Việt Nam đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng tài nguyên nước

(BKTO) - Kết quả nghiên cứu độc lập của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây đã xác định tình trạng ô nhiễm tài nguyên nước là mối đe dọa lớn đối với việc đảm bảo an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của Việt Nam. Dự báo đến năm 2035, vấn đề ô nhiễm nguồn nước có thể gây tổn thất cho nước ta khoảng 3,5% GDP mỗi năm.



Nghèo về nước nhưng sử dụng lãng phí

Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, Việt Nam là một quốc gia nghèo về nước. Tổng lượng dòng chảy mặt trên lãnh thổ Việt Nam vào khoảng 830 tỷ m3, trong đó, khoảng 63% dòng chảy có nguồn gốc từ các quốc gia khác. Tính đến năm 2018, tổng lượng nước bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 8.760 m3/người/năm, nếu tính theo lượng nước nội sinh thì chỉ đạt khoảng 3.250 m3/người/năm, thấp hơn chuẩn của quốc gia theo quan điểm của Hiệp hội Nước quốc tế là 4.000 m3/người/năm. Bên cạnh đó, dòng chảy phân bố không đều theo mùa và theo vùng, trong đó, 70 - 80% tổng lượng dòng chảy tập trung trong mùa lũ, mùa khô kéo dài từ 6 đến 9 tháng với tổng lượng dòng chảy chỉ chiếm khoảng 20 - 30%. Do đó, nhiều lưu vực sông đã ở tình trạng khan hiếm nước vào mùa khô.

Ngoài ra, Việt Nam cũng là một trong các quốc gia chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu. Do tác động của biến đổi khí hậu, nguồn nước mùa khô có xu hướng suy giảm, hạn hán kéo dài hơn và diễn ra nghiêm trọng hơn, nhiều khu vực nước ngọt bị xâm nhập mặn và ô nhiễm gia tăng, khả năng chống chịu với thiên tai suy giảm, đặc biệt là hạn hán sẽ tạo ra thách thức lớn đối với bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển bền vững. Nghiên cứu độc lập của WB cũng đã chỉ ra trên 90% lượng nước hiện đang được sử dụng để tưới tiêu và nuôi trồng thủy sản trên khắp cả nước nhưng chưa mang lại hiệu quả, còn lãng phí. Giá trị từ mỗi đơn vị (m3) nước được sử dụng ở Việt Nam chỉ tạo ra 2,37 USD GDP trong khi mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD, cao hơn gần 10 lần.

Đánh giá về thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Đã đến lúc chúng ta không nên ngộ nhận rằng Việt Nam là quốc gia giàu về tài nguyên nước mà cần thẳng thắn chỉ ra rằng nguồn tài nguyên nước còn nghèo nhưng lại bị sử dụng lãng phí… Những áp lực này sẽ tạo nên các yếu tố kém bền vững cho phát triển tài nguyên nước.

“Quá nhiều - quá bẩn -quá ít”

Theo dự báo của WB, trong mùa khô, tổng nhu cầu sử dụng nước của Việt Nam sẽ tăng 32% vào năm 2030, căng thẳng nước sẽ diễn ra nghiêm trọng tại các lưu vực kinh tế trọng điểm. Hiện mức độ khai thác, sử dụng nước ở các lưu vực sông tăng quá nhanh và đang tiến tới mức không bền vững; các lưu vực này đóng góp khoảng 80% GDP của Việt Nam. Sự gia tăng nhanh chóng của nhu cầu nước được dự báo sẽ gây áp lực cho nguồn nước của 11 trong số 16 lưu vực sông lớn tại Việt Nam vào năm 2030.

Ngoài ra, những bất cập trong công tác quản lý tài nguyên nước cũng được WB chỉ ra. Cụ thể, nhiều Bộ, ngành cùng tham gia vào công tác quản lý và nhiều luật điều chỉnh công tác quản lý tài nguyên nước. Điều này gây khó khăn cho thực hiện quản lý tài nguyên nước thống nhất theo lưu vực, cả nước mặt và nước dưới đất, cả số lượng nước và chất lượng nước. Bên cạnh đó, khung pháp lý đã có nhưng thực thi còn chưa hiệu quả; cơ chế xử phạt chưa đủ răn đe; thiếu đầu tư lớn cho xử lý nước thải công nghiệp và đô thị; chưa có cơ chế, chính sách hiệu quả làm giảm ô nhiễm nguồn nước do sử dụng phân bón, chất hóa học trong ngành nông nghiệp; ô nhiễm từ nước thải chăn nuôi…

Đánh giá về thực trạng tài nguyên nước tại Việt Nam, ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam nhận định: “Việt Nam đang đứng trước một cuộc khủng hoảng cận kề về tài nguyên nước mà tôi gọi là quá nhiều, quá bẩn và quá ít. Quá nhiều nước vì những tác động tàn phá của lũ lụt, bị biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng thêm, đang gây tổn hại trước hết và nhiều nhất cho người nghèo. Quá bẩn vì quá nhiều nước thải không được thu gom hoặc xử lý, trong khi các ngành công nghiệp và tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng. Quá ít nước do bị thay đổi bởi biến đổi khí hậu và quản lý nước yếu kém, điều này khiến hạn hán đang trở nên thường xuyên hơn và tình trạng khan hiếm nước ngày càng trầm trọng ở một số vùng trên cả nước vào mùa khô”.

Theo khuyến nghị của WB, Việt Nam cần nâng cao hiệu quả sử dụng nước theo hướng chuyển đổi sang những cây trồng và những hệ thống thuỷ lợi tạo ra thu nhập cao hơn cho mỗi đơn vị nước sử dụng, tiết kiệm, giảm lượng nước sử dụng thông qua việc ứng dụng công nghệ mới và có biểu giá nước hợp lý để giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nước.

Bà Jennifer Sara - Giám đốc Cấp cao Ban Nước toàn cầu của WB - nhấn mạnh: Tăng trưởng kinh tế bền vững ở Việt Nam sẽ không thể đạt được nếu không có hành động mạnh mẽ để bảo vệ tài nguyên nước. Nếu các quyết định tốt được đưa ra ngay bây giờ, các hệ thống nước có thể được tăng cường để chống lại các cú sốc như biến đổi khí hậu, đảm bảo cho các thế hệ hiện tại và tương lai gặt hái những lợi ích của nước.

LONG HOÀNG
Theo Báo Kiểm toán số 23 ra ngày 06-6-2019
Cùng chuyên mục
  • Hệ thống cảng biển Việt Nam:  Nhiều tiềm năng nhưng chưa phát huy được lợi thế
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Việt Nam có 29/63 tỉnh, thành phố ven biển, con đường vận tải trên biển Đông với mật độ đứng thứ 2 thế giới. Vì vậy, vai trò của vận tải biển cũng như hệ thống cảng biển của Việt Nam trong phát triển kinh tế là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, để phát triển cảng biển và kinh tế biển xứng tầm với tiềm năng, cần sớm tháo gỡ những nút thắt, nhất là kết cấu hạ tầng kết nối cảng biển.
  • Xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh theo hướng đa phương thức
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Ngày 07/6/2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 703/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Xây dựng thị trường vận tải cạnh tranh theo hướng phát triển vận tải đa phương thức, kết nối giữa các hình thức vận tải khác nhau, chú trọng áp dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu chi phí vận tải tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp".
  • Chấn chỉnh việc đào tạo, cấp chứng chỉ ngoại ngữ trái quy định
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Mặc dù điều kiện tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định khá chặt chẽ, thế nhưng, thời gian qua, nhiều cơ sở đào tạo đại học (ĐH) vẫn tổ chức thi “chui” để cấp chứng chỉ hoặc “lập lờ đánh lận con đen” nhằm đối phó với cơ quan chức năng khi bị phát hiện.
  • Hoàn thiện hàng lang pháp lý để phát triển bất động sản nghỉ dưỡng
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo đánh giá của các chuyên gia, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch, bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng luôn được xem là phân khúc hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư với mức tăng trưởng ổn định trong những năm qua. Trong nửa cuối năm 2019, sự tăng trưởng của thị trường được kỳ vọng vẫn sẽ tiếp tục và thậm chí còn được thúc đẩy nhiều hơn nhờ vào các xu hướng mới trên toàn cầu.
  • Quyết liệt phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã và đang diễn biến phức tạp trên diện rộng, lãnh đạo các địa phương, cơ quan quản lý đã thẳng thắn chỉ rõ những yếu kém, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt để phòng, chống dịch lan rộng và tái diễn.
Việt Nam đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng tài nguyên nước