Quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước và CPH DNNN: Nhiều hạn chế, vi phạm để lại hậu quả nặng nề, khó khắc phục

(BKTO) - Ngày 28/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội dành cả ngày tiến hành giám sát tối cao Chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa (CPH) DNNN giai đoạn 2011-2016”.




Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo của Đoàn giám sát trước Quốc hội - Ảnh:quochoi.vn

Thất thoát lớn tài sản nhà nước

Theo Báo cáo giám sát, tính đến 31/12/2016, sau quá trình cơ cấu lại, cả nước còn 583 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, bao gồm: 7 tập đoàn (TĐ) kinh tế, 67 tổng công ty (TCT) nhà nước, 17 công ty TNHH MTV hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con, 492 DN độc lập thuộc các Bộ, ngành, địa phương.

Thời gian qua, DNNN cơ bản thực hiện được vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của nền kinh tế, góp phần điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của DNNN giai đoạn 2011 - 2016 chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ, tổng tài sản và vốn tăng nhưng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp NSNN có tốc độ tăng chậm (bình quân 3%/năm), tổng số nợ phải trả cao, tăng 26% so với năm 2011; chưa thực sự phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Tại một số DNNN, tình trạng thất thoát, lãng phí đất đai, tài sản nhà nước… diễn ra rất phức tạp.

Cũng theo Báo cáo giám sát, đến 31/12/2016, có 18 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước có dự án đầu tư ra nước ngoài, thực hiện đầu tư 110 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 12,608 tỷ USD. Lũy kế tính đến hết năm 2016, các tập đoàn, tổng công ty này đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ USD. Tuy nhiên, có 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế. Lợi nhuận được chia cho bên Việt Nam năm 2016 là 145 triệu USD, tương đương trung bình 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện.
         
Theo báo cáo giám sát, hiệu suất sinh lời trên vốn kinh doanh của các DNNN đạt 2,1% năm 2015, thấp hơn nhiều so với DN có vốn đầu tư nước ngoài (năm 2015 là 5,5%); hiệu quả đầu tư của khối DNNN cũng đạt thấp so với DN ngoài nhà nước và DN FDI, hệ số ICOR (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư) của khối DNNN trong giai đoạn 2011-2016 cao hơn nhiều so với 2 khu vực DN còn lại (năm 2016 cao gấp 1,58 lần so với DN ngoài nhà nước, 1,86 lần so với DN FDI).
   
   Tỷ suất lợi nhuận của toàn khối DNNN (100% vốn nhà nước) giảm trong giai đoạn 2011-2016 (tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) giảm 39%, tỷ suất lợi nhuận/tài sản (ROA) giảm 30%). Một số DNNN hoạt động yếu kém, làm ăn thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu thấp hơn chi phí vay vốn trung bình của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản cao.
Đặc biệt, Báo cáo giám sát nhấn mạnh một số vi phạm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN để lại hậu quả nặng nề, khó khắc phục về tài chính và buộc phải xử lý, kỷ luật cán bộ.

Theo đó, hầu hết các DN qua thanh tra, kiểm toán đều vi phạm pháp luật ở các mức độ khác nhau. Một số DNNN thực hiện thủ tục đầu tư, đấu thầu, mua sắm tài sản không đúng quy định; huy động, quản lý, sử dụng vốn đầu tư dàn trải, tùy tiện, đầu tư ngoài ngành, ngoài DN không đúng quy định, góp vốn dàn trải dẫn đến lãng phí, thiếu hiệu quả, một số dự án đầu tư ngoài ngành đạt tỷ suất lợi nhuận thấp, khả năng mất vốn cao; hoạt động đầu tư tài chính vi phạm nghiêm trọng gây mất vốn hoặc thiệt hại lớn.

Điển hình là, Tập đoàn Công nghiệp - Than Khoáng sản Việt Nam đầu tư ra nước ngoài không có hiệu quả, dẫn đến có khả năng bị thiệt hại 363,3 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư vào Oceanbank có giá trị đầu tư vốn 800 tỷ đồng hiện chỉ còn 0 đồng…

Tại một số dự án đầu tư xây dựng, hồ sơ, thủ tục không đầy đủ, nghiệm thu, thanh toán không đúng quy định, quyết toán chậm… nên qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xem xét xử lý tài chính (TĐ Xăng dầu: 243 tỷ đồng, TCT Hàng không: 48 tỷ đồng, TCT Công nghiệp Xi măng: 144 tỷ đồng…) ; nhiều dự án chậm tiến độ, phải dừng thực hiện, gây lãng phí vốn.

Nhiều DNNN quản lý đất chưa chặt chẽ; nhiều diện tích đất sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, bị lấn, chiếm, tranh chấp, chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất với NSNN. Một số DNNN chuyển nhượng đất được Nhà nước cho thuê dưới hình thức góp vốn liên doanh, hợp tác đầu tư bằng giá trị lợi thế quyền thuê đất, sau đó thực hiện thoái toàn bộ phần vốn góp, thực chất là hình thức lách luật để chuyển nhượng đất.

“Hoạt động này cùng với những bất cập, thiếu minh bạch trong xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất khi góp vốn của DN, xác định giá trị khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các địa phương đã tạo cơ hội để các tổ chức, cá nhân trục lợi, tham nhũng, gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước”- Báo cáo giám sát đánh giá.

Bên cạnh đó, nhiều DNNN qua thanh tra, kiểm toán có sai sót vi phạm về nguyên tắc quản lý tài chính trong việc hạch toán tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí nên phải điều chỉnh tăng, giảm tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí và nghĩa vụ với NSNN.

