Thúc đẩy tăng trưởng thông qua cải thiện chính sách và thích ứng với hội nhập

(BKTO)- Sáng 12/7, tại Hà Nội, dưới sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo "Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019: Kết quả và Góc nhìn".



Hội thảo nhằm cập nhật, phân tích, đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô Quý II và 6 tháng đầu năm 2019; cập nhật triển vọng kinh tế vĩ mô cả năm 2019; phân tích sâu, dưa trên bằng chứng về một số vấn đề kinh tế nổi bật hiện nay. Đáng chú ý, Hội thảo còn nhằm ghi nhận những ý kiến, kiến nghị về những định hướng đổi mới kinh tế, bao gồm cả thế chế kinh tế, và giải pháp chính sách cho công tác quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô trong 6 tháng cuối năm 2019 và các năm tiếp theo.
                
   

Quang cảnh Hội thảo

   

Tại Hội thảo, đại diện của CIEM đã trình bày kết quả kinh tế Việt Nam đạt được trong 6 tháng đầu năm và chia sẻ 2 góc nhìn.

Góc nhìn thứ nhất là về những điểm cần lưu ý trong diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, do có nhiều diễn biến bất định có thể xảy ra trong tương lai, kéo theo các phản ứng khác nhau của các quốc gia khác. Là một nền kinh tế nhỏ và mở cửa hội nhập sâu rộng, Việt Nam khó tránh khỏi những tác động gây ra từ cuộc chiến tranh thương mại này, do đó cần phải lựa chọn chính sách để ứng phó.

Góc nhìn thứ hai là về việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp năm 2014, trong đó phân tích những định hướng và nội dung sửa đổi cơ bản, tập trung vào đơn giản hóa gia nhập thị trường, nâng cao chuẩn mực quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế tốt và những phương án sửa đổi đối với doanh nghiệp nhà nước.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng CIEM, nửa đầu năm 2019 đã chứng kiến bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có không ít bất định, tạo thách thức không nhỏ đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội. Công tác điều hành chính sách cải cách kinh tế của đất nước bộc lộ nhiều điểm sáng, quan đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.

So với giai đoạn 2008- 2009, Việt Nam hiện đã có thêm kinh nghiệm và bình tĩnh hơn để ứng phó với tác động bất lợi từ diễn biến kinh tế thế giới. Quan trọng hơn là các yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh vẫn được lưu tâm, thúc đẩy song song với quá trình ứng phó với bất định của môi trường kinh tế thế giới.

         
Theo kết quả dự báo của CIEM, tăng trưởng kinh tế năm 2019 có thể đạt mức 6,82%; tăng trưởng xuất khẩu đạt khoảng 8,02%; thặng dư thương mại khoảng 0,8 tỷ USD và lạm phát bình quân năm 2019 khoảng 3,38%.
Tại Hội thảo, các chuyên gia của CIEM cho rằng, diễn biến kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như rủi ro suy thoái của kinh tế thế giới được đề cập nhiều hơn dù có thể chưa xảy ra ngay trong 6 tháng cuối năm. Căng thẳng thương mại ở khu vực cũng chưa hạ nhiệt; dù kỳ vọng nhiều vào việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) nhưng Việt Nam cũng cần lưu ý rằng EU đang rất bận với chương trình nghị sự về thương mại liên quan đến Brexit, đàm phán thương mại với Mỹ… Bên cạnh đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể gặp phải nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ…

Quan trọng hơn cả, theo các chuyên gia, sự đối đầu giữa các công nghệ mới và tư duy quản lý truyền thống ngày càng phức tạp hơn, ngay cả ở các thị trường phát triển. Do đó, tại Hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh, cần phải ưu tiên chính sách cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế và xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động.

Thảo luận tại Hội thảo, nhiều đại biểu thể hiện rõ sự đồng tình với các khuyến nghị cần phải quản lý dòng vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo hướng đảm bảo phải hấp thụ được, qua đó cũng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành tỷ giá cần tiếp tục thận trọng, linh hoạt; tích cực cải thiện môi trường kinh doanh để tạo thêm động lực mới cho doanh nghiệp và cần phải có tư duy mở hơn với các vấn đề mới của Cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số… Song song với đó là thúc đẩy hội nhập thông qua việc nhanh chóng thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến CPTPP; chuẩn bị trong nước cho quá trình hội nhập EVFTA…

Tin và ảnh: PHÚC KHANG
Cùng chuyên mục
  • Tăng trưởng kinh tế có nhiều yếu tố tích cực nhưng cũng có yếu tố tiêu cực, rủi ro
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Phân tích về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, TS.Đặng Đức Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đã đưa ra nhiều nhận xét, đánh giá về tăng trưởng kinh tế, về những mặt tích cực xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như cảnh báo về những tiêu cực, rủi ro liên quan... Đồng thời đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2019 có thể đạt tới 6,86%.
  • Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt 6,86%, vượt mục tiêu đề ra
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Sáng 11/7, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế- xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu Tư) đã tổ chức Tọa đàm “Báo cáo tổng quan kinh tế giữa kỳ 2019”. Tọa đàm thu hút gần 50 đại biểu tham dự, trong đó có nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế.
  • Lần đầu tiên công bố Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2019
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Chiều 10/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức lễ công bố Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2019. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã tham dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.
  • Bộ Công Thương bàn giao nhiệm vụ xử lý 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả sang Ủy ban Quản lý vốn
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Ngày 09/7, Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã tổ chức buổi họp bàn giao nhiệm vụ Thường trực Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo của Chính phủ xử lý 12 dự án yếu kém thuộc ngành Công Thương sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
  • 60 năm ngành dầu khi thực hiện ý nguyện của Bác Hồ
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- “Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung và Azerbaijan nói riêng phải giúp đỡ Việt Nam khai thác và chế biến dầu khí, xây dựng được những khu công nghiệp dầu khí mạnh…” - lời đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm khu công nghiệp dầu lửa Bacu-Adecbaigian vào ngày 23/7/1959 đã đặt nền móng cho sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam, là niềm tin, là ước vọng của đất nước, là mục tiêu hành động, là kim chỉ nam trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.
Thúc đẩy tăng trưởng thông qua cải thiện chính sách và thích ứng với hội nhập