Quyết liệt hành động vì an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp

(BKTO) - Kết quả giám sát năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy sự chuyển biến đáng kể về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) và chỉ số ATTP các nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Năm 2018, với những giải pháp quyết liệt, công tác đảm bảo an toàn nông sản hứa hẹn tiếp tục đạt những chuyển biến mới.



Nhiều chuyển biến tích cực

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông - lâm và thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp cho biết, vấn đề ATTP trong năm 2017 được kiểm soát khá chặt chẽ, đặc biệt đã giải quyết dứt điểm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giảm thiểu lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, đưa tạp chất vào tôm, tiêm thuốc an thần cho gia súc trước khi giết mổ...

Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông - lâm - thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP đã tăng lên 97,33%; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp được kiểm tra đạt yêu cầu đã tăng lên 93,16%. Kết quả phân tích trong hơn 8.000 mẫu nước tiểu, hơn 1.000 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ trên cả nước trong năm 2017 không phát hiện mẫu vi phạm chất cấm Salbutamol (một loại hoocmôn tăng trưởng).

Xét nghiệm chất cấm Salbutamol tại cơ sở chăn nuôi lợn thịt. Ảnh: TL

Tỷ lệ mẫu thịt tươi vi phạm về chỉ tiêu kháng sinh chỉ chiếm 0,63% (21/3.341 mẫu), giảm gần 3 lần so với năm 2016 là 1,76%. Tỷ lệ mẫu thuỷ sản và sản phẩm thuỷ sản vi phạm chỉ tiêu hoá chất, kháng sinh là 0,89% (27/3.002 mẫu); tỷ lệ mẫu rau, củ, quả vi phạm chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là 0,6% (4/667 mẫu). Dù các thông số đều giảm so với năm 2016, song ATTP vẫn là mối lo của người tiêu dùng.

Năm 2017 cũng không có sự cố lớn về ATTP xảy ra, góp phần vào tăng trưởng nông nghiệp. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 36,37 tỷ USD, đạt mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 13% so với năm 2016. Nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đến 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tập trung phát hiệnvà ngăn chặn sai phạm

Tại Hội nghị Triển khai Kế hoạch hành động bảo đảm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018 do Bộ NN&PTNT tổ chức vừa qua, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT Nguyễn Văn Việt cho biết, năm 2017, mặc dù vấn đề chất cấm trong chăn nuôi đã được kiểm soát, tuy nhiên, năm nay, không thể lơ là vấn đề này. Đáng lo ngại là lực lượng chức năng lại phát hiện một số DN nhập khẩu, kinh doanh loại “đạm giả” trong thức ăn chăn nuôi. Việc dùng những chất trên không có tác dụng về mặt dinh dưỡng, nhưng lại gây ra các bệnh về thận cho động vật và con người khi dùng sản phẩm có chất này.

Thời gian tới, ngoài việc tăng cường tuyên truyền về ATTP đến người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh, các lực lượng thanh tra sẽ tăng cường sự phối hợp với Bộ Công an, Y tế, Công Thương… tập trung thanh tra đột xuất. Trong đó, trọng tâm thanh tra là vào chất cấm, hóa chất công nghiệp, kháng sinh, chất bổ sung, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả…

Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý ATTP, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam Nguyễn Quốc Đạt đề xuất, cần ban hành thêm các cơ chế để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất nông sản sạch theo chuỗi giá trị. Trình độ thanh tra chuyên ngành ở cấp cơ sở, huyện và xã còn nhiều hạn chế, đề nghị Bộ NN&PTNT có cơ chế tạo điều kiện cho địa phương triển khai đào tạo các cán bộ thanh tra theo chuyên ngành để đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, Bộ vừa ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo ATPT trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018. Trong đó, tập trung phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm; đáp ứng yêu cầu về ATTP cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định, năm 2018, Bộ NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường năng lực thực thi pháp luật của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, huy động mạnh mẽ sự tham gia của các lực lượng sản xuất kinh doanh và nguồn lực xã hội đảm bảo hiệu lực và hiệu quả quản lý ATTP nông sản. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp quyết liệt đảm bảo ATTP nhóm sản phẩm tươi sống, đối tượng sản xuất kinh doanh, giết mổ nhỏ lẻ; trọng tâm là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông - thủy sản.

Bộ NN&PTNT phấn đấu đến cuối năm 2018, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm quy định về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong các loại sản phẩm thịt, thủy sản; ô nhiễm vi sinh trong thịt, thủy sản giảm 10% so với năm 2017. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông - lâm - thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP (xếp loại A, B) tăng 10% so với năm 2017.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 09 ra ngày 01-03-2018
Cùng chuyên mục
  • Năm thành công và phát triển vượt bậc  của doanh nghiệp Việt
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Phát biểu trước cộng đồng DN Việt Nam vào tháng 12/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phấn khởi nói: “Chúng ta cùng chia sẻ niềm vui về những thành công và sự phát triển vượt bậc của cộng đồng DN Việt Nam. Niềm tin, sự hứng khởi và tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đang lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội”. Quả thực, niềm vui ấy đang từng ngày được nhân lên qua từng quyết sách mạnh mẽ của Chính phủ.
  • Làng nghề gỗ gặp khó khăn trong hội nhập
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Hiện nay, hoạt động của các hộ sản xuất kinh doanh tại một số làng nghề gỗ còn mang đậm tính tự phát, hiểu biết về các quy định pháp lý còn khiêm tốn, thiếu thông tin về cơ chế chính sách… Những hạn chế này đã và đang cản trở quá trình hội nhập của các làng nghề gỗ.
  • Sức mạnh công nghệ số lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Những kết quả khảo sát trong năm 2017 cho thấy, cộng đồng DN Việt Nam đã bước đầu nhận thức rõ ràng hơn về “cuộc chơi” trên nền tảng phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0. Sức mạnh công nghệ số đang dần lan tỏa trong các DN hứa hẹn mang lại những hiệu ứng tích cực, nhất là khả năng kết nối và giao dịch thương mại điện tử.
  • Sửa đổi điều kiện kinh doanh vận tải ô tô: Mạnh tay bãi bỏ quy định “trói buộc” doanh nghiệp
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP (Nghị định 86) về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Góp ý cho Dự thảo này, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước vẫn duy trì những quy định hành chính vô lý, gây khó khăn, trở ngại đối với DN và người dân.
  • BSR, PV Power và PV Oil có sức hút lớn với nhà đầu tư
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Những tuần qua, Tổng công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi cả 3 DN của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) này đều đã và đang thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và chuẩn bị bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.
Quyết liệt hành động vì an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp