Thiếu chính sách ưu đãi, công nghiệp ô tô khó phát triển

(BKTO) - Theo các chuyên gia, để ngành công nghiệp và phụ tùng ô tô thực sự trở thành một trong 6 ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, bắt kịp với các nước trong khu vực, các nhà quản lý, cơ quan hữu quan cần phải hoàn thiện chính sách thuế và có những giải pháp hỗ trợ tài chính thiết thực.




Việt Nam cần có chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghiệp ô tô. Ảnh: vinfast.vn

Khó đứng vững trong cạnh tranh

Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đánh giá, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã có sự phát triển khá nhanh trong vài năm lại đây. Số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước có tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 10% trong giai đoạn 2015-2018, đạt 250.000 xe vào năm 2018. Tuy nhiên, sản lượng năm 2017 và 2018 lại giảm khoảng 9% và 3% so với năm trước đó, do tác động của việc giảm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các nước ASEAN, từ mức 50% năm 2015 xuống 40% năm 2016, 30% năm 2017 và 0% năm 2018.

Theo phân tích của các chuyên gia, nền tảng sản xuất còn thấp là một trong những nguyên nhân khiến công nghiệp ô tô Việt Nam khó đứng vững trong bối cảnh cạnh tranh. Đơn cử như về tỷ lệ về nội địa hóa, sau gần 20 năm, tỷ lệ nội địa hóa trong phân khúc xe khách, xe tải mới cơ bản đáp ứng mục tiêu đề ra là 20% và 45% theo từng loại xe. Với loại xe cá nhân dưới 9 chỗ ngồi thì tỷ lệ nội địa hóa mới đạt bình quân 7 - 10%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu. Không chỉ có vậy, sản phẩm nội địa hóa cũng mang hàm lượng công nghiệp thấp, như: săm, lốp, ghế ngồi, gương kính, ắc quy… Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đã đạt tới 70%, thậm chí 80% như ở Thái Lan. Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) nhận định rằng, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam vẫn ở quy mô nhỏ khi mà hơn 80% linh kiện cho sản xuất xe trong nước là nhập khẩu.

Số liệu thống kê của VAMA cho biết, tính đến hết năm 2018, cả nước có 358 DN sản xuất liên quan đến ô tô, trong đó, có 50 DN lắp ráp ô tô, 45 DN sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 DN sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô… Từ năm 2018, sau khi ô tô nhập khẩu nội khối ASEAN có thuế nhập khẩu là 0% và với các chính sách phát triển hiện hành, các DN trong nước đã và đang đầu tư mở rộng sản xuất ô tô, linh kiện, phụ tùng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, ngành công nghiệp và phụ tùng ô tô chưa tạo được sự hợp tác liên kết và chuyên môn hóa giữa các DN trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng, linh kiện; chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.

Đề cập đến lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, thống kê của VAMA cho thấy hiện đang có khoảng 1.800 DN hoạt động trong lĩnh vực này. Nhờ khả năng cung cấp và năng lực khá tốt nên nhiều sản phẩm của các DN đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu được sang nhiều quốc gia trên thế giới với kim ngạch khoảng 4,5 tỷ USD/năm. Nhưng theo Bộ Công Thương, các DN công nghiệp hỗ trợ chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, năng lực còn hạn chế khi chỉ có khoảng 300/1.800 DN tham gia được vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.

Cần chính sách ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp

Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng ban Chính sách (VAMA) - cho rằng, công nghiệp ô tô của Việt Nam đang đi sau các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia khoảng 20 năm nên cần có chính sách cụ thể và thiết thực để khuyến khích đột phá. Bà Nguyễn Thị Hải Bình - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính - cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân chính khiến ngành công nghiệp ô tô chưa phát triển được là do chính sách.

Để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp hỗ trợ cho ngành, đại diện Bộ Công Thương đề xuất, không tính giá trị linh kiện sản xuất trong nước vào giá trị tính thuế tiêu thụ đặc biệt, điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số dòng xe cho hợp lý, không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện, ô tô thân thiện với môi trường. Đồng thời cho phép hoàn thuế giá trị gia tăng trong vòng 3 tháng (không hoàn theo phương pháp khấu trừ như hiện nay) đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định.

Về thuế nhập khẩu, cần sửa đổi Nghị định số 134/2016/NĐ-CP theo hướng áp thuế 0% đối với linh kiện, phụ tùng và nguyên liệu sản xuất phục vụ xuất khẩu; điều chỉnh thuế suất về 0% đối với một số cụm chi tiết quan trọng của xe ô tô dưới 9 chỗ, áp dụng đến năm 2025; miễn thuế hàng hóa nhập khẩu phục vụ làm mẫu; áp dụng thuế suất 0% đối với máy móc, thiết bị, khuôn, đồ gá… nhập khẩu để tạo tài sản cố định.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, đối với công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, cần xem xét, sửa đổi, bổ sung các luật về thuế theo hướng điều chỉnh phương thức khấu trừ thuế giá trị gia tăng đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu phục vụ sản xuất, thuế suất nhập khẩu phụ tùng, linh kiện và quy định miễn thuế nhập khẩu đối với hoạt động xuất khẩu; chuyển tiếp ưu đãi thuế thu nhập DN đối với các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trước ngày 01/01/2015.

Về chính sách tín dụng, Bộ Công Thương đề xuất, cần hình thành gói tín dụng ưu đãi khoảng 100.000 tỷ đồng cho các DN công nghiệp hỗ trợ với cơ chế tương tự như gói tín dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tiếp tục xác định công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực ưu tiên và các tổ chức tín dụng cân đối nguồn cho vay theo trần lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước… TS. Trương Thị Chí Bình - Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - cho rằng, để tăng sức cạnh tranh của DN công nghiệp hỗ trợ cần những ưu đãi tín dụng, như Quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa ưu tiên cho DN chế tạo/công nghiệp hỗ trợ.

QUỲNH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 43 ra ngày 24-10-2019
Cùng chuyên mục
  • Sớm hiện thực hóa thanh toán bằng tài khoản viễn thông
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Thanh toán điện tử hướng tới xã hội không tiền mặt đang là xu thế tất yếu trong thời đại số hóa và Cách mạng công nghiệp 4.0. Thời gian qua, mặc dù loại hình thanh toán này ở nước ta đã có sự phát triển nhanh chóng nhưng 90% các giao dịch vẫn sử dụng tiền mặt. Để thay đổi thói quen này, điều quan trọng là phải tạo cho người dân được trải nghiệm các tiện ích và bắt kịp với xu thế của thế giới.
  • Nông sản và các nhóm hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu đi đâu?
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU- 28 nước) là những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam.
  • Xuất khẩu nông sản, trái cây sang thị trường Trung Quốc đang gặp khó
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Hiện nay đã bắt đầu vào thời điểm chính vụ thu hoạch mặt hàng thanh long để tiêu thụ và xuất khẩu. Tuy vậy, tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) và cửa khẩu Kim Thành (tỉnh Lào Cai) đã xuất hiện tình trạng ùn ứ nông sản các loại xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong đó có thanh long.
  • Tăng trưởng xuất khẩu cà phê nhờ gia tăng chế biến và xây dựng thương hiệu
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Những năm qua, dù kinh tế thế giới có nhiều thời điểm khó khăn dẫn đến sức mua sụt giảm nhưng xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng đáng khích lệ. Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu cà phê bình quân giai đoạn 2011-2018 đạt 3,13 tỷ USD/năm (tăng trưởng trung bình 8,2%/năm), chiếm 15% tổng xuất khẩu nông sản của cả nước. Cà phê luôn khẳng định được vai trò là ngành hàng quan trọng với mức đóng góp khoảng 3% GDP cả nước.
  • Bộ GTVT: Sẽ bổ sung 8 quy định đối với ô tô kinh doanh vận tải
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Trong Báo cáo gửi lên Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ bổ sung một số quy định để đảm bảo công bằng giữa xe taxi truyền thống và xe ứng dụng hợp đồng điện tử.
Thiếu chính sách ưu đãi, công nghiệp ô tô khó phát triển