Ưu tiên chiến lược giúp doanh nghiệp lớn ứng phó với đại dịch Covid-19

(BKTO) - Khuyến nghị được các chuyên gia đưa ra cho các DN lớn của Việt Nam để ứng phó với đại dịch Covid-19 là phải chuẩn bị sẵn sàng nhất cho tình huống xấu nhất và chuẩn bị tốt nhất để phục hồi nhanh chóng trong kịch bản khả thi nhất.




Các DN lớn cần chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất. Ảnh: TTXVN

Những mô hình ứng phóvới khủng hoảng

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bất kỳ một cuộc khủng hoảng nào do các yếu tố bên ngoài tạo ra, các DN thường trải qua 4 giai đoạn để thích ứng và vượt qua. Có thể mô tả 4 giai đoạn này trong mô hình 4D (Discover, Decide, Design, Deliver) tương ứng với các giai đoạn: Phát hiện vấn đề; Ra quyết định; Lập kế hoạch đối phó; Triển khai thực hiện trong thực tế.

Tuy nhiên, với những khủng hoảng lan rộng và có tính chất phức tạp, khó dự đoán, như đại dịch Covid-19 hiện đang tác động sâu sắc và nghiêm trọng đến DN trên tất cả các khía cạnh từ kinh doanh, nhân sự, quản lý và thậm chí cả rủi ro phá sản cao, thì cả 4 quy trình trong mô hình 4D có thể không được thực hiện đầy đủ. Đó có thể bắt đầu từ việc phát hiện vấn đề chưa đầy đủ. Điều này có thể do công tác dự đoán, đánh giá tác động của khủng hoảng chưa đầy đủ, chưa tính hết các diễn biến khó lường của khủng hoảng. Trong đại dịch Covid-19, nhiều DN cũng chưa tính hết được tác động nhiều mặt lên hoạt động sản xuất kinh doanh và cả lên sự tồn vong của DN.

Hoặc DN có thể ra quyết định thiếu linh hoạt, bắt nguồn từ nhiều vấn đề như: thông tin không đầy đủ, thiếu kinh nghiệm ứng phó khủng hoảng… Hay việc DN bị động trong lập kế hoạch đối phó với khủng hoảng. Từ việc phát hiện vấn đề chưa đầy đủ và ra quyết định thiếu linh hoạt, có thể dẫn đến việc lập kế hoạch đối phó khủng hoảng bị động, không sát với thực tiễn vì đôi khi các khủng hoảng diễn ra liên quan đến nhiều nguyên nhân có tính kỹ thuật mà tự thân những nguyên nhân này cần phải có các giải pháp, kế hoạch đối phó đặc thù chứ không mang tính chung chung. Tất cả những công đoạn này sẽ dẫn đến việc triển khai trong thực tế thất bại. Tuy nhiên, trên phương diện nào đó, Covid-19 có thể tạo kinh nghiệm cho các DN trong quản trị rủi ro, đặc biệt là quản trị tài chính và quản trị chuỗi cung ứng để tăng cường sức đề kháng cho DN trong lương lai.

Để tồn tại trong đại dịch và rút ngắn thời gian hồi phục sau khi đại dịch đi qua, McKinsey - hãng tư vấn quản lý, chiến lược kinh doanh hàng đầu thế giới - đề xuất, các DN nên bắt đầu xây dựng quy trình hành động dựa trên mô hình 5 giai đoạn thể hiện bằng 5 chữ R: Resolve (Giải quyết vấn đề), Resilience (Gia tăng sức chịu đựng), Return (Phục hồi), Reimagination (Tái định hình) và Reform (Cải tổ và đổi mới).

Đề xuất chiến lược phù hợpcho doanh nghiệp lớn

Theo các chuyên gia của Vietnam Report, trong cuộc khủng hoảng này, ngoài việc nên thành lập Trung tâm điều hành để đảm bảo triển khai mô hình 4D hiệu quả và từng bước trải qua giai đoạn 5R một cách linh hoạt, cộng đồng DN lớn của Việt Nam nên khai thác và phát triển một số ưu tiên chiến lược.

