Người tiêu dùng siết chặt chi tiêu, doanh nghiệp cần làm gì để thích ứng?

(BKTO) - Thay vì chỉ phản ứng một cách thụ động với khủng hoảng và lạm phát gia tăng chưa từng thấy, người tiêu dùng toàn cầu đang chủ động thích ứng bằng cách tập trung nhiều hơn vào khả năng chi trả và chi phí sinh hoạt. Để thích ứng với nhu cầu của người tiêu dùng, doanh nghiệp cần phải làm gì?



                
   

   

Chúng ta kỳ vọng sự hồi sinh mạnh mẽ của thế giới sau khi đại dịch được kiểm soát, nhưng thực tế lại khó khăn hơn rất nhiều khi nền kinh tế đang chậm lại, lãi suất tăng, địa chính trị phức tạp và các biến thể mới của Covid-19 vẫn tiếp tục xuất hiện.

Một tín hiệu khả quan là mọi người đã chủ động với việc sống trong bối cảnh khủng hoảng và không chắc chắn. Có tới 58% người tham gia khảo sát nói rằng họ đang kiểm soát được cuộc sống của mình và thực hiện lối sống bền vững hơn thay vì chỉ tập trung vào của cải vật chất, theo nghiên cứu “Chỉ số tiêu dùng tương lai - ấn bản thứ 10” của EY.

“Khả năng chi trả” là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng

Theo nghiên cứu của EY, người tiêu dùng rất lo lắng về tương lai với 63% không kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi trong vòng 12 tháng tới, vì vậy, ưu tiên hàng đầu của họ hiện nay là “khả năng chi trả”. Chi phí sinh hoạt đang là nỗi lo của tất cả người tiêu dùng khi có tới 79% cho biết tài chính là một vấn đề đáng lo ngại và 35% lo lắng về việc không đủ tiền để chi tiêu cho những khoản ngoài chi phí sinh hoạt hằng ngày.

33% người tiêu dùng đang thay thế việc mua hàng thông thường bằng các nhãn hiệu mới hoặc chuyển sang sử dụng nhãn hiệu riêng. Theo nhiều cách, người tiêu dùng đang quay trở lại với những gì đã phát huy hiệu quả với họ trong thời gian giãn cách do đại dịch, chẳng hạn như mua các sản phẩm thay thế rẻ hơn (48%), chủ động làm việc tại nhà, ăn ở nhà và không cần phải mua quần áo mới…

Thông thường, khi tài chính eo hẹp, mọi người cắt giảm chi tiêu của mình trong một phạm vi nhất định và vẫn có thể tự thưởng cho mình một vài món đặc biệt. Nhưng bây giờ, người tiêu dùng áp dụng chiến thuật tiết kiệm tiền trên tất cả các danh mục. Họ lựa chọn sửa chữa các sản phẩm hơn là mua mới, ngày càng ít người quan tâm đến các xu hướng thời trang theo mùa. Điều này tạo ra một bối cảnh đầy thách thức cho nhiều thương hiệu.
                
   

   

Bên cạnh đó, người tiêu dùng đang có xu hướng lựa chọn sống bền vững và cố gắng tìm ra những cách hiệu quả hơn về chi phí để đạt được chúng. Nhiều người nói rằng họ đang nỗ lực nhiều hơn để giảm lãng phí và mua các sản phẩm đã qua sử dụng. Người tiêu dùng đang nắm quyền kiểm soát bằng cách tối ưu hóa lợi ích kinh tế và môi trường với 87% đang cố gắng không lãng phí thức ăn; 36% nói rằng họ sẽ mua nhiều sản phẩm cũ hơn; 85% đang cố gắng tiết kiệm năng lượng.

