Ngăn chặn và đẩy lùi xăng dầu giả, kém chất lượng

(BKTO) - “Xăng dầu giả, thiệt hại thật” là điều được các chuyên gia, nhà quản lý, DN sản xuất, kinh doanh xăng dầu lớn khẳng định với công chúng trước bối cảnh xăng giả, xăng kém chất lượng đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, nhiều đường dây sản xuất, buôn bán xăng kém chất lượng, xăng không rõ nguồn gốc bị phát hiện và xử lý…



Vi phạm gia tăng, diễn biến phức tạp

Theo ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), trong những năm qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát. Đơn cử, tháng 10/2017, lực lượng chức năng đã phát hiện vụ pha chế và tiêu thụ 2 triệu lít xăng giả ở địa bàn tỉnh Nghệ An. Năm 2019, công an tỉnh Đắk Nông đã triệt phá đường dây pha chế xăng giả, lấy xăng pha với chất dung môi, hòa chất tạo màu để tạo thành xăng A95 và E5 bán ra thị trường. Đây là vụ việc rất nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao và gây thất thu cho Nhà nước. Từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý hơn 1.000 vụ việc liên quan đến xăng dầu, tước 37 giấy phép kinh doanh, tịch thu 6 cột bơm... Địa bàn gian lận thương mại xăng dầu hiện nay tập trung chủ yếu ở một số địa phương khu vực Tây Nam Bộ, Trung Bộ và một số tỉnh phía Bắc. Hành vi vi phạm điển hình là bán xăng dầu ngoài hệ thống. Bên cạnh đó là hành vi kinh doanh xăng dầu khi Giấy chứng nhận bán lẻ xăng dầu đã hết hiệu lực.

Trước đó, từ năm 2012, tại nhiều địa phương, các vụ phương tiện giao thông “bỗng dưng bốc cháy” đã xảy ra. Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân gây cháy là do chất lượng xăng dầu bán trên thị trường không đảm bảo, thậm chí quy chụp cho xăng sinh học E5 là thủ phạm. Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/8/2019, Bộ trưởng Bộ Công an đã khẳng định, xăng giả có liên quan đến hiện tượng nhiều phương tiện bình thường bỗng dưng bốc cháy.

Ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) - cho biết, năm 2018, Bộ đã thanh tra chuyên đề diện rộng về đo lường chất lượng trong kinh doanh xăng dầu và phát hiện 113 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính hơn 6,8 tỷ đồng. Năm 2019, Bộ KH&CN có khảo sát, kiểm tra đột xuất trên thị trường, phát hiện một số cửa hàng xăng dầu vi phạm tại Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang… và có những cửa hàng bị phạt hơn 200 triệu đồng, thậm chí gần 500 triệu đồng. Đồng thời, Bộ yêu cầu cơ sở phải xử lý các lô hàng vi phạm và ngừng sử dụng Giấy phép kinh doanh xăng dầu trong thời hạn DN khắc phục.

Phối hợp thực thi để ngăn chặn một cách hiệu quả

Hiện nay, xăng dầu sản xuất trong nước được chứng nhận hợp quy là bảo đảm chất lượng đã đáp ứng khoảng 80 - 90% nhu cầu thị trường. Song vấn đề xăng dầu giả, kém chất lượng do buôn lậu, pha chế, kinh doanh trái phép vẫn tồn tại và có chiều hướng gia tăng, gian lận ngày càng tinh vi phức tạp. Do đó, vấn đề minh bạch xuất xứ và siết chặt quản lý chất lượng xăng dầu đang trở nên cấp thiết.

Theo ông Trần Quốc Tuấn, xăng dầu có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số 1/2015 được Bộ KH&CN sửa đổi, bổ sung năm 2017, đây là cơ sở để đánh giá về mặt kỹ thuật chất lượng xăng dầu được phép nhập khẩu, đưa ra thị trường. Bên cạnh quy chuẩn quốc gia, Bộ KH&CN còn ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN quy định quản lý đo lường chất lượng trong kinh doanh xăng dầu. Trên thực tế, xăng dầu nhập khẩu chính ngạch đã qua kiểm soát chất lượng và xăng dầu của các DN sản xuất đã thực hiện chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và thực hiện đầy đủ các yêu cầu của pháp luật về quản lý đo lường chất lượng thì xăng dầu đó đảm bảo chất lượng để đưa ra thị trường.

Ông Nguyễn Anh Toàn - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam - cho biết, xăng dầu lưu thông không ngừng, từ nhà máy lọc dầu hoặc nhập khẩu, hoặc sản xuất, pha chế của DN, xăng dầu sẽ thông qua kho chứa, phương tiện vận tải để đến các cửa hàng bán lẻ cho người tiêu dùng. Do đó, khâu phức tạp nhất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất chính là việc bán lẻ. Tại các thành phố lớn, công tác giám sát, kiểm tra chặt chẽ thì xác suất sẽ tốt hơn, tại các địa bàn vùng sâu vùng xa thì việc kiểm tra sẽ khó hơn.

Tuy nhiên, ông Trần Hữu Linh chia sẻ rằng, lĩnh vực xăng dầu do nhiều đơn vị cùng quản lý nên trong quá trình kiểm tra dễ bị trùng lặp. Chính vì vậy, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng thì mới ngăn chặn được việc nhập lậu. Bên cạnh đó, do chưa có nguồn tin tốt, chúng ta chưa ngăn chặn triệt để được việc nhập lậu xăng dầu vào nội địa. Công tác kiểm tra chất lượng xăng dầu cũng có nhiều đơn vị chịu trách nhiệm nhưng do hạn chế về cơ sở vật chất, nguồn thông tin, quy chế và cách thức phối hợp nên nhiều khi vi phạm không được phát hiện kịp thời. Hoặc trong lúc chờ kết quả kiểm nghiệm thì xăng dầu vẫn phải lưu thông liên tục, khi phát hiện ra sai phạm, xăng trong bồn đã tiêu thụ hết, gây khó khăn trong vấn đề xử lý tang vật. Điều đó đòi hỏi phải có sự điều chỉnh về mặt chính sách cũng như phối hợp giữa các bên thì mới có thể ngăn chặn hiệu quả tình trạng này.

QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
  • Đơn hàng dệt may cho năm 2020 giảm mạnh
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 11 tháng đầu năm 2019 khả quan, ước đạt 29,89 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ, nhưng Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, đơn hàng cho năm 2020 của nhiều doanh nghiệp trong ngành đang bị giảm.
  • VCCI tổ chức Diễn đàn Kinh tế 2020
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Chiều 05/12, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Diễn đàn kinh tế 2020: “Tích luỹ động năng cho chu kỳ tăng trưởng mới”. Sự kiện thu hút nhiều chuyên gia và đông đảo các nhà doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp trên cả nước tham dự.
  • Tăng nhập khẩu dầu thô Azeri cho NMLD Dung Quất
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Thêm một bản Hợp đồng cung cấp dầu thô cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vừa được Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Công ty SOCAR Trading (Azerbaijan) ký kết với khối lượng cung cấp 5 triệu thùng trong nửa đầu năm 2020.
  • 2019 sẽ là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp của Việt Nam
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Với mức xuất siêu cao kỷ lục 9,12 tỷ USD trong 11 tháng và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 11 tháng tăng 7,8% so với cùng kỳ, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự kiến năm 2019 sẽ vẫn là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp của Việt Nam.
  • Quy định giới hạn lưu huỳnh:  Thách thức lớn của doanh nghiệp hàng hải
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Ngành vận tải biển Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và đang trên đà tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải vượt qua các thách thức về hiện đại hóa và các quy định hàng hải ngày càng khắt khe, nhất là quy định giới hạn lưu huỳnh 2020 (2020 Global Sulphur Cap) - một yêu cầu kỹ thuật cao trong vận chuyển tàu biển của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) sẽ có hiệu lực từ tháng 01/2020.
Ngăn chặn và đẩy lùi xăng dầu giả, kém chất lượng