền vững