Thuế nhập khẩu giảm sẽ tác động thế nào đến thu ngân sách?

(BKTO) - Từ ngày 01/01/2018, có khoảng 5% tổng số dòng thuế đã thay đổi thuế suất, nhiều dòng thuế khác, trong đó có mặt hàng ô tô dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu từ các nước ASEAN giảm từ 30% về 0%.



Chính phủ vừa ban hành 10 Nghị định về Biểu thuế nhập khẩu (NK) ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đó là các biểu thuế: Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu, Việt Nam - Chi Lê, Việt Nam - Nhật Bản, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Úc- New Zealand; ASEAN - Nhật Bản; ASEAN - Ấn Độ.

Trong số các nước Việt Nam cắt giảm mạnh thuế NK, có nhiều thị trường Việt Nam NK lượng hàng hóa lớn như: Trung Quốc, 10 nước ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Nga…

Hàng loạt dòng thuế nhập khẩu về 0%

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) Phạm Tuấn Anh cho biết, các Nghị định của Chính phủ vừa ban hành có điểm mới đáng chú ý là quy định về việc ban hành Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt áp dụng cho giai đoạn 5 năm, từ năm 2018 đến năm 2022 - 2023, nhằm đảm bảo tính ổn định của các mức thuế và giúp cho DN dễ theo dõi.

Việc kéo dài thời gian áp dụng như vậy sẽ đáp ứng yêu cầu thống nhất danh mục hàng hóa xuất khẩu (XK) và NK, đảm bảo sự đồng nhất khi thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa từ các nguồn gốc, xuất xứ khác nhau. Việc ban hành các Nghị định này cũng là để thực hiện Luật Hải quan, đồng thời, nhằm tiếp tục thực hiện cam kết của Việt Nam về thuế NK trong các FTA. Đây cũng là sự thay đổi phù hợp với yêu cầu đổi mới khoa học công nghệ cũng như tiêu chuẩn quốc tế trong việc hài hòa hóa các danh mục hàng hóa XK và NK.

Trong số các biểu thuế được ban hành, Biểu thuế Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu có số dòng thuế cắt giảm về 0% lớn nhất, lên đến 5.535 dòng, tập trung vào các nhóm mặt hàng là nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất để XK. Đó là, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, linh kiện điện tử, nhựa nguyên liệu, phân bón, ngô, lúa mì... Có 3.720 dòng thuế thuộc biểu thuế của Hiệp định này sẽ được cắt giảm dần về 0%, bao gồm sữa và sản phẩm từ sữa, hóa chất và sản phẩm hóa chất, giấy các loại, sắt thép, máy móc thiết bị…

Đứng thứ hai là Biểu thuế ASEAN - Nhật Bản. Biểu thuế này có 6.201 dòng giảm thuế so với năm 2017, chiếm 62% tổng biểu, trong đó, có 3.426 dòng hàng sẽ về 0% từ ngày 01/4/2018, tập trung vào nhóm máy móc, thiết bị, sắt, thép, vải các loại...

Tiếp theo là Biểu thuế Việt Nam - Chi Lê với 4.113 dòng thuế có thuế suất thuế NK ưu đãi đặc biệt sẽ giảm trong năm 2018, chiếm tỷ lệ 43% tổng biểu, trong đó, có 2.742 dòng được hưởng thuế suất là 0%, chủ yếu thuộc các nhóm: cây và các bộ phận của cây, thức ăn gia súc đã chế biến, hóa chất vô cơ, hữu cơ...

Bên cạnh đó, Hiệp định Việt Nam - Nhật Bản cũng có 456 dòng thuế về 0%, chủ yếu là nhóm chất béo, đường, cao su, gỗ, bột giấy…; Hiệp định Việt Nam - Trung Quốc có 588 dòng thuế về 0%, gồm các mặt hàng chính như thịt gà, cà phê, chế phẩm bánh kẹo, nguyên liệu dệt, vải may mặc, quần áo, sắt, thép…; Hiệp định Việt Nam - Hàn Quốc có 704 dòng thuế về 0%, tập trung ở nhóm hàng: thủy sản, bột mỳ, chế phẩm bánh kẹo, sơn, chế phẩm giặt tẩy…

Riêng Biểu thuế ASEAN (ATIGA) là có điểm khác biệt. Biểu thuế này gồm 10.813 dòng thuế nhưng chỉ có 7% số đó được giảm vào năm 2018 vì hầu hết các dòng thuế đã được giảm từ năm 2015. Các mặt hàng được giảm thuế chủ yếu tập trung vào nhóm ô tô, xe máy, phụ tùng linh kiện ô tô xe máy, hoa quả nhiệt đới, đồ điện dân dụng, sữa và các sản phẩm từ sữa... Tuy nhiên, đây cũng là Biểu thuế được dư luận quan tâm vì thuế NK ô tô dưới 9 chỗ ngồi từ các nước ASEAN sẽ giảm từ 30% về 0% từ ngày 01/01/2018.

Giảm thuế không tác động nhiều đến thu ngân sách

Theo ông Phạm Tuấn Anh, lộ trình giảm thuế NK đối với mặt hàng ô tô đã được quy định nhưng giá bán xe còn phụ thuộc vào các thành tố có liên quan khác. Vấn đề là các thành tố đó được giữ nguyên hay thay đổi.

Việc nhiều dòng thuế NK giảm về 0% sẽ ảnh hưởng tới số thu ngân sách từ hoạt động NK. Tuy nhiên, từ những năm trước, khi tham gia ký kết các FTA, Việt Nam đã xác định rằng nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu sẽ giảm. Do đó, để bảo đảm thu và cân đối ngân sách đối với loại thuế này, trong quá trình xây dựng dự toán hằng năm, ngành tài chính đã tính đến các yếu tố nói trên.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, khi thực hiện các Nghị định vừa ban hành trên đây, chỉ khoảng 5% dòng thuế thay đổi thuế suất, 5% dòng thuế phải điều chỉnh do ảnh hưởng bởi sự chuyển đổi so với biểu thuế năm 2016; chính vì vậy, số thu ngân sách sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Việc thuế NK giảm sẽ giúp giảm giá hàng hóa, từ đó tạo ra sức ép buộc các DN trong nước phải cạnh tranh với hàng ngoại nhập bằng việc nâng cao chất lượng, giảm giá bán và người tiêu dùng được hưởng lợi.

THU HƯỜNG
Theo Báo Kiểm toán số 02 ra ngày 11-01-2018
Cùng chuyên mục
  • Thêm một thương hiệu mới ra mắt thị trường bất động sản
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Ngày 14/01, tại Hà Nội, Tập đoàn Kim Long Nam Group đã chính thức ra mắt thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam.
  • Doanh nghiệp ngành dầu khí nỗ lực vượt khó khăn
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Năm 2017, nhiều DN thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã từng bước vượt qua khó khăn, cùng góp sức xây dựng Tập đoàn phát triển tập trung trong các lĩnh vực cốt lõi.
  • Khắc phục bất cập, phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016" là Chuyên đề giám sát tối cao và duy nhất của Quốc hội trong năm 2018. Theo đó, nhiều DN, tập đoàn, tổng công ty lớn sẽ là đối tượng của cuộc giám sát này.
  • Thị trường chứng khoán Việt Nam:  Nhiều động lực cho tăng trưởng
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Thị trường chứng khoán năm 2017 được đánh giá với nhiều điểm nổi bật: chỉ số VN-Index (chỉ số chứng khoán trên sàn giao dịch chứng khoán TP. HCM) tăng trưởng mạnh, từ 665 điểm lên 926 điểm, tương đương với mức tăng khoảng 40%; tỷ trọng vốn hóa tăng từ 35% GDP năm 2015 lên mức 65% GDP trong năm 2017; thanh khoản tăng gấp đôi năm 2016; các nhà đầu tư ngoại tích cực mua ròng với tổng giá trị danh mục đầu tư gián tiếp tăng khoảng 47%. Các cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường cũng được đánh giá là cải thiện rất nhiều cả về số lượng và chất lượng.
  • Lọc hóa dầu Bình Sơn:  Thời điểm “vàng” để IPO
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - “Chúng tôi đã sẵn sàng cho IPO”, đó là khẳng định của Chủ tịch HĐTV và Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị điều hành Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất - đưa ra với báo giới vào giữa tháng 12/2017. Với tổng tài sản lên đến 3,2 tỷ USD, BSR trở thành DNNN có vốn hóa lớn nhất từ trước đến nay tiến hành cổ phần hóa.
Thuế nhập khẩu giảm sẽ tác động thế nào đến thu ngân sách?