Phát triển kinh tế vùng Bắc Trung bộ cho tương xứng với tiềm năng và thế mạnh

(BKTO)- Chiều 18/10, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổ chức Diễn đàn “Vai trò doanh nghiệp trong phát triển kinh tế vùng Bắc Trung bộ”. Đây là dịp để đại diện các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cùng đánh giá thực trạng, hiến kế phát triển kinh tế vùng Bắc Trung bộ.



Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, về vị thế địa chính trị, vùng Bắc Trung bộ là điểm kết nối quan trọng trong trục chiến lược phát triển của nền kinh tế Việt Nam, là khu vực liên kết Việt Nam với các nước Lào, Campuchia.
                
   

Quang cảnh Diễn đàn. Ảnh: H THOAN

   

Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, hiện nay, khu vực này vẫn là “vùng trũng” của kinh tế đất nước. Mặc dù đã có những dự án lớn về công nghiệp như Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, dự án nông nghiệp của TH True milk..., nhưng tính chung cả vùng mới chỉ có khoảng 40.000 doanh nghiệp và 300.000 hộ kinh doanh. Xét về dân số, vùng Bắc Trung bộ chiếm 15% dân số cả nước nhưng tỷ lệ doanh nghiệp trên tổng số dân của vùng chỉ chiếm 5,5%, bằng 1/3 mức trung bình của cả nước. Trước thực trạng này, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: “Thiếu doanh nhân là thiếu động lực phát triển”.

Đánh giá về kết quả thực hiện quy hoạch theo Quyết định số 1114/QĐ-TTg ngày 19/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ, bà Nguyễn Thị Hoàng Điệp- Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, về cơ bản vùng miền Trung chưa đạt các mục tiêu, phương hướng đề ra trong Quyết định số 1114/QĐ-TTg, mặc dù cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ, thu NSNN của các địa phương trong vùng đều đạt và vượt dự toán các năm trong giai đoạn 2016-2018.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đến từ các Bộ, ngành đã có những đánh giá cụ thể về các lĩnh vực phát triển kinh tế của vùng như phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, vận tải (sân bay, cảng biển, giao thông đường bộ…), logistics, tài chính- ngân hàng…
                
   

Các đại biểu thảo luận về các vấn đề của phát triển kinh tế vùng Bắc Trung bộ- Ảnh: H.Thoan

   

Đại diện lãnh đạo một số địa phương cũng thẳng thắn chia sẻ về những khó khăn, hạn chế và thách thức trong phát triển kinh tế của địa phương, cũng như sự gắn kết của kinh tế địa phương với toàn vùng. Bởi thực tế cho thấy, trong số 6 tỉnh của vùng Bắc Trung bộ thì có tỉnh đóng góp lớn cho ngân sách (Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế), nhưng có tỉnh đóng góp rất thấp (Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An). Chất lượng tăng trưởng kinh tế của vùng chưa bền vững, chưa cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Vốn đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Tốc độ đô thị hóa của vùng được đánh giá là chậm nhất so với các vùng khác trên cả nước, hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Tỷ lệ lao động thất nghiệp của vùng vẫn ở mức cao, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đáng chú ý, động lực tăng trưởng của vùng nói chung, vai trò của công nghiệp nói riêng còn yếu và thiếu bền vững, chưa có nhiều dự án sản xuất kinh doanh, dự án công nghiệp lớn, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Trước thực tế này, các đại biểu đã tập trung đề xuất giải pháp phát huy thế mạnh của từng địa phương, tạo nên sức mạnh tổng thể của kinh tế vùng Bắc Trung bộ. Theo các chuyên gia, 4 trụ cột chính để phát huy thế mạnh của vùng là: Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, tập trung nâng cấp tuyến giao thông nội vùng, giao thông nông thôn để tăng cường liên kết nội vùng và liên vùng; Phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển kết hợp với khai thác du lịch nhân văn, hình thành và phát triển các cụm du lịch; Đẩy mạnh phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, trong đó tập trung phát triển cảng biển nước sâu tại Khu kinh tế Vũng Áng và các dịch vụ logistics; Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhất là trong lĩnh vực ngư nghiệp, tập trung vào đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản...

Để khơi dậy tiềm năng phát triển vùng và các địa phương trong vùng, các chuyên gia cho rằng, cần đổi mới tư duy, xác định các yếu tố bứt phá quan trọng để tập trung tối đa đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng và địa phương trong giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết vùng, trong đó tăng cường liên kết nội vùng.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch VCCI nêu rõ, thể chế, cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực vẫn là 3 điểm nghẽn cần đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Bắc Trung bộ nói riêng và kinh tế cả nước nói chung. Cộng đồng doanh nghiệp đang mong chờ làn sóng cải cách lần thứ hai của Chính phủ kiến tạo với vai trò định hướng cho sự phát triển và chính các doanh nghiệp sẽ là lực lượng thực hiện, sau khi làn sóng cải cách lần thứ nhất là “tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp” đã và đang diễn ra./.

H THOAN
Cùng chuyên mục
  • Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách lĩnh vực xây dựng
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ Xây dựng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các nội dung để tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách và công cụ quản lý trong lĩnh vực nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc về điều kiện kinh doanh, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, điều chỉnh được các hoạt động xây dựng trong thực tiễn, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế.
  • Tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu của TP. HCM trong giai đoạn mới
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Đánh giá lại một cách có hệ thống, khoa học cho xuất khẩu của TP. HCM và sự gắn kết xuất khẩu của Thành phố với các vùng lân cận, từ đó định vị nhóm ngành, sản phẩm chủ lực cần quan tâm hỗ trợ phát triển trong thời gian tới… là việc làm cấp thiết.
  • Xây dựng Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Doanh nghiệp thủy sản kiến nghị khắc phục bất cập của chính sách làm thêm giờ
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Có thể thấy rằng, chủ trương tăng thu nhập giảm giờ làm là mong muốn của cả loài người. Nhiều nước giàu trên thế giới cũng đang áp dụng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang còn là nước nghèo. Tạp chí Tài chính Thế giới (Global Finance) đã công bố bảng xếp hạng các nước giàu nhất thế giới năm 2019, theo đó Việt Nam xếp thứ 128 trong 192 nước. Vì vậy, mỗi người Việt Nam cần phải tích cực lao động sản xuất làm ra nhiều của cải vật chất để đất nước từng bước trở thành một nước giàu. Lúc đó, ai cũng sẽ mong muốn giảm giờ làm!
  • Ngăn chặn việc tăng giá bất hợp lý nước đóng chai, đóng bình
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) vừa có công văn hoả tốc gửi Cục Quản lý thị trường Hà Nội về việc ngăn chặn việc tăng giá bất hợp lý đối với mặt hàng nước đóng chai, đóng bình trước thông tin nguồn nước trên địa bàn Hà Nội có mùi khét, người dân phải mua nước bình về sử dụng.
  • Từ CPTTP tới EVFTA:  Cơ hội cho nông sản Việt  vươn ra thế giới
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) được đánh giá sẽ mở ra cơ hội to lớn cho thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng được lợi thế từ các hiệp định, ngành nông nghiệp cần tháo gỡ nhiều rào cản cho nông dân và DN.
Phát triển kinh tế vùng Bắc Trung bộ cho tương xứng với tiềm năng và thế mạnh