Phát huy vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân để thúc đẩy phát triển đất nước

(BKTO) - Trong những năm qua, đội ngũ doanh nghiệp (DN), doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh và có những đóng góp to lớn vào sự thành công của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, cần tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ DN, doanh nhân, góp phần hiện thực hóa khát vọng vì một nước Việt Nam hùng cường.



Đây là nhấn mạnh của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh tại buổi làm việc của Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương với đại diện đội ngũ doanh nhân, cộng đồng DN về tình hình thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI vào chiều 15/9.
                
   

Quang cảnh buổi làm việc.Ảnh: D.THIỆN

   

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Tuấn Anh cho biết, hiện nay, Việt Nam đã có gần 900 nghìn DN đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh.

Với lực lượng đông đảo, đội ngũ DN, doanh nhân đã và đang là lực lượng chủ yếu trong việc phát huy các nguồn lực sản xuất, tạo ra khối lượng lớn sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Theo đó, hiện nay, khu vực DN đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc; là lực lượng chủ lực, tiên phong tạo ra nhiều công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động, qua đó góp phần xóa đói, giảm nghèo…

Đặc biệt, nhiều DN, doanh nhân Việt Nam đã mạnh dạn tạo được đột phá trong sản xuất, kinh doanh với những dự án đầy tham vọng, vươn xa ra thị trường quốc tế.

“Việt Nam đã có 6 doanh nhân lọt vào tốp “tỷ phú USD” toàn cầu năm 2021. Bên cạnh đó, đã có 124 DN với 283 sản phẩm là thương hiệu quốc gia, một số thương hiệu gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới...” - ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
                
   

Trưởng Ban Kinh tếTrung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc.Ảnh: D.THIỆN

   

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng cho biết, năm 2011, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có một nghị quyết riêng về đội ngũ doanh nhân.

Sau khi Nghị quyết số 09-NQ/TW được ban hành, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách pháp luật về tạo lập môi trường đầu tưkinh doanh, hỗ trợ DN, doanh nhân, qua đó đã từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũDN, doanh nhân hoạt động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của cộng đồng DN.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, hiện nay, hầu hết các DN, doanh nhân Việt Nam đều có ý thức làm ăn chân chính, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để đổi mới, phát triển, góp phần hiện thực hóa khát vọng vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc…

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng DN, doanh nhân làm ăn phi pháp, thiếu trách nhiệm xã hội. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng trong đó có nguyên nhân xuất phát từ hạn chế về tri thức, trình độ văn hóa, năng lực kinh doanh, ý thức tuân thủ pháp luật của DN, doanh nhân…

Cũng theo Chủ tịch VCCI, qua hơn35 năm đổi mới, hiện nay, vị thế, tiềm lực, uy tín của đất nước đã khác nhiều so với trước. Cùng với đó, bối cảnh quốc tế cũng đang có những thay đổi nhanh chóng, phức tạp, đã và đang đặt ra những yêu cầu mới nặng nề hơn đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, trong đó có việc phát huy vai trò của đội ngũ DN, doanh nhân Việt Nam cả về số lượng và chất lượng.

Trong bối cảnh đó, ông Phạm Tấn Công cho biết, cộng đồng DN Việt Nam kiến nghị cần triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ, trong đó chú trọng vào 3 giải pháp đột phá.

Trước hết là Đảng, Nhà nước cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng bảo vệ, khuyến khích DN, doanh nhân làm ăn chân chính, đổi mới sáng tạo; ngăn ngừa DN, doanh nhân làm ăn phi pháp.

Song song với đó là khuyến khích, vinh danh, khen thưởng xứng đáng những DN, doanh nhân làm ăn chân chính, có đóng góp lớn đối với xã hội, đất nước; mặt khác kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những DN, doanh nhân làm ăn phi pháp gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tránh hình sự hóa các hoạt động kinh tế.

Ngoài ra, để xây dựng đội ngũ DN, doanh nhân Việt Nam lớn mạnh về số lượng và chất lượng, Đảng, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thúc đẩy xây dựng và hình thành các thiết chế văn hóa của doanh nhân, đảm bảo doanh nhân Việt Nam có văn hóa, văn minh ngang tầm với các mục tiêu lớn của quốc gia, dân tộc đến năm 2030 và năm 2045…

Tại buổi làm việc, đại diện các DN, doanh nhân đã chia sẻ, trao đổi làm rõ hơn một số vấn đề như: vai trò của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng DN trong việc thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước; những cơ hội và thách thức trong việc xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ DN, doanh nhân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề xuất các giải pháp để phát huy vai trò của đội ngũ DN, doanh nhân trong các giai đoạn phát triển tiếp theo…

Ghi nhận các ý kiến chia sẻ, trao đổi của các đại biểu, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, sau buổi làm việc này, Tổ biên tập xây dựng Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiệnNghị quyết số 09-NQ/TW sẽ tiếp thu, chắt lọc các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Báo cáo Tổng kếtvà đưa vào dự thảo nghị quyết mới được xây dựng trong thời gian tới các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển DN, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giai đoạn tiếp theo, giải quyết tốt những vấn đề còn tồn tại trong triển khai, thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW.
DIỆU THIỆN
Cùng chuyên mục
Phát huy vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân để thúc đẩy phát triển đất nước