PVN nỗ lực tái cơ cấu toàn diện

(BKTO) - Giữ vị thế quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, đóng góp lớn cho NSNN và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang nỗ lực tái cơ cấu theo hướng minh bạch, hiện đại, tinh gọn, hiệu quả nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế.




Đến năm 2025, PVN sẽ chỉ nắm giữ trên 50% tại Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), PVEP và Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro- Ảnh: QUỲNH ANH

Chỉ còn 3 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn - Tổng Giám đốc PVN cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1182/TTg-ĐMDN ngày 11/8/2017 về việc phê duyệt Danh mục DN thuộc PVN thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2017-2020 và Công văn số 1681/BCT-TC ngày 05/3/2018 của Bộ Công Thương về việc sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn các DN của PVN giai đoạn 2018-2020, cũng như căn cứ vào Nghị quyết số 41/NQ-TW ngày 23/7/2015 về Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, PVN đang nỗ lực triển khai thực hiện tái cơ cấu toàn diện giai đoạn 2017-2025.

Vừa qua, PVN đã có công văn gửi Bộ Công Thương về Đề án Tái cơ cấu toàn diện PVN giai đoạn 2017-2025. Trao đổi về mục tiêu chính của tái cơ cấu PVN giai đoạn này, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn nhấn mạnh, PVN sẽ tập trung phát triển mạnh mối liên kết hữu cơ, tương hỗ trong chuỗi giá trị thăm dò khai thác dầu khí - khí - chế biến dầu khí. Việc thực hiện mục tiêu này nhằm phát huy tối đa thế mạnh, lợi thế của ngành, gia tăng sức cạnh tranh ở trong nước để tham gia đầu tư ở nước ngoài. Đồng thời, PVN sẽ tiếp tục triển khai thoái vốn sớm nhất có thể khỏi các lĩnh vực dịch vụ (trước và sau năm 2020) và lĩnh vực điện (trước và sau năm 2025) sau khi hoàn thành công tác xây dựng các nhà máy điện than theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Lấy tiêu chí hiệu quả làm nòng cốt, loại bỏ cạnh tranh nội bộ, tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường trong nước, khu vực và quốc tế, PVN sẽ tái phân bổ, tối ưu hóa các nguồn lực giữa các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông qua cổ phần hóa, thoái vốn, mua bán sáp nhập, đầu tư mới theo cơ chế thị trường. Theo đó, PVN thực hiện tổ chức lại công tác điều hành sản xuất kinh doanh, giảm đầu mối phụ thuộc, điều hành mục tiêu, tăng cường chủ động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ lẫn nhau phát triển đồng bộ chuỗi giá trị dầu khí, đảm bảo phát triển bền vững. Hệ thống quản trị của PVN cũng được hoàn thiện theo chuẩn mực quốc tế.

Thực hiện lộ trình cụ thể theo Đề án Tái cơ cấu toàn diện, đến năm 2020, PVN sẽ tiếp tục duy trì 5 lĩnh vực kinh doanh chính, bao gồm: thăm dò - khai thác, khí, chế biến dầu khí, điện và dịch vụ dầu khí. Đến năm 2025, PVN thu gọn sản xuất kinh doanh tập trung vào 4 lĩnh vực: thăm dò - khai thác, khí, chế biến dầu khí, điện; sau năm 2025, Tập đoàn sẽ chỉ tập trung vào 3 lĩnh vực chính trong liên kết hữu cơ, gồm: thăm dò - khai thác, khí và chế biến dầu khí.

Tích cực thoái vốn tại nhiều đơn vị thành viên

Song song với việc thu gọn lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính theo từng giai đoạn, việc triển khai thực hiện tái cơ cấu tại PVN và các đơn vị thành viên cũng được chia thành 3 giai đoạn: 2017-2020; 2021-2025; sau năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 với nhiều nội dung quan trọng.
Tổng Giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn cho biết, trong giai đoạn 2017-2020, PVN sẽ hoàn thành cổ phần hóa 3 đơn vị gồm: Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power), Tổng công ty Dầu (PV OIL). Đặc biệt, PVN sẽ chuẩn bị những điều kiện để cổ phần hóa Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) sớm nhất có thể sau năm 2020, đảm bảo lợi ích cao nhất cho phía Việt Nam.

