Tăng trưởng kinh tế có nhiều yếu tố tích cực nhưng cũng có yếu tố tiêu cực, rủi ro

(BKTO)- Phân tích về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, TS.Đặng Đức Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đã đưa ra nhiều nhận xét, đánh giá về tăng trưởng kinh tế, về những mặt tích cực xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như cảnh báo về những tiêu cực, rủi ro liên quan... Đồng thời đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2019 có thể đạt tới 6,86%.



Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế, đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019?
                
   

TS. Đặng Đức Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia-Ảnh: H.THOAN

   

6 tháng đầu năm, tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục được cải thiện song đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đạt 6,76% nhờ vào động lực tăng trưởng ở một số ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, kim loại, sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, xe có động cơ… trong bối cảnh ngành sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng trưởng chậm lại.

Tăng trưởng xuất khẩu nhìn chung giảm do tác động bất lợi của kinh tế thế giới, nhưng Việt Nam lại đạt được tăng trưởng xuất khẩu mạnh sang thị trường Mỹ, trong đó xuất khẩu mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng gần 72%; điện thoại và linh kiện tăng gần 92%, máy móc thiết bị và phụ tùng tăng trên 54%...

Bức tranh xuất khẩu sang thị trường Mỹ của Việt Nam trái ngược với bức tranh xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường này. Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ 6 tháng đầu năm của Việt Nam cũng cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2018. So sánh với các mặt hàng bị Mỹ áp thuế với Trung Quốc thì Việt Nam có sự tăng trưởng khá tốt trong xuất khẩu sang Mỹ những tháng đầu năm.

Kết quả này vừa có yếu tố tích cực, vừa có yếu tố tiêu cực. Về mặt tích cực là Việt Nam ít bị tác động bởi suy giảm kinh tế thế giới, nhưng mặt tiêu cực là việc Việt Nam tăng xuất siêu sang thị trường Mỹ khiến Mỹ có thể áp thuế đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Vốn là nền kinh tế gia công, nhập khẩu nhiều nguyên liệu để phục vụ sản xuất nhưng sau đó xuất khẩu cũng nhiều và Việt Nam nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc. Thực tế này dẫn tới 2 khả năng, một là nền kinh tế phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu bên ngoài; hai là hàng hóa Trung Quốc có thể lẩn tránh thuế bằng còn đường “né” sang Việt Nam. Do đó, cần nghiên cứu và đánh giá tác động của vấn đề này.

Bên cạnh xu hướng xuất khẩu có chuyển biến như trên, tình hình thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam những tháng qua có điểm nổi bật gì, thưa ông?

Đầu tư nước ngoài 6 tháng qua có sự tăng mạnh đầu tư từ Hồng Kông, Trung Quốc. Có thể thấy, tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã tạo lực đẩy cho các nhà đầu tư nước ngoài tự tin hơn khi chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Trước đây, với chính sách Trung Quốc +1 thì có thể các nhà đầu tư nước ngoài còn do dự khi chuyển máy móc, dây chuyền sản xuất sang nước khác, nhưng hiện nay chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã tạo động lực cho họ đa dạng hóa rủi ro, tránh phụ thuộc vào một thị trường. Trung Quốc cũng thấy được cơ hội của việc đầu tư sang Việt Nam để từ đó thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường khác do Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do.

Hiện nay, có ý kiến quan ngại rằng đầu tư từ Trung Quốc tăng có thể tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam, nhưng chúng tôi cho rằng có tiêu cực hay không phụ thuộc rất nhiều vào chính sách của Việt Nam, nếu chọn lọc được những dự án tốt thì sẽ rất tốt vì họ cũng có nhiều lợi thế trong công nghiệp chế biến, chế tạo.

Trước đây, vốn đầu tư nước ngoài có 2 dạng là cấp vốn và tăng vốn, nhưng 3 năm gần đây các nhà đầu tư nước ngoài ưa chuộng hình thức mua bán, sáp nhập (M&A)- tức là đầu tư dựa trên mua bán cổ phần của các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường. Điều này giúp họ đi vào sản xuất nhanh hơn, giảm được chi phí, rủi ro so với họ đầu tư một dự án mới.

