Nâng cao "sức khỏe" của DN trước đại dịch

(BKTO)- Dưới tác động của đại dịch Covid-19, nhiều DN đã phải thu hẹp sản xuất hoặc tạm ngừng hoạt động. Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, các DN đang chủ động, nỗ lực tìm giải pháp khắc phục và tự nâng cao “sức khỏe” trước đại dịch.



                
   

Khoảng 15% DNđã phải cắt giảm quy mô sản xuất trong tháng 3- Nguồn: internet.

   

Nhiều DNcắt giảm quy mô sản xuất

Theo thống kê, cả nước có hơn 55 triệu lao động có việc làm, trong đó gần 15 triệu lao động làm việc trong các DN; hơn 9 triệu lao động đang làm việc trong các hợp tác xã, cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp. Hiện nay, "cơn bão" Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới tình hình sản xuất kinh doanh, khiến nhiều DN phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lương, lao động để ứng phó.

Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, qua báo cáo nhanh của các DN trong tháng Hai, có khoảng 10% DN phải cắt giảm quy mô sản xuất. Bước sang đầu tháng Ba, đặc biệt tuần thứ 2 của tháng Ba, khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, số lượng DN phải cắt giảm quy mô sản xuất tăng lên rõ rệt với khoảng trên 15% tổng số DN.

Các DN thực hiện cắt giảm tập trung vào ngành dệt may với gần 2,8 triệu lao động. Nhiều DN đã phải áp dụng các biện pháp giãn ca, không làm thêm giờ, đặc biệt là vào thứ Bảy, Chủ Nhật.

Trong khi đó, dịch vụ vận tải hàng không, vận tải đường sắt, đường bộ, hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho vận tải với gần 500.000 lao động đang làm việc cũng bị ảnh hưởng lớn. Đặc biệt, vận tải hàng không thực hiện cắt giảm lương từ 20-40% tùy vào từng vị trí, chưa sa thải nhân viên nhưng đang áp dụng biện pháp cho nghỉ luân phiên để tiến tới giảm lương. Do vậy, nếu dịch bệnh kéo dài thì nguy cơ hàng nghìn lao động thuộc ngành này có thể sẽ bị mất việc làm trong thời gian tới là hoàn toàn có thể xảy ra.

Đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống với hơn 500.000 lao động đang làm việc cũng gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết các DN thỏa thuận với người lao động thực hiện cắt giảm lương, giãn ca hoặc cho nhân viên nghỉ không lương để người lao động có thể quay trở lại làm việc ngay sau khi phục hồi kinh doanh. Tuy nhiên, cũng có những DN gặp khó khăn về vốn vay, lãi suất ngân hàng và gánh nặng chi phí tiền thuê mặt bằng bắt buộc phải ngừng hoạt động.

Theo báo cáo của các địa phương, do bị tác động bởi Covid-19, hàng chục ngàn hộ sản xuất kinh doanh buộc phải tạm ngưng, bỏ kinh doanh (riêng Hà Nội 2 tháng đầu năm đã lên tới 3.000 hộ), chủ yếu tập trung vào nhóm kinh doanh thuộc lĩnh vực lưu trú, ăn uống, kinh doanh các mặt hàng có liên quan đến thị trường hoặc có xuất xứ từ Trung Quốc.

Tính trung bình mỗi hộ thuê 2 lao động thì một số lượng lớn lao động với vài chục ngàn người đã không có việc làm. Những lao động này hầu như không hợp đồng lao động hoặc được hưởng bất kỳ chế độ gì khi mất việc.

Tăng cường "sức khỏe" cho DN

Trước tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ngày 4/3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Chỉ thị đưa ra 7 nhiệm vụ và các giải pháp cho từng nhiệm vụ cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử với DN. Các cơ quan Nhà nước cũng sẽ rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho DN; Tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu; Khẩn trương phục hồi và phát triển ngành du lịch, hàng không; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh; Tập trung xử lý vướng mắc về lao động; Đẩy mạnh thông tin truyền thông.

