Ngành nông nghiệp: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 9 tháng ước đạt 53,2 tỷ USD

(BKTO)- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 9 tháng ước đạt 53,2 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt khoảng 30,02 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ. Tăng trưởng xuất khẩu 9 tháng chủ yếu đạt được từ tăng giá trị xuất khẩu lâm sản chính đạt 7,93 tỷ USD, tăng 18%.



                
   

Nhóm ngành hàng rau, quả xuất khẩu đạt 2,15 tỷ USD - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

   
Theo thông tin từ Văn phòng Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp đã tăng 2,7% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 0,53 tỷ USD, tăng 8,6%. Còn nhóm nông sản chính ước đạt 13,9 tỷ USD, giảm 7,2%; thuỷ sản ước đạt 6,23 tỷ USD, giảm 2%. Có 6 nhóm/sản phẩm có giá trị XK trên 2 tỷ USD, gồm: gỗ và sản phẩm gỗ (7,5 tỷ USD, tăng 16,8%); cà phê (2,1 tỷ USD, giảm 21,8%), gạo (gần 2,24 tỷ USD, giảm 9,8%), hạt điều (2,4 tỷ USD, giảm 5,4%), rau, quả (2,15 tỷ USD, giảm 4,3%), tôm (2,4 tỷ USD, giảm 8,0%). Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 23,16 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Ngành nông nghiệp cũng thẳng thắn nhìn nhận bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, 9 tháng qua hoạt động của ngành vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc.

Tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi thấp, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chủ yếu do tác động tiêu cực của thời tiết bất thường làm giảm diện tích gieo trồng và sản lượng cây hàng năm (đặc biệt là lúa, rau màu); ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch tả lợn châu Phi.

Mặc dù Bộ và các địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp phòng cháy chữa cháy rừng, nhưng do thời tiết nắng nóng kéo dài nên vẫn xảy ra cháy rừng tại một số tỉnh miền Trung làm thiệt hại 1.900 ha rừng, gấp 5,4 lần diện tích bị thiệt hại năm 2018.

Đặc biệt, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân chủ yếu do giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018; kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường giảm, đặc biệt thị trường Trung Quốc (ước giảm 8%), EU (ước giảm 6,5%); giá và kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng: cà phê, gạo, hạt điều, sắn và các sản phẩm từ sắn, tôm, cá tra giảm sâu.

Mặc dù, thời gian qua ngành thủy sản đã nỗ lực thực hiện các biện pháp để khắc phục các khuyến cáo của EC, nhưng tiến độ để giải quyết dứt điểm việc gỡ “Thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản Việt Nam còn chậm, một số tỉnh chưa thực sự quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát tại cảng cá và hệ thống giám sát tàu cá theo yêu cầu,..

Trong 3 tháng cuối năm, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất thúc đẩy các lĩnh vực, sản phẩm có ưu thế, triển vọng thị trường để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của ngành. Cùng với đó, thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn dòng chảy và nguồn nước hồ chứa; đôn đốc và hướng dẫn các địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn...; tăng cường kiểm tra và đảm bảo an toàn đê sông, đê biển, các công trình thuỷ lợi.

Đặc biệt, Bộ sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản. Cụ thể là thực hiện các nhiệm vụ của Ban chỉ đạo thị trường, phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường lương thực, thực phẩm, tình hình xuất nhập khẩu; tăng cường kiểm soát chặt tình hình nhập lậu vào thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng; hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định. Triển khai tích cực, khai thác hiệu quả cơ hội của các hiệp định tự do thương mại đem lại, tăng cường các hoạt động phát triển thị trường.

Nâng cao chất lượng thu thập, phân tích thông tin, dự báo thị trường, đặc biệt là những thị trường trọng điểm (Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc...), kịp thời cảnh báo các quy định về rào cản, vấn đề phát sinh có thể gặp đối với hàng xuất khẩu; tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản tại thị trường nước ngoài.

Tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật, giải quyết vướng mắc sản phẩm thuỷ sản (đặc biệt đối với việc EU rút thẻ vàng các sản phẩm thuỷ sản Việt Nam); quảng bá sản phẩm thuỷ sản kết hợp giải quyết các vướng mắc, rào cản đối với sản phẩm gạo, thịt lợn, sữa, trái cây với thị trường Trung Quốc.

Đẩy mạnh tiêu thụ nông lâm thủy sản tại thị trường trong nước để tiêu thụ kịp thời nông sản, khắc phục tình trạng dư thừa, giá giảm gây thiệt hại cho người sản xuất. Bộ cũng sẽ đưa ra các dự báo và phối hợp với các địa phương xây dựng phương án hỗ trợ tiêu thụ kịp thời nông sản chính (cam, thanh long... ); xây dựng hình ảnh sản phẩm thông qua nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm và phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.

ĐÔNG SƠN (theo baochinhphu.vn)
Cùng chuyên mục
Ngành nông nghiệp: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 9 tháng ước đạt 53,2 tỷ USD