         
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2017, số vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 2,25 tỷ USD, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2018, con số này đã đạt tới 4,1 tỷ USD, và 6 tháng đầu năm 2019 con số này là 8,1 tỷ USD- tăng gần 4 lần trong 3 năm. Do đó, khi nghiên cứu về vốn giải ngân của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cần tính đến số vốn góp, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài, vì số vốn này đi vào sản xuất nhanh hơn so với dự án mới - TS.Đặng Đức Anh nói.
Đây cũng là yếu tố tích cực góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam không bị suy giảm thời gian qua khi mà kinh tế thế giới suy giảm. Một điểm sáng là tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã tăng 71,2% trong 6 tháng đầu năm 2019 so với mức tăng 38,9% của cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này khẳng định xu hướng chuyển dịch đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài sang Việt Nam để biến Việt Nam trở thành một công xưởng mới của thế giới.

Theo ông, những xu hướng và chuyển biến nêu trên có tiếp tục được duy trì trong 6 tháng cuối năm 2019?

Trên cơ sở kết quả đạt được 6 tháng đầu năm và từ những nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, trong 6 tháng cuối năm, một số xu hướng của 6 tháng đầu năm có thể vẫn tiếp diễn. Kinh tế thế giới và thương mại quốc tế được dự báo sẽ tiếp tục suy giảm do xung đột thương mại. Sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng của Việt Nam, đặc biệt là qua các kênh thương mại, đầu tư. Căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông sẽ ảnh hưởng đến giá năng lượng và nguyên liệu trên thị trường. Chính sách bảo hộ thương mại của các quốc gia và nguy cơ áp thuế lẩn tránh thương mại có thể trở thành nguy cơ lớn đối với Việt Nam…

Trong nước, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy xuất nhập khẩu thông qua các Hiệp định thương mại tự do; tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Mỹ do những mặt hàng của Trung Quốc đang bị áp thuế cao và chúng ta vẫn có cơ hội thu hút nguồn lực từ bên ngoài khi các nhà đầu tư chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc. Ngoài ra, một số dự án đầu tư sản xuất quy mô lớn trong nước sẽ đẩy mạnh sản xuất trong các tháng cuối năm.
                
   

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn - một trong những dự án lớn được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh sản xuất trong các tháng cuối năm. Ảnh sưu tầm

   

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định. Tuy nhiên, cần lưu ý việc chúng ta xuất siêu quá lớn sang Mỹ thì nguy cơ áp thuế và các rào cản kỹ thuật là khá lớn kể cả hàng hóa của chúng ta có hay không bị vào danh sách theo dõi. Chúng ta đã có bài học từ xuất khẩu thép nên cần có giải pháp dự phòng để ứng phó nếu Mỹ có thể cân nhắc áp thuế với những mặt hàng khác ngoài thép…

Một đặc điểm nổi lên gần đây là nguy cơ thiếu hụt nguồn cung lao động do cạnh tranh từ các nhà đầu tư nước ngoài và tác động tiêu cực do chi phí lao động tăng nhanh hơn mức tăng năng suất lao động. Thu hút được đầu tư nước ngoài là mặt tích cực, nhưng nếu đầu tư nước ngoài vào quá nhiều cũng tác động tiêu cực đối với sản xuất công nghiệp trong nước, nhất là khi chúng ta không nâng được năng suất lao động thì rất dễ rơi vào trường hợp chi phí lao động của Việt Nam sẽ tăng rất mạnh, chúng ta sẽ mất sức cạnh tranh rất nhanh.

Hiện nay, chúng ta vẫn chạy theo quán tính chi phí lao động giá rẻ là chính, nhưng chúng ta vẫn thu hút mạnh đầu tư mà chưa có sự hấp thụ nguồn vốn, chuyển đổi nhanh nâng cao sức lao động thì chúng ta sẽ mất lợi thế lao động giá rẻ. Khi đó, chúng ta chưa chắc duy trì được luồng vốn này mà họ sẽ chuyển sang thị trường khác cạnh tranh rất mạnh với chúng ta như Bangladesh, Lào, Campuchia…

Ngoài ra, có một số nút thắt hiện hữu trong suốt thời gian qua mà chúng ta chưa giải quyết được, đó là giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là vốn ODA chậm. Môi trường kinh doanh có chuyển biến nhưng chưa rõ nét. Quy mô của doanh nghiệp trong nước chủ yếu là sản xuất nhỏ và gia công là chính, hoạt động trong phân khúc thấp của chuỗi giá trị. Tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực được đào tạo, có chuyên môn cao vẫn tiếp diễn. Sức ép về đảm bảo năng lượng, cơ sở hạ tầng cho tăng trưởng vẫn chưa được giải quyết.