Bên cạnh đó, nhiều hành động thiết thực gỡ khó cho cộng đồng DN đang được triển khai, nổi bật là việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01/2020 (có hiệu lực từ 13/3) về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Bước đầu, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng với tổng dư nợ là 21.753 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho vay cho 34.350 khách hàng với dư nợ 185.000 tỷ đồng.

Mới đây nhất, ngày 16/3, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh các mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,0%/năm xuống 6,5%/năm. Quyết định này có hiệu lực ngay từ ngày 17/3. Cùng với đó là các quyết định hạ lãi suất tiền gửi để khuyến khích đầu tư, kinh doanh.

Ở khía cạnh DN, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đa dạng thị trường, khai thác tận dụng các thị trường mới mở ra từ các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…

Mặt khác, theo các chuyên gia kinh tế, với 16 hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các đối tác, DN Việt Nam mà đại đa số là DN vừa và nhỏ đều có nhiều cơ hội để phát triển, nhưng vì nhiều lý do, các DN này vẫn chưa tận dụng được các lợi thế. Do vậy, việc vượt qua thời điểm khó khăn cũng là cách để DN tăng cường “đề kháng”, rèn luyện sức khoẻ".

Cộng đồng DN cần nỗ lực, chủ động tìm giải pháp tự tháo gỡ khó khăn như tăng tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu thị trường, coi trọng thị trường nội địa; đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, nâng cao hàm lượng chế biến và giá trị tăng sản phẩm; đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn…

Bên cạnh hỗ trợ của Chính phủ,ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho rằng, nhiều DN đã và đang tăng cường khai thác thị trường nội địa tiềm năng với gần 100 triệu dân. “Nếu khai thác một cách triệt để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”… cộng đồng DN sẽ ổn định hơn trong thời gian tới”.
NAM SƠN (tổng hợp)
Cùng chuyên mục
  • Đến 15/3, Việt Nam xuất khẩu đạt trên 50,3 tỷ USD
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Theo thống kê, từ đầu năm đến 15/3, tổng kim ngạch xuất khẩu nước ta đạt 50,3 tỷ USD, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ 2019; nhập khẩu đạt hơn 47,55 tỷ USD, tăng gần 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, từ đầu năm đến nay, nước ta đang xuất siêu trên 2,7 tỷ USD.
  • Giá dầu tác động làm giảm thu ngân sách
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Giá dầu thô thế giới giảm sâu trong thời gian qua, theo đánh giá của Bộ Tài chính, sẽ tác động làm giảm thu NSNN. Bộ Tài chính sẽ có kịch bản đánh giá tổng thể tác động này; đồng thời đã cơ cấu lại các khoản thu NS theo hướng bền vững hơn.
  • Lọc hóa dầu Bình Sơn “căng mình” trong đại dịch Covid-19
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Sự bùng phát mạnh mẽ của dịch bệnh Covid-19 khiến các nhà máy lọc dầu và các công ty phân phối xăng dầu trên thế giới và Việt Nam đang đứng trước một giai đoạn vô cùng khó khăn. Đơn cử, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã giảm 30-40% so với cùng kỳ các năm trước, trong đó sản phẩm nhiên liệu bay Jet A1 có mức giảm sâu nhất...
  • Vinamilk ủng hộ 10 tỷ đồng mua thiết bị y tế giúp phát hiện nhanh virus gây bệnh Covid-19
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Chung tay cùng Chính Phủ trong công tác phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã ủng hộ 10 tỷ đồng mua vật tư thiết bị sinh phẩm y tế phục vụ công tác xét nghiệm, phát hiện nhanh virus corona (SARS-COV-2).
  • Thị trường tài chính tiếp tục lao dốc
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Thị trường tài chính thế giới phiên đầu tuần tiếp tục có những phản ứng tiêu cực sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đột ngột hạ lãi suất về 0% và bơm 700 tỉ USD vì Covid-19.
Nâng cao "sức khỏe" của DN trước đại dịch