Đến năm 2025, PVN sẽ chỉ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tại 3 đơn vị là PVEP, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro; Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS); nắm dưới 50% vốn điều lệ tại 12 đơn vị, trong đó có: BSR còn 43%, Tổng công ty Hóa chất và Phân bón Dầu khí, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau, PV Power và Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí còn 36%, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí và Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí còn dưới 30%, PV OIL còn 35,1%… PVN cũng sẽ thoái hết vốn tại Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất, Công ty TNHH Tân Cảng - Petro Cam Ranh. PVN sẽ duy trì mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh công ty mẹ - con, trong đó, Công ty mẹ PVN (DN cấp I) sẽ duy trì 100% vốn nhà nước, thành lập pháp nhân mới để quản lý vận hành các dự án đầu tư hoàn thành và sẽ thực hiện cổ phần hóa/thoái vốn khi đủ điều kiện.

Đối với các đơn vị thành viên khác, PVN thực hiện sắp xếp, hợp nhất Đại học Dầu khí (PVU) và Viện Dầu khí (VPI) thành Học viện Dầu khí vào khoảng năm 2020; thực hiện thoái vốn tại các đơn vị, lành mạnh hóa cơ cấu tài chính của các đơn vị/dự án thua lỗ.

Liên quan đến việc hoàn thiện hệ thống quản trị, từ nay đến năm 2020, PVN tập trung thực hiện đổi mới mô hình tổ chức bộ máy quản lý điều hành Công ty mẹ PVN theo hướng gọn nhẹ, năng động, chuyên nghiệp và phù hợp với mô hình công ty dầu khí quốc gia tiên tiến.
         
Tùy thuộc vào tình hình và khả năng phát triển thị trường dầu khí trong nước, quốc tế cũng như năng lực tài chính, khả năng phát triển, PVN sẽ có phương án tái cơ cấu giai đoạn sau 2025 và tầm nhìn đến 2035. Theo đó, PVN định hướng tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong thành phần kinh tế nhà nước và nền kinh tế quốc dân trong lĩnh vực năng lượng, tạo nền tảng và dẫn dắt các thành phần kinh tế khác cùng phát triển theo chuỗi giá trị dầu khí. Đồng thời, chuyển dịch dần cơ cấu đầu tư sản xuất, chế tạo, lắp đặt hệ thống năng lượng mới, năng lượng tái tạo trên cơ sở hệ thống quản trị hiện đại, minh bạch, cơ cấu tài chính vững chắc, bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và nguồn lực được tối ưu hóa theo cơ chế thị trường.

QUỲNH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 17+18/2018
Cùng chuyên mục
  • Báo động tình trạng sử dụng phần mềm không có bản quyền
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Cùng với việc hoàn thiện khung khổ pháp lý về sở hữu trí tuệ (SHTT), nhận thức của cộng đồng DN về quyền và nghĩa vụ liên quan đến SHTT ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, hành vi vi phạm quyền SHTT, quyền tác giả, trong đó vi phạm về bản quyền phần mềm vẫn chưa được các DN nhận thức đầy đủ.
  • Điều kiện kinh doanh vẫn "trói chân" doanh nghiệp nông nghiệp
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa đề xuất cắt giảm, đơn giản hoá 50% điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng, việc làm này là cần thiết bởi thực tế cho thấy, những giấy phép con quy định trong các thông tư hướng dẫn vẫn đang "trói chân" DN.
  • Ngành Công Thương tiếp tục mạnh tay cắt giảm thủ tục hành chính
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Thông tin phát đi ngày 2/5 của Bộ Công Thương cho biết, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vừa ký Quyết định số 1408/QĐ-BCT phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa một loạt các thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ Công Thương năm 2018 trên 10 lĩnh vực với tổng số 54 thủ tục hành chính bị bãi bỏ, đơn giản hóa (bãi bỏ 12 thủ tục và đơn giản hóa 42 thủ tục).
  • Cởi bỏ rào cản, kéo giảm chi phí logistics
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Tại Hội nghị toàn quốc về Logistics - Các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông được tổ chức vào ngày 16/4, nhiều chuyên gia nhận định, chi phí logistics ở Việt Nam còn quá cao, trong đó, chi phí vận tải luôn chiếm tỷ lệ cao nhất. Vì vậy, một trong các giải pháp được đưa ra là ngành giao thông vận tải (GTVT) cần cắt bỏ các điều kiện kinh doanh vận tải bất hợp lý để giảm chi phí logistics.
  • 77 doanh nghiệp nhận Giải thưởng Chất lượng quốc gia và Giải thưởng Chất lượng quốc tế châu Á - Thái Bình Dương năm 2017
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Ngày 22/4, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Lễ Trao Giải thưởng Chất lượng quốc gia (GTCLQG) cho 73 DN và Giải thưởng Chất lượng quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (GPEA) năm 2017 cho 4 DN. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tới dự và trao Giải.
PVN nỗ lực tái cơ cấu toàn diện