Từ thực tế và kết quả nghiên cứu, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia vừa đưa ra dự báo khá khả quan về tăng trưởng kinh tế năm 2019. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về cơ sở đưa ra dự báo đó?

Trên nền của 6 tháng đầu năm, chúng tôi dự báo đà tăng trưởng của 6 tháng cuối năm là tốt. Khả năng chúng ta đạt tăng trưởng ở mức cao tới 6,86%, vượt mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Trong đó, tăng trưởng của các khu vực nông lâm thủy sản là 3,02%; công nghiệp và xây dựng là 8,61% và dịch vụ là 6,84%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2019 dự kiến tăng 3,13%, thấp hơn so với kế hoạch đề ra là 4%.
                
   

Dự báo tăng trưởng kinh tế 2019 của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia

   

Nhìn chung, các chỉ tiêu đề ra cho năm 2019 sẽ cơ bản đạt và vượt. Tuy nhiên, tăng trưởng có những yếu tố tích cực, cũng có những yếu tố rủi ro, cần phải có giải pháp đề phòng, ứng phó trong thời gian tới.

Qua nghiên cứu, chúng tôi đề xuất một số giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2019 là tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng nhằm duy trì ổn định tỷ giá, lãi suất; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Đồng thời, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân để bù đắp sự sụt giảm của khu vực chế biến, chế tạo.

Bên cạnh đó, cần tăng cường biện pháp nhằm chống gian lận thương mại, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của hàng hóa nước ngoài thông qua thị trường Việt Nam cho dù việc phát hiện ra là không dễ dàng. Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua gắn kết đào tạo nghề với doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

H.THOAN (lược ghi)
Cùng chuyên mục
  • Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt 6,86%, vượt mục tiêu đề ra
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Sáng 11/7, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế- xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu Tư) đã tổ chức Tọa đàm “Báo cáo tổng quan kinh tế giữa kỳ 2019”. Tọa đàm thu hút gần 50 đại biểu tham dự, trong đó có nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế.
  • Lần đầu tiên công bố Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2019
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Chiều 10/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức lễ công bố Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2019. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã tham dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.
  • Bộ Công Thương bàn giao nhiệm vụ xử lý 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả sang Ủy ban Quản lý vốn
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Ngày 09/7, Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã tổ chức buổi họp bàn giao nhiệm vụ Thường trực Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo của Chính phủ xử lý 12 dự án yếu kém thuộc ngành Công Thương sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
  • 60 năm ngành dầu khi thực hiện ý nguyện của Bác Hồ
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- “Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung và Azerbaijan nói riêng phải giúp đỡ Việt Nam khai thác và chế biến dầu khí, xây dựng được những khu công nghiệp dầu khí mạnh…” - lời đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm khu công nghiệp dầu lửa Bacu-Adecbaigian vào ngày 23/7/1959 đã đặt nền móng cho sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam, là niềm tin, là ước vọng của đất nước, là mục tiêu hành động, là kim chỉ nam trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.
  • Big C cam kết nhập lại hàng của 50 doanh nghiệp dệt may Việt Nam và tiếp tục đàm phán với 150 doanh nghiệp
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Chia sẻ với báo giới một số thông tin liên quan đến vụ việc Tập đoàn Central Group Việt Nam (đơn vị sở hữu Big C trong thời hạn 10 năm) dừng thu mua hàng may mặc của các nhà cung cấp Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đại diện Big C cam kết ngay trong hôm nay (ngày 4/7) mở lại đơn hàng 50/200 nhà cung cấp hàng dệt may Việt Nam.
Tăng trưởng kinh tế có nhiều yếu tố tích cực nhưng cũng có yếu tố tiêu cực, rủi ro