Thứ nhất, cắt giảm chi phí không phải là chiến lược mới trong việc tối ưu hóa hoạt động của DN, tuy nhiên, đây luôn là chiến lược cơ bản và quan trọng bậc nhất trong thời kỳ khủng hoảng kéo dài với những khó khăn về chuỗi cung cấp và thị trường. Tất cả các hạng mục chi phí cần được rà soát kỹ lưỡng và cắt giảm đến mức tối đa. Chuyển sang chế độ làm việc trực tuyến có thể giúp cắt giảm chi phí thuê mặt bằng, chi phí hành chính và các chi phí cơ bản trong vận hành trực tiếp tại DN.

Thứ hai, phát triển chuỗi cung ứng trong nước. Chỉ hơn hai tháng bùng phát của đại dịch, nhiều DN lớn đã phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung trầm trọng do các thị trường đầu vào đóng băng, giao thương giữa các quốc gia hạn chế. Để chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, việc chủ động phát triển và khai thác chuỗi cung ứng trong nước là cần thiết trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, DN cũng tránh phụ thuộc quá nhiều vào một số thị trường đầu vào, thay vào đó nên tận dụng sớm các điều khoản của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để đa dạng hóa chuỗi cung ứng đầu vào.

Thứ ba, tăng cường ứng dụng công nghệ một cách phổ biến trong các hoạt động. Chuyển đổi số trong DN là một chủ đề và chiến lược được nhắc đến nhiều trong thời gian qua nhưng có lẽ phải qua đại dịch Covid-19 mới thấy tầm quan trọng của chiến lược này. Các mô hình kinh doanh online, thương mại điện tử, làm việc trực tuyến, kể cả sử dụng robot trong công xưởng cũng đã thể hiện được vai trò nổi bật trong thời gian này. Công cuộc chuyển đổi số cần phải có chiến lược và định hướng cụ thể, lâu dài và toàn diện nhưng chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao cho cộng đồng các DN lớn.

Đồng thời, DN cần chuyển đổi mô hình kinh doanh, đổi mới cách thức marketing; hỗ trợ và bảo vệ nhân sự trong bối cảnh mới; theo dõi các chỉ số và tình hình tiến triển của đại dịch và triển khai việc lập kế hoạch các kịch bản ứng phó sử dụng cả các đầu vào kinh tế và đầu vào dịch tễ học. Đặc biệt, cùng với việc phải tính đến các khả năng sau đại dịch Covid-19, DN lớn nên phát triển mô hình Trung tâm điều hành để lập kế hoạch cho các giai đoạn tiếp theo. Trải qua giai đoạn khủng hoảng và bất an như đại dịch Covid-19, thói quen tiêu dùng sẽ thay đổi, một số hình thức mua sắm sẽ khác đi và nổi lên các hình thức mua sắm mới. DN cần nắm bắt được các xu thế đó để sớm định vị trên thị trường, đây là một phần nhiệm vụ quan trọng của Trung tâm điều hành.
         
Cũng khuyến nghị những biện pháp dành cho các DN lớn của Việt Nam, GS. John Quelch - Cố vấn cao cấp của Vietnam Report, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Harvard (Hoa Kỳ) - đã đưa ra “7 chữ C cần có” trong chiến lược ứng phó của DN, gồm: Calm (Sự bình tĩnh); Confidence (Sự tự tin); Communication (Duy trì giao tiếp); Collaboration (Sự cộng tác phối hợp); Community (Tính cộng đồng); Compassion (Sự cảm thông và lòng tử tế); Cash (Tiền mặt).
QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
Ưu tiên chiến lược giúp doanh nghiệp lớn ứng phó với đại dịch Covid-19