Một điểm thú vị nữa theo nghiên cứu của EY là gần 1/10 người tiêu dùng đã sử dụng tiền tệ kỹ thuật số, trải nghiệm metaverse (vũ trụ ảo) hoặc mua sản phẩm ảo. Đại dịch đã biến những phần quan trọng của cuộc sống hằng ngày trở thành “kỹ thuật số trước tiên”. Khi người tiêu dùng muốn kiểm soát nhiều hơn tài chính của mình, họ chọn cách chuyển sang kỹ thuật số.

Tất nhiên, trong bối cảnh công nghệ bùng nổ, sự tin tưởng sẽ rất quan trọng. Khi nói đến việc sử dụng và bảo vệ dữ liệu, người tiêu dùng cực kỳ quan tâm đến việc họ chia sẻ dữ liệu với ai và muốn hiểu cách thức các DN sử dụng và bảo vệ dữ liệu đó. Người tiêu dùng đang thêm yếu tố an toàn vào tư duy và hành động của họ sau 2 năm thích ứng với sự bất ổn và khủng hoảng.

Doanh nghiệp buộc phải thay đổi chiến lược kinh doanh

Theo các chuyên gia của EY, để thích ứng với nhu cầu của người tiêu dùng, các DN buộc phải thay đổi chiến lược kinh doanh. Theo đó, trong bối cảnh lạm phát gia tăng, các công ty phải xem xét lại cách quản lý danh mục sản phẩm để tối ưu hóa nhằm mang lại mức giá tốt nhất. Các thương hiệu lớn với mức giá đắt đỏ sẽ phải nghiên cứu về nguồn cung cấp, thành phần hoặc thành phần thay thế và thử nghiệm với các thuộc tính khác của sản phẩm để đảm bảo tối ưu hóa hiệu quả về giá cả.

Bên cạnh sự nhạy cảm với giá cả, người tiêu dùng ngày càng thể hiện rõ quyết tâm sống và mua sắm bền vững hơn. Vì vậy, các DN sẽ phải áp dụng một chiến lược mới, tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ bền vững như một lựa chọn hiệu quả về chi phí cho người tiêu dùng. Cốt lõi của tư duy này là cần phải nghiên cứu các mô hình giữ cho sản phẩm lưu thông lâu hơn, chẳng hạn như cho thuê, bán lại và sửa chữa.

Yếu tố thứ ba không thể thiếu đối với các DN là tăng khả năng tương tác để thích ứng với các cơ hội kỹ thuật số mới. Các thương hiệu thường cắt giảm ngân sách tiếp thị trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế và giờ đây, họ lại đối mặt với nguy cơ tiếp tục mất trung gian do người tiêu dùng ngày càng ít trung thành với các thương hiệu.

Để vượt qua điều này, các DN cần khám phá các cách mới và sẵn sàng tương tác với người tiêu dùng trên nhiều kênh. Điều này bao gồm việc thử nghiệm đổi mới kỹ thuật số, thu thập và tận dụng dữ liệu người tiêu dùng theo cách tăng giá trị trải nghiệm cho khách hàng. Tuy nhiên, những nỗ lực này phải được cân bằng với vấn đề quyền riêng tư dữ liệu và an ninh mạng nhằm xây dựng và duy trì lòng tin của người tiêu dùng.

Cuối cùng, các công ty phải đánh giá lại mục đích kinh doanh và Chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPI) mà họ muốn đặt ra để đạt được mục tiêu của mình. Các chỉ số tài chính truyền thống như tăng trưởng, lợi nhuận, giá cổ phiếu… ngày càng nhường chỗ cho các chỉ số phi tài chính như phát thải, đa dạng và đổi mới. Vì vậy, việc xem xét lại các chỉ số này trong bối cảnh người tiêu dùng liên tục thay đổi là rất cần thiết, đồng thời DN cũng cần phát triển các chỉ số mới theo hướng gắn giá trị phi tài chính vào văn hóa kinh doanh./.
THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Người tiêu dùng siết chặt chi tiêu, doanh nghiệp cần làm gì để thích ứng?