Thực thi EVFTA, cơ hội lớn nhưng thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam

(BKTO) - Theo ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường EU, nhưng kèm theo đó là những thách thức không nhỏ, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa.



Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa, triển vọng của Hiệp định EVFTA đối với Việt Nam?

Năm 2019 là năm đặc biệt, khi từ ngày 01/01, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực và chỉ 6 tháng sau, vào ngày 30/6, Hiệp định tự do thương mại Việt Nam- EU (EVFTA) được ký kết. Đây có thể được coi là niềm vui “song hỷ” của Việt Nam. Như vậy, việc ký kết Hiệp định CPTPP và EVFTA là hành trình chinh phục Đại Tây Dương và Thái Bình Dương của Việt Nam, cộng đồng DN đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ và các đoàn đàm phán trong tiến trình này. Đây là hiệp định tốt nhất với tự do cao nhất và công bằng nhất.
                
   

Hành trình tiến tới ký kết Hiệp định EVFTA. Nguồn: VNE

   
Trong 6 tháng qua, tình hình thế giới có rất nhiều sóng gió, chiến tranh thương mại Mỹ- Trung ngày càng leo thang, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, nội bộ EU cũng có nhiều vấn đề, tuy nhiên, việc ký kết FTA giữa Việt Nam- EU được xem là thành tích rất lớn của Việt Nam. Hiệp định này mang ý nghĩa lớn bởi nó nhân lên tính bổ sung và tương hỗ của hai nền kinh tế. Đây chính là hành trình về phương Đông của DN EU, gặp gỡ con đường “Cao tốc hướng Tây” với các DN Việt Nam.

Trong nội dung các hiệp định, nhấn mạnh đến việc ngoài nguyên tắc tự do và công bằng, chúng ta còn có tầm nhìn chung về phát triển bền vững, đây là mẫu số để DN EU- Việt Nam hợp tác với nhau. Hiện nay, Việt Nam hướng đến việc thu hút FDI thế hệ mới có trách nhiệm hơn, có công nghệ cao hơn, có giá trị gia tăng lớn hơn, thân thiện với môi trường hơn, cam kết, gắn kết với cộng đồng trong nước lớn hơn. Hiệp định này sẽ là nền tảng để các DN EU thực hiệp hợp tác theo công thức như vừa nêu với DN Việt Nam.

Đại diện cho tiếng nói của cộng đồng DN Việt Nam, ông nhận thấy cơ hội phát triển của các DN, nhất là các SME, trong EVFTA như thế nào, thưa ông?

Cộng đồng DN Việt Nam vui mừng khi thấy rằng trong khuôn khổ hợp tác EVFTA này, các DN nhỏ và vừa (SME) là chủ thể, đối tượng ưu tiên, không chỉ Việt Nam mà cả EU, khi 98% DN của hai bên là SME. Việc đặt SME là chủ thể, đặt con người ở vị trí trung tâm, đặt yêu cầu môi trường phải được chung ta gìn giữ, yêu cầu phát triển phải sáng tạo bao trùm, chúng ta cũng đặt thương mại phải tự do công bằng, và phát triển bền vững là đích đến. Đây chính là những điểm tương đồng để thực hiện thành công Hiệp định này. Mặc dù giữa Việt Nam và EU đang có sự khác biệt về trình độ phát triển, tuy nhiên, nếu có cùng một tầm nhìn, một con đường, một mục tiêu hướng tới thì EU và Việt Nam có thể bắt tay nhau và thành công.
                
   

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ảnh: TTXVN

   
Chúng tôi mong muốn các DN hàng đầu của EU hãy trở thành những thực tiễn tốt nhất trong hoạt động hợp tác với các DN Việt Nam trong bối cảnh kỷ nguyên số. Hiện nay, hơn 100 kỹ sư Việt Nam đang làm phần mềm về 5G cho Ericsson ở TP.HCM. Trong thời gian tới, sẽ có hàng nghìn các công việc như vậy nữa. Theo đó, Ericsson sẽ đẩy mạnh hợp tác cùng DN Việt Nam trong nghiên cứu phát triển chứ không chỉ là gia công, lắp ráp.

Ngoài ra, một số DN da giày của Việt Nam hiện nay cũng đã không còn làm ở các công đoạn mang lại giá trị gia tăng thấp như làm theo đơn đặt hàng, mà còn thiết kế mẫu mã, sau đó, giới thiệu mẫu mã với các các DN, chuỗi giá trị của EU. Đã có những đơn hàng được tạo ra từ chính các mẫu mã, thiết kế đó. Bằng cách này, cả Việt Nam và EU đều được hưởng lợi. Bằng cách này mối quan hệ hợp tác giữa DN Việt Nam và EU mới được hợp tác một cách bền vững. Cộng đồng DN mong mỏi sẽ có những mô hình tốt nhất trong hợp tác giữa các DN công nghệ cao của EU và Việt Nam trong thời gian tới…

Khi DN EU hợp tác thành công với DN Việt Nam, cùng với DN Việt Nam phát triển trong khuôn khổ EVFTA thì EU sẽ thuyết phục được cả thế giới. Bởi, điều quan trọng hiện nay, đó là làm sao để các nền kinh tế đang phát triển có thể thu hút được công nghệ cao, các DN FDI có thể bắt rễ sâu vào nền kinh tế đang phát triển và cùng phát triển. Các DN Việt Nam cũng mong muốn điều này.