Công tác quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DNNN cũng còn vi phạm như: quản lý nợ chưa chặt chẽ dẫn đến nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn (năm 2013: 11/27 TĐ, TCT được kiểm toán có nợ quá hạn từ 50 tỷ đồng đến 9.650 tỷ đồng; 11 TĐ, TCT có nợ khó đòi từ 39 tỷ đồng đến 657 tỷ đồng...); nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm với số tiền lớn chưa được thu hồi, nợ nội bộ lớn, kéo dài nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Một số DN có hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu cao; cho vay, bảo lãnh, hỗ trợ vốn trong nội bộ tiềm ẩn nguy cơ khó đòi, mất vốn.

Xác định sai lệch giá trị cổ phần hóa

Trong công tác CPH DNNN, kết quả giám sát cũng chỉ ra không ít hạn chế và vi phạm. Theo đó, một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu và tiến độ CPH theo kế hoạch đề ra. Tỷ lệ vốn do Nhà nước nắm giữ ở các công ty cổ phần còn cao. Lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so với phương án CPH DN, có nhiều TCT tỷ lệ bán ra ngoài được rất nhỏ (chỉ khoảng 1% - 2% vốn điều lệ), dẫn đến chưa đạt mục tiêu của CPH.

Cụ thể, trong giai đoạn 2011 - 2016, có 426 DN triển khai xong việc bán cổ phần lần đầu, trong đó, 254 DN bán cổ phần theo phương án được duyệt, đạt 60% tổng số DN đã bán cổ phần, còn 172 DN không bán được toàn bộ số cổ phần theo phương án CPH (chiếm 40% tổng số DN đã bán cổ phần).

Sau khi bán cổ phần lần đầu, tổng giá trị vốn điều lệ của 426 DN là 184.254 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước tiếp tục nắm giữ 149.342 tỷ đồng (chiếm 81,1% vốn điều lệ); có 70 DNNN nắm giữ trên 90% vốn điều lệ, bao gồm 15 TĐ và TCT, trong đó có TĐ Xăng dầu Việt Nam (Nhà nước nắm giữ 94,99% vốn điều lệ), TCT Thép Việt Nam (Nhà nước nắm giữ 93,6% vốn điều lệ), TCT Hàng không Việt Nam (Nhà nước nắm giữ 95,5% vốn điều lệ)…

Đáng lưu ý, công tác xử lý tài chính trước và trong quá trình CPH còn có trường hợp chưa chặt chẽ, sai nguyên tắc, sai chế độ; đánh giá không chính xác giá trị tài sản; xác định sai lệch giá trị DN để CPH... Đối với giai đoạn 2012-2016, qua kiểm toán 17 DN, KTNN xác định các trường hợp tăng giá trị thực tế vốn nhà nước 22.356,7 tỷ đồng, các trường hợp giảm giá trị thực tế vốn nhà nước 125,2 tỷ đồng

Ngoài ra, khi xác định giá trị DN để CPH, còn có trường hợp DN không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất, dẫn đến giá đất xác định thấp hơn giá thị trường. Có hiện tượng sau CPH, DN cổ phần không đưa đất vào sử dụng, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất và không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định, còn để tình trạng đất bị lấn, chiếm.

Việc hạch toán sản xuất kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ với NSNN chưa tuân thủ đầy đủ và đúng quy định, phản ánh sai lệch tình hình tài chính, kết quả SXKD và nghĩa vụ của DNNN.

Công tác quyết toán CPH ở một số nơi thực hiện chậm so với quy định. Có trường hợp chậm nộp tiền CPH để chiếm dụng vốn; sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp DN sai mục đích…
         
Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội giao KTNN kiểm toán việc quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN; việc sử dụng nguồn thu từ đất của các DNNN đã CPH và báo cáo Quốc hội; giao Chính phủ trình Quốc hội Nghị quyết về “Việc quản lý và sử dụng nguồn thu từ thoái vốn nhà nước tại DN” và hằng năm báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện của Quỹ này.
N. HỒNG



Cùng chuyên mục
  • 12 dự án thua lỗ hiện giờ ra sao?
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Trả lời những vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm tại phiên thảo luận sáng 26/5 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chia sẻ về việc xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ.
  • Đồng hành với thanh niên Việt Nam khởi nghiệp
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Chiều 22/5, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty ALMA tổ chức họp báo giới thiệu về Chương trình "Đồng hành với thanh niên Việt Nam khởi nghiệp".
  • Đầu tư đất nền: Cơ hội và rủi ro
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Bắt đầu nhen nhóm từ cuối năm 2017, đầu tư đất nền đã vượt mặt dự án căn hộ chung cư để trở thành xu hướng đầu tư sôi động nhất trong những tháng đầu năm 2018.
  • Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) là chính sách đặc biệt được Liên minh châu Âu (EU) dành cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Điểm thay đổi đáng lưu ý vừa được lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ ra là từ năm 2019, DN Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang các nước EU cần phải tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa mới được hưởng GSP.
  • Báo động tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ra khỏi danh mục vẫn gặp nhiều khó khăn, tình trạng lạm dụng thuốc BVTV hóa học và phân bón vô cơ của người dân vẫn đang ở mức báo động. Điều này đã dẫn đến các nguy cơ về mất an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất...
Quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước và CPH DNNN: Nhiều hạn chế, vi phạm để lại hậu quả nặng nề, khó khắc phục