Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nóng, tiềm ẩn rủi ro

(BKTO) - Hơn 2 năm trở lại đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có hiện tượng tăng trưởng nóng, tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư, DN phát hành và sự ổn định của thị trường. Để thị trường này phát triển lành mạnh và bền vững, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp.




Thị trường TPDN đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh minh họa

Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp cao, thị trường tăng khoảng 50% so với cùng kỳ

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Theo các DN và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), 6 tháng đầu năm 2020, tổng lượng TPDN phát hành ước đạt 159.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2019. Cũng trong 6 tháng qua, các ngân hàng thương mại (NHTM) phát hành 42.500 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất bình quân 6,72%/năm và kỳ hạn bình quân 4,7 năm. So với lãi suất tiền gửi, đây là một mức lãi suất cao và hấp dẫn các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, VEPR nhận định: Việt Nam chưa có tổ chức độc lập và uy tín để xếp hạng tín nhiệm DN. Vì vậy, sự nóng lên của thị trường trái phiếu có thể dẫn đến tình trạng cạnh tranh lãi suất, chất lượng TPDN không đồng đều, đẩy rủi ro về phía người mua (phải tự thẩm định, đánh giá). Trước mắt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, áp lực đối với việc trả nợ của các DN phát hành trái phiếu cũng sẽ bị đẩy lên cao hơn, làm tăng rủi ro vỡ nợ. Đặc biệt, hiện nay, các DN bất động sản đang gia tăng việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, cùng với đó, các công ty chứng khoán, NHTM cũng đẩy mạnh việc phân phối TPDN cho nhà đầu tư cá nhân khiến nhà đầu tư cá nhân tiếp tục xu hướng tăng mua TPDN, dẫn đến thị trường TPDN tăng trưởng nóng, nguy cơ sụp đổ cao.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV - cũng phân tích: Thị trường TPDN tăng trưởng bình quân 45%/năm giai đoạn từ 2017 đến hết tháng 6/2020. 6 tháng đầu năm 2020, có đến 130 DN thực hiện chào bán trái phiếu, huy động tổng cộng 156.327 tỷ đồng thông qua 818 đợt phát hành (tăng khoảng 50% so với 6 tháng đầu năm 2019). Thị trường TPDN phát triển là tín hiệu tốt cho nền kinh tế và hệ thống tài chính nhưng đây là mức tăng trưởng nóng. Ngoài các nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp (nhà đầu tư có khả năng phân tích và chấp nhận rủi ro khi đầu tư trái phiếu), sự gia tăng đầu tư của nhà đầu tư cá nhân (bao gồm cả nhà đầu tư không có năng lực phân tích, đánh giá mà chỉ quan tâm đến lãi suất) sẽ dẫn đến rủi ro cho nhà đầu tư, DN phát hành và sự ổn định của thị trường. Không những vậy, thị trường TPDN riêng lẻ cũng đã có hiện tượng DN phát hành trái phiếu với khối lượng lớn gấp nhiều lần so với vốn chủ sở hữu, liên tục huy động thông qua việc chia nhỏ thành nhiều đợt phát hành và tăng lãi suất để thu hút nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ. Điều này cho thấy thị trường TPDN đang tiềm ẩn rủi ro.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Tài chính Ngân hàng - cũng nêu vấn đề: Điều đáng lo ngại hiện nay là nhiều người mua trái phiếu chỉ quan tâm đến lãi suất của TPDN (hiện nay, lãi suất huy động của ngân hàng giảm, trong khi đó, lãi suất TPDN trung bình 9%, thậm chí 17%) mà không quan tâm đến tình hình tài chính của DN phát hành, không quan tâm đến các điều kiện, điều khoản khi mua TPDN. Điều này sẽ gây rủi ro cho nhà đầu tư khi DN không trả được “nợ” cho nhà đầu tư.

Đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh, chuyên nghiệp hơn

Trước thực trạng trên, Bộ Tài chính cũng đã nhiều lần ban hành văn bản khuyến cáo nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân cần thận trọng với những rủi ro khi tham gia thị trường này, không mua TPDN chỉ vì lãi suất cao…

Đồng thời, để quản lý thị trường TPDN chặt chẽ hơn, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành TPDN (Nghị định 81) có hiệu lực từ ngày 01/9/2020.

Ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tín dụng, Bộ Tài chính - khẳng định: Việc thay đổi quy định về phát hành TPDN không nhằm “siết” hay “nới” thị trường này. Mục đích của cơ quan quản lý là xây dựng môi trường pháp lý minh bạch, tạo điều kiện cho DN huy động vốn và đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Nghị định 81 điều chỉnh các điều kiện phát hành TPDN theo hướng chặt chẽ hơn, DN phát hành TPDN sẽ phải thực hiện tốt yêu cầu về minh bạch thông tin. Quy mô phát hành trái phiếu trong thời gian tới có thể sẽ không tăng nhanh như năm 2019, song việc điều chỉnh này là cần thiết để đảm bảo thị trường TPDN hoạt động chuyên nghiệp, lành mạnh hơn.

Để tiếp tục góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của hệ thống tài chính Việt Nam nói chung và thị trường TPDN nói riêng, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV kiến nghị: Bộ Tài chính nên kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn Nghị định 81 theo hướng chi tiết, rõ ràng, ngắn gọn, nhất là các mẫu biểu hồ sơ, gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giảm thiểu quy trình, thủ tục; tăng cường năng lực quản lý, giám sát đối với thị trường TPDN, cơ quan chức năng phải xây dựng được đội ngũ nhân lực và cơ sở dữ liệu cần thiết để kiểm tra, rà soát thường xuyên và kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm. Đồng thời, sớm cho phép thành lập và phát triển các tổ chức định hạng tín nhiệm đối với các tổ chức phát hành chứng khoán để phát triển thị trường TPDN chất lượng, chuyên nghiệp. Cùng với đó, cần tăng cường truyền thông, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức liên quan cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán nói chung và thị trường TPDN. Giải pháp lâu dài và căn cơ vẫn là phát triển đầy đủ, đồng bộ các thị trường trong hệ thống tài chính như: cho thuê tài chính, đa dạng quỹ đầu tư, đa dạng sản phẩm trên thị trường phái sinh…
MINH ANH
Cùng chuyên mục
  • Thị trường chứng khoán sẽ diễn biến  tích cực trong nửa cuối năm
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo đánh giá của các chuyên gia, định giá của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang ở mức hấp dẫn tương đối so với các nền kinh tế trong khu vực châu Á xét trên chỉ số P/E (chỉ số phản ánh mối quan hệ giữa thị giá cổ phiếu với lợi nhuận sau thuế trong một năm của DN), P/B (tỷ lệ giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách) và ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu). Có 62,5% chuyên gia chứng khoán và DN niêm yết trong khảo sát của Vietnam Report cho rằng TTCK Việt Nam 6 tháng cuối năm 2020 sẽ sôi động, diễn biến khá tích cực. Tuy nhiên, vẫn có tới 37,5% dự đoán thị trường có nhiều biến động và có thêm những cú sốc mới.
  • Giao dịch không tiếp xúc tăng trưởng mạnh trong giai đoạn dịch COVID-19
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Giao dịch không tiếp xúc tăng trưởng mạnh trong giai đoạn dịch COVID-19 là thông tin vừa được Visa - Công ty Công nghệ thanh toán điện tử hàng đầu thế giới cho hay. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2020, giao dịch không tiếp xúc của Visa đã tăng hơn 500% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị giao dịch không tiếp xúc của Visa tăng hơn 600% so với cùng kỳ.
  • PVN sẵn sàng cho ngày hội lớn
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Đại hội Đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (Đại hội) sẽ chính thức diễn ra trong hai ngày 3 và 4/8/2020 tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của các đại biểu chính thức được bầu từ đại hội 33 đảng bộ/chi bộ trực thuộc và đại biểu đương nhiên là ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn đương nhiệm, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của gần 1,5 vạn Đảng viên và gần 6 vạn người lao động Dầu khí trong toàn Tập đoàn.
  • 1 tỷ đồng sản phầm sữa được Vinamilk gửi đến người dân miền Trung đang cách ly vì Covid-19
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) trao tặng hàng trăm ngàn sản phẩm dinh dưỡng (trị giá 1 tỷ đồng) cho các điểm cách ly do Covid-19 tại Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
  • Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp nhất trong nhiều năm
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2020 chỉ tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước, không đạt được mức tăng đột phá trong thời kỳ Covid-19 như tháng 6/2020. Tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,6%, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nóng, tiềm ẩn rủi ro