Cơ hội cho các DN trong EVFTA là rất lớn, tuy nhiên, các thách thức cũng rất nhiều. Từ góc nhìn của các DN, những thách thức đó cụ thể là gì, thưa ông?

Với EVFTA, đương nhiên chúng ta có điều kiện xâm nhập thuận lợi hơn vào thị trường EU, nhưng các DN EU cũng thâm nhập thuận lợi hơn vào thị trường Việt Nam. Như vậy, hàng hóa châu Âu và thế giới sẽ cạnh tranh “ngay trước cửa nhà mình” nhưng sẽ không quá nghiêm trọng bởi tôi tin vào nội lực của DN Việt Nam. Việt Nam đã mở cửa thị trường cho hàng hóa của nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, New Zealand… nên việc mở cửa cho DN EU cũng tương tự như vậy. Đối với một số sản phẩm mà DN Việt Nam có lợi thế thì đoàn đàm phán đã thành công trong việc cam kết thực hiện theo lộ trình 3 năm, 7 năm, thậm chí 10 năm, có tính đến sự vươn lên của DN Việt Nam. Hơn nữa, có rất nhiều sản phẩm của EU không cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của Việt Nam.
                
   

Cam kết về thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và EU trong EVFTA.
   Nguồn: VIR

   
Thách thức chủ yếu với các DN Việt Nam là làm thế nào để đáp ứng quy tắc xuất xứ. Hiện nay, rất nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc và các nước ASEAN, châu Á, chứ không phải từ châu Âu. Chính vì vậy, để vượt qua được quy tắc về xuất xứ là vấn đề rất lớn. Làm sao để sử dụng nguyên liệu từ châu Âu, phát triển công nghiệp hỗ trợ cho Việt Nam là thách thức không nhỏ. Hơn nữa, các rào cản kỹ thuật, yêu cầu về vệ sinh dịch tễ của châu Âu rất cao, rất khó thực hiện đối với các DN Việt Nam.

Do đó, các DN Việt Nam cần được tạo thuận lợi về mặt chính sách, cần sự hợp tác của EU thông qua các chương trình hỗ trợ kỹ thuật để giúp DN Việt Nam đạt được các yêu cầu đặt ra. Hiệp định cũng kèm theo những điều kiện rất gắt gao về lao động và môi trường, do đó các DN Việt Nam phải đầu tư chi phí tuân thủ rất lớn. Đây cũng là một khó khăn. Vì thế, Chính phủ cần phải có chính sách hỗ trợ DN đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cấp quy trình sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực.

DN Việt Nam phải hiểu được các cam kết, cơ cấu lại thị trường, cơ cấu lại đối tác, đổi mới công nghệ, hoàn thiện quy trình sản xuất. Tóm lại, DN phải hiểu về EVFTA để vận dụng thành công, đây cũng là một thách thức không nhỏ…

HỒNG THOAN (ghi)
Cùng chuyên mục
  • CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Ngày 2/7, tại Hà Nội, Trung Ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Công Thương, Báo Nông thôn Ngày nay cùng phối hợp tổ chức hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt”.
  • Petrolimex đẩy mạnh hợp tác với đối tác Nhật Bản
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa cho biết, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Petrolimex và Tập đoàn JXTG Tsutomu Sugimori (Nhật Bản) đã ký kết Biên bản ghi nhớ về nghiên cứu trong lĩnh vực LNG & Gas tại Việt Nam.
  • Cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, EU từ EVFTA và EVIPA
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Ngay sau nửa ngày Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam- EU (EVIPA), Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã phối hợp cùng Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức “Đối thoại về Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu: Cơ hội cho doanh nghiệp” vào sáng 01/7, tại Hà Nội.
  • DNNN phải thực hiện đúng quy định về công bố thông tin
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nghiêm túc thực hiện và chỉ đạo doanh nghiệp trực thuộc triển khai đầy đủ, đúng quy định về công bố thông tin tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP ngày 18/9/2015.
  • Việt Nam đứng trước cơ hội tăng trưởng xuất khẩu và thu hút FDI
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Kể từ đầu tháng 5/2019, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung căng thẳng trở lại với các đợt áp thuế qua lại lẫn nhau, tạo cơ hội lớn cho Việt Nam tăng thị phần xuất khẩu nhiều mặt hàng tiêu dùng, trong đó có dệt may, da giày. Cuối tháng 6 này, nếu Mỹ và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận nào thì dòng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam có thể tăng trưởng nhanh.
Thực thi EVFTA, cơ hội lớn nhưng thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam