Ngành hải quan quyết liệt đấu tranh chống tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa

(BKTO) - Thời gian qua, cơ quan hải quan cùng với các lực lượng chức năng đã chủ động phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt, phát hiện nhiều vụ việc gian lận xuất xứ Việt Nam (Made in Vietnam). Tuy nhiên, tình hình vi phạm xuất xứ hàng hóa đang diễn biến phức tạp, cần sự phối hợp của nhiều ngành.



Muôn hình vạn trạng cách gian lận xuất xứ

Theo Tổng cục Hải quan, hiện nay, các nước trong khu vực và trên thế giới đã có những thay đổi lớn như tăng thuế, áp dụng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước.

Riêng với Việt Nam, bên cạnh sự tác động rất lớn từ các cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…, nước ta cũng đã và đang phải chịu tác động bởi các hiệp định thương mại tự do (FTA). Chính vì điều này, hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao có khả năng được chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, giả mạo xuất xứ Việt Nam sau đó xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản… để tránh mức thuế suất cao. Hành vi này dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp ở mức rất cao, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất trong nước, mất uy tín trên thị trường quốc tế hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này nếu bị nước nhập khẩu phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Bằng những biện pháp chủ động, cụ thể, lực lượng hải quan đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc hàng thành phẩm Trung Quốc, khai xuất xứ Trung Quốc khi làm thủ tục nhập khẩu, nhưng thực tế hàng hóa lại ghi “Made in Vietnam”.

Gần đây nhất, ngày 04/11, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 trưng cầu giám định toàn bộ hơn 7 tấn hàng là chăn, nệm, gối các loại từ Trung Quốc nhập khẩu giả mạo xuất xứ Việt Nam. Trước đó, ngày 09/10, lô hàng gần 8.500 sản phẩm quần áo nhập khẩu từ Trung Quốc của Công ty TNHH Thịnh Hòa (Quận 10, TP. HCM) giả mạo xuất xứ Việt Nam và Hàn Quốc đã bị Hải quan TP. HCM phối hợp với các lực lượng kiểm tra, phát hiện ngay tại cảng Cát Lái.

Đặc biệt, Tổng cục Hải quan đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn vụ việc có nguy cơ gian lận xuất xứ lớn nhất từ trước đến nay. Đó là vụ việc có dấu hiệu giả mạo xuất xứ Việt Nam đối với mặt hàng nhôm tại Bà Rịa -Vũng Tàu.

Mới đây, qua điều tra, xác minh ban đầu, Tổng cục Hải quan và các lực lượng chức năng đã bước đầu chỉ ra một số dấu hiệu vi phạm xuất xứ của Công ty Cổ phần tập đoàn Asanzo. Cụ thể, Công ty Asanzo mở 3 tờ khai xuất khẩu 661 ti vi mang thương hiệu Asanzo sang Nhật Bản gồm cả các bộ phận đi kèm như khung treo tường, điều khiển từ xa và khai báo xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, có đến 98% giá trị của mặt hàng ti vi xuất khẩu sang Nhật Bản từ linh kiện nhập khẩu của Trung Quốc do Công ty mua lại từ nhiều đối tác, chỉ có khoảng 2% đến từ quá trình lắp ráp trong nước. Theo Nghị định số 31/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa, mặt hàng ti vi xuất khẩu mang thương hiệu Asanzo nêu trên không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam.

Cùng với các vụ việc trên, cơ quan hải quan đang tiếp tục cùng với các lực lượng chức năng điều tra, xử lý nhiều vụ việc, trong đó có vụ 10 container xe đạp đang được tạm giữ tại Bình Dương. Kết quả kiểm tra hồ sơ và thực tế hàng hóa cho thấy, gần như 100% số xe đạp này được nhập khẩu từ nước ngoài, thậm chí cả nhãn mác cũng được dán từ nước ngoài, sau đó đưa về lắp ráp, lấy xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu...

Quyết liệt xử lý tình trạng gian lận xuất xứ

Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang tập trung triển khai nhiều giải pháp cụ thể để tăng cường kiểm soát tình trạng gian lận xuất xứ Việt Nam của hàng hóa từ nước ngoài, như: Ban hành các kế hoạch, quy trình kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp. Chủ động thu thập, phân tích thông tin, xác định mặt hàng, DN có rủi ro cao về nghi vấn gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để áp dụng các biện pháp kiểm soát phù hợp. Ban hành công văn cảnh báo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu khi làm thủ tục hải quan nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng trong ngành hải quan đang tiếp tục đẩy mạnh thu thập thông tin, kiểm tra đối với các lô hàng có dấu hiệu nghi vấn giả mạo Giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc của hàng hóa đối với 1 số mặt hàng trọng điểm có kim ngạch xuất, nhập khẩu lớn; với các hành vi như cố ý nhập khẩu hàng giả mạo nhãn hiệu, sao lậu ở quy mô thương mại hoặc nhằm thu lợi nhuận, cố ý nhập khẩu và sử dụng nhãn, bao gói giả mạo ở quy mô thương mại hoặc nhằm thu lợi nhuận.

Cơ quan hải quan đã và đang phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng để phát hiện sớm các trường hợp gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp. Ngoài việc hoàn thiện cơ chế, chính sách hải quan liên quan đến xuất xứ hàng hóa, Tổng cục Hải quan đã tham gia, góp ý hoàn thiện một số chính sách pháp luật do các Bộ, ngành ban hành, như: tham gia ý kiến đối với Dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam...

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn - Ủy viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia - nhấn mạnh: Không phải đến thời điểm này cơ quan hải quan và các Bộ, ngành mới thực hiện việc chống gian lận xuất xứ hàng hóa, thực tế, các bên đã chủ động đấu tranh quyết liệt trong thời gian qua. Các vụ việc nêu trên cho thấy tình hình vi phạm xuất xứ hàng hóa đang có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại của các cường quốc chưa có hồi kết. Tổng cục Hải quan đang phối hợp với các cơ quan trong nước và đối tác hải quan các nước để điều tra, xác minh các vụ việc gian lận xuất xứ và sẽ tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ với các hành vi gian lận này.

Thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục điều tra đồng loạt, quyết liệt xử lý đối với các DN có dấu hiệu giả mạo xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, quyết tâm không để các đối tượng lợi dụng Việt Nam thành điểm trung chuyển hàng hóa vi phạm về xuất xứ, gian lận thương mại…

Cũng theo ông Cẩn, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam… cần phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan trong cuộc chiến chống gian lận xuất xứ nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng nếu hàng hóa tiêu thụ trong nước, bảo vệ lợi ích quốc gia khi hàng hóa đó giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu.

MINH ANH
Cùng chuyên mục
Ngành hải quan quyết liệt đấu tranh chống tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa