Thị trường chứng khoán Việt Nam đứng trước cơ hội được nâng hạng lên thị trường mới nổi

(BKTO) - Ngày 26/9 vừa qua, đơn vị cung cấp chỉ số FTSE Russell đã công bố kết quả phân hạng thị trường kỳ tháng 9/2019. Theo đó, thị trường chứng khoán Việt Nam tuy chưa chính thức được nâng hạng nhưng vẫn tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier Markets) lên thị trường mới nổi loại 2 (Secondary Emerging Markets).



“Điểm nghẽn” có thể sớm được giải quyết

Theo kết quả của kỳ đánh giá tháng 3/2019, thị trường chứng khoán Việt Nam đã thỏa mãn 7/9 điều kiện tiên quyết để được nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2. Hai tiêu chí chưa thỏa mãn là “Ít có giao dịch thất bại” và “Thanh toán - T+2/T+3”. Trong đợt đánh giá lần này, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí “Thanh toán - T+2/T+3”. Với tiêu chí này, FTSE duy trì đánh giá “còn hạn chế”. Còn đối với tiêu chí "Ít có giao dịch thất bại", FTSE duy trì ở trạng thái “N/A”, nghĩa là chưa có thông tin để đánh giá. FTSE Russell ghi nhận sự nỗ lực để phát triển và nâng cao thị trường vốn cũng như đánh giá cao sự hợp tác của các cơ quan quản lý thị trường Việt Nam trong 12 tháng qua. Cơ quan xây dựng chỉ số này cho biết, họ sẽ tiếp tục theo dõi sự cam kết này của Việt Nam.

Đối với tiêu chí “Thanh toán - T+2/T+3”, đây là điểm hạn chế của thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ khi được vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 hồi tháng 9/2018. Nguyên nhân của sự hạn chế này là bởi, tại Việt Nam, tiền phải có trong tài khoản mới được giao dịch (pre-funding). Theo FTSE Russell, Việt Nam cần tuân theo thông lệ quốc tế: thực hiện nhận cổ phiếu thì trả tiền (Delivery vs Payment - DvP), tức là chỉ cần kiểm tra số dư tiền vào ngày T+2 rồi thực hiện chuyển giao cổ phiếu và thanh toán, thay vì kiểm tra tài khoản và trừ tiền ngay tại thời điểm T+0.

Khoản 2, Điều 7, Thông tư số 203/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán quy định: “Ngoại trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch trong ngày theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Thông tư này, nhà đầu tư chỉ được đặt lệnh mua khi đã ký quỹ đủ tiền trên tài khoản giao dịch chứng khoán. Trường hợp nhà đầu tư mở tài khoản lưu ký tại ngân hàng lưu ký và mở tài khoản giao dịch tại công ty chứng khoán, nhà đầu tư được đặt lệnh mua và công ty chứng khoán được thực hiện lệnh mua khi có bảo lãnh thanh toán hoặc xác nhận của ngân hàng lưu ký về việc ngân hàng lưu ký chấp nhận yêu cầu thanh toán giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư”. Như vậy có thể hiểu, nhà đầu tư tổ chức có tài khoản lưu ký tại ngân hàng lưu ký chỉ cần có bảo lãnh thanh toán hoặc xác nhận của ngân hàng lưu ký là có thể giao dịch, không cần phải có đủ tiền trên tài khoản giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, hiện nay, các thành viên trên thị trường vẫn áp dụng một cách cứng nhắc quy định này và chưa có hướng dẫn cụ thể về việc bảo lãnh thanh toán hay xác nhận của ngân hàng lưu ký, khiến nó trở thành điểm hạn chế trong đánh giá của FTSE.

Trong tương lai, những hướng dẫn phù hợp với Thông tư số 203/2015/TT-BTC chắc chắn sẽ giúp Việt Nam đạt được tiêu chí cuối cùng để có thể được FTSE Russell nâng hạng trong kỳ xem xét tới.

Các dòng vốn lớn sẽ “chảy vào” khi thị trường chính thức được nâng hạng

FTSE Russell cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi và có thể trở thành thị trường mới nổi loại 2 vào tháng 9/2020 khi đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí.

Khi được FTSE chính thức nâng hạng lên thị trường thứ cấp, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút các dòng vốn lớn từ các quỹ đầu tư ETFs (từ 347 triệu USD đến 566 triệu USD). Ngoài dòng vốn từ các quỹ đầu tư thụ động, thị trường còn hấp dẫn các khoản đầu tư từ các quỹ đầu tư chủ động (từ 361 triệu đến 588 triệu USD).

Theo quan sát dựa trên thị trường chứng khoán của các quốc gia đã được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong quá khứ, thông thường thị trường chứng khoán được nâng hạng sẽ tăng điểm mạnh trong khoảng 6 tháng trước khi được nâng hạng chính thức. Diễn biến này là do các quỹ đầu tư chủ động không bị ràng buộc về việc phải chờ chỉ số FTSE/MSCI Emerging Markets thay đổi cấu trúc như các quỹ ETFs và họ có thể đã tiến hành giải ngân trước nhằm đón đầu xu hướng được nâng hạng tại một quốc gia.

Với sự cải thiện không ngừng về mặt quy mô và chất lượng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn là được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Việc nâng hạng sẽ giúp thị trường Việt Nam thu hút thêm nhiều nhà đầu tư và quỹ mới. Theo đó, dòng tiền ngoại chảy vào thị trường sẽ không chỉ dừng ở việc bám theo các chỉ số của FTSE và MSCI, các quỹ còn có thể tự xây dựng chỉ số hoặc đầu tư thông qua các chỉ số hiện có của Việt Nam như: VN30, VN50, VN100.

PHẠM DŨNG - Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt
Theo Báo Kiểm toán số 40 ra ngày 03-10-2019
Cùng chuyên mục
Thị trường chứng khoán Việt Nam đứng trước cơ hội được nâng hạng lên thị trường mới nổi