Nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước

(BKTO) - Quá trình cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020 đến nay đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, như: số lượng DNNN đã giảm đáng kể, nhiều DN quy mô lớn và rất lớn đã được cổ phần hóa (CPH); thoái vốn nhà nước tại các DN đã thu về gần 160.000 tỷ đồng (gấp hơn 9 lần giá trị sổ sách)… Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động và đóng góp của một số DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực mà Nhà nước đầu tư; một số dự án thua lỗ, thất thoát vốn lớn; kết quả CPH, thoái vốn còn chậm.



Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nướcvẫn chưa đạt mục tiêu

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Văn Hiếu, những kết quả đạt được cho thấy quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thúc đẩy tiến trình đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Thế nhưng, các DNNN đang hoạt động và đóng góp chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư và khối lượng tài sản được giao quản lý, sử dụng; những mục tiêu kế hoạch đặt ra trong CPH, thoái vốn nhà nước tại các DN vẫn chưa đạt.

Bên cạnh đó, từ những kết quả nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho rằng, năng lực của DNNN còn hạn chế do lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh của khu vực DNNN phụ thuộc vào một vài DN lớn. Ở các ngành có mức độ cạnh tranh cao giữa các thành phần kinh tế như thương mại, xây dựng, công nghiệp chế tạo…, hiệu quả kinh doanh của DNNN rất thấp, bộc lộ những điểm hạn chế về năng lực cạnh tranh của DNNN. Hơn nữa, đối với các DN 100% vốn nhà nước, phần lớn nguồn lực tập trung vào 7 tập đoàn và hơn 60 tổng công ty, trong đó 7 tập đoàn nắm giữ tới 66% tài sản; 66,7% vốn chủ sở hữu nhà nước; tạo ra 61,7% doanh thu; 56,5% lợi nhuận trước thuế và 56,7% thu NSNN. Thế nhưng, bình quân DNNN có nợ phải trả cao gấp 3,1 lần vốn chủ sở hữu, trong khi mức trung bình của DN Việt Nam là 2,1 lần.

Còn theo Vụ Kinh tế tổng hợp - Ban Kinh tế T.Ư, công tác CPH, thoái vốn nhà nước tại các DN ở một số địa phương còn chậm, CPH còn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, theo kế hoạch năm 2018, TP. HCM phải thực hiện CPH 39 DN, TP. Hà Nội phải thực hiện CPH 11 DN, nhưng đến nay, hai địa phương này chưa CPH được DN nào. Bên cạnh một số DN CPH không thành công thì số lượng DN thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán chưa nhiều, có tới 747 DN chưa đăng ký giao dịch, niêm yết cổ phiếu tính đến ngày 15/8/2017; việc xử lý các dự án thua lỗ, đặc biệt là 12 dự án thua lỗ của ngành công thương tuy đã đạt được kết quả bước đầu nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức. Việc thực hiện quản lý nhà nước đối với DNNN còn bất cập, trong đó có việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu từ các Bộ, ngành, địa phương về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) còn chậm, đến nay, mới tiếp nhận 24/62 DN giai đoạn 2016-2020…

Đề xuất nhiều giải pháp cụ thể,phù hợp với tình hình mới

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh, thời gian tới, CPH, thoái vốn vẫn là nhiệm vụ trọng tâm để tái cơ cấu DNNN. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với sự ra đời của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, nhiệm vụ đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN đặt ra vô cùng nặng nề, đòi hỏi quyết tâm cao và các giải pháp quyết liệt, đột phá hơn.

Theo nhiều chuyên gia, có một số giải pháp căn bản cần thực hiện để thúc đẩy cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN. Trong đó, cần sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật, tạo khuôn khổ và hành lang pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất; tập trung xử lý dứt điểm các dự án kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; có chính sách ưu tiên nguồn thu từ CPH, bán vốn nhà nước, lợi nhuận Nhà nước thu về cho các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, có sức lan tỏa lớn và cho các ngành, lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ lâu dài…

Đồng thời, cần tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý DNNN, thúc đẩy DN niêm yết trên thị trường chứng khoán sau CPH; rà soát và hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của DNNN…
Đề cập đến giải pháp thúc đẩy quá trình thoái vốn nhà nước tại các DN, ông Lê Song Lai - Phó Tổng Giám đốc SCIC - kiến nghị, cần bổ sung, sửa đổi một số quy định theo hướng hạ giá khởi điểm bán vốn; bổ sung hướng dẫn trong trường hợp đấu giá cả lô có nhiều nhà đầu tư trả giá cao nhất bằng nhau; bổ sung trường hợp được bán cả lô cổ phần… Bên cạnh đó, cần tiếp tục tách bạch quá trình bán vốn với việc thu hồi nợ; cho phép thiết lập cơ chế hợp tác mua bán nợ giữa SCIC và các tổ chức mua bán nợ trên thị trường...

Trước sự ra đời và vừa đi vào hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, đại diện Ban Kinh tế T.Ư đề xuất, cần tiếp tục kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, có các cơ chế đặc thù để Ủy ban hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là một trong những giải pháp trọng tâm trong việc thay đổi phương thức quản lý vốn nhà nước đối với DNNN.

Để đáp ứng xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ông Nguyễn Đức Trung (CIEM) cho rằng, từ năm 2020-2025, phải hoàn thành áp dụng thông lệ quản trị DN quốc tế đối với DNNN và được các tổ chức uy tín xếp hạng, thừa nhận. Nghiên cứu của Viện năm 2018 cho thấy, xét trong quan hệ giữa DN 100% vốn nhà nước và tiềm năng tăng trưởng kinh tế, với quy mô tài sản hiện tại là trên 3,1 triệu tỷ đồng, nếu tăng hiệu quả sử dụng tài sản thêm 1% thì phần giá trị gia tăng lợi nhuận từ phần vốn nhà nước có thể tăng 0,8% đến 0,9% GDP. Do đó, các cơ quan đại diện chủ sở hữu cần áp dụng cơ chế quản trị và công cụ quản lý kinh doanh hiện đại nhằm giám sát chặt chẽ, hiệu quả, nắm được thông tin tài chính hằng ngày, thậm chí hằng giờ của từng DN, để đưa ra những quyết định phù hợp, cảnh báo rủi ro kịp thời…

PHÚC KHANG
Theo Báo Kiểm toán số 46 ra ngày 15-11-2018
Cùng chuyên mục
  • Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Nối tiếp thành công của Hội thảo ICYREB 2018- Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, ngày 10/11 Học viện Tài chính phối hợp với trường đại học Greenwich- Vương quốc Anh tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: SEDBM 2018- Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa.
  • Gian nan cuộc chiến chống buôn lậu  qua đường hàng không
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Năm 2018, lực lượng hải quan đã phát hiện, xử lý nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng quốc cấm qua đường hàng không. Tuy nhiên, tình hình buôn lậu hàng hóa qua tuyến đường này vẫn rất nóng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
  • Việt Nam còn nhiều dư địa để cải cách môi trường kinh doanh
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Tại Hội thảo “Môi trường kinh doanh Việt Nam: Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 19” vừa diễn ra tại Hà Nội, nhiều đại biểu nhận định, khoảng cách về môi trường kinh doanh của Việt Nam so với các nước ASEAN-4 đã được thu hẹp nhưng vẫn chậm. Hiện chỉ có duy nhất Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam cao hơn ASEAN-4, còn các chỉ số khác đều thấp hơn.
  • 30 năm vận hành công trình thế kỷ Thủy điện Hòa Bình
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Ngày 09/11, Công ty Thủy điện Hòa Bình đã tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập và phát triển, ghi dấu một chặng đường nhiều gian lao, thử thách để đưa Thủy điện Hòa Bình trở thành một trong những công trình thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
  • Trình tự, thủ tục chuyển giao doanh nghiệp về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định ban hành Quy chế về trình tự, thủ tục, hồ sơ chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước