Nâng cao hiệu quả cải cách điều kiện kinh doanh

(BKTO) - Không thể phủ nhận những nỗ lực, quyết tâm cắt giảm điều kiện kinh doanh của Chính phủ đã mang lại nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận. Trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, để đồng bộ với những nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành cần phải mạnh tay cắt giảm các điều kiện kinh doanh trong phạm vi quản lý của mình.



Khó đánh giá kết quảcải cách thời gian qua

Những năm vừa qua, Chính phủ luôn đặt mục tiêu ưu tiên là cải cách quy định về điều kiện kinh doanh nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thân thiện với DN. Đặc biệt, năm 2018 được xem là năm của cải cách điều kiện kinh doanh. Chính phủ đã ban hành 20 văn bản chỉ đạo và các Bộ, ngành tích cực thực hiện rà soát danh mục các điều kiện kinh doanh trong phạm vi quản lý. Trên cơ sở đó, nhiều Bộ, ngành đã đưa ra danh mục các điều kiện cần cắt giảm, đơn giản hóa, thậm chí có Bộ quyết định cắt giảm hơn 670 điều kiện kinh doanh, tương đương với 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh do Bộ này quản lý.

Đến năm 2019, Chính phủ tiếp tục ban hành hơn 10 văn bản chỉ đạo để quyết liệt cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN. Theo báo cáo của Tổ công tác Chính phủ, đến tháng 8/2019, các Bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.451/6.191 điều kiện kinh doanh, cắt giảm 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành.

Đánh giá về kết quả cải cách điều kiện kinh doanh thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn 2017-2019, các Bộ, ngành đã nỗ lực rà soát, đề xuất cắt bỏ, đơn giản hóa khoảng 50% số điều kiện kinh doanh để giảm gánh nặng quy định, thủ tục và nhờ vậy giảm thời gian, chi phí và rủi ro cho DN. Tuy vậy, nhiều chuyên gia cũng thẳng thắn nêu, trong các quy định hiện hành, vẫn còn các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý hoặc không có ý nghĩa về hiệu quả quản lý nhà nước. Trên thực tế, một số địa phương vẫn chưa nắm rõ những thay đổi, cải cách về điều kiện kinh doanh.

Ông Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) - bình luận, cắt giảm điều kiện kinh doanh là một nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, đặc biệt từ năm 2016 đến nay, nhiệm vụ ưu tiên của Chính phủ là cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, mục tiêu đặt ra chỉ là cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% quy định về điều kiện kinh doanh, chứ không phải là cắt bỏ 50% quy định về điều kiện kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh thời gian qua còn chưa thực chất bởi mục tiêu không rõ ràng, không thể đánh giá được phần đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Để đảm bảo các điều kiện kinh doanh không phục hồi trở lại, cần phải thực hiện cải cách triệt để hơn với cách tiếp cận mới hơn và trúng hơn. Nhiều chuyên gia đồng quan điểm và cho rằng, nâng cao chất lượng điều kiện kinh doanh vẫn phải là nội dung trọng tâm trong cải cách môi trường kinh doanh ở Việt Nam hiện nay, cũng như trong thời gian tới.

Cải cách cần phảiđi vào thực chất

Theo phân tích của các chuyên gia, để cải cách đúng và trúng hơn, trước hết, cần phải xác định rõ bản chất của ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Đối với Nhà nước, quy định điều kiện kinh doanh đưa ra là để quản lý những ngành nghề kinh doanh cần có điều kiện. Nhưng đối với DN, quy định điều kiện kinh doanh lại là rào cản hoạt động của DN, làm tăng chi phí, giảm khả năng cạnh tranh của DN.

Kết quả điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, năm 2019, nhiều DN đã đánh giá tích cực về sự chuyển động trong cắt giảm điều kiện kinh doanh của các Bộ, ngành, giúp DN giảm bớt khó khăn. Tuy nhiên, khái niệm điều kiện kinh doanh ở nhiều nơi còn chưa rõ ràng, vẫn có sự lẫn lộn giữa điều kiện kinh doanh và tiêu chuẩn kỹ thuật.

Nhiều chuyên gia và DN còn có nhận định, các Bộ, ngành vẫn đặt mục tiêu ban hành các điều kiện kinh doanh là để bảo đảm thuận tiện cho việc quản lý, chứ chưa thực sự tạo thuận lợi cho kinh doanh. Các cơ quan quản lý nhà nước đôi khi vẫn lạm dụng các biện pháp hành chính để can thiệp vào thị trường, thậm chí còn muốn có thêm các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Cho đến thời điểm này, “bức tranh” cải cách điều kiện kinh doanh chưa sáng hơn nhiều so với cuối năm 2019. Nét “chấm phá” duy nhất vừa được các nhà nghiên cứu của CIEM cập nhật là Bộ Công Thương tiếp tục đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ cải cách điều kiện kinh doanh, khi ngày 05/02/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 17/2020/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Tiếp tục đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM - cho biết, ngay đầu năm 2020, Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020, điều đó thể hiện tinh thần quyết tâm đổi mới của Chính phủ đối với môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tín hiệu vui được ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) - chia sẻ, Văn phòng Chính phủ vừa lấy ý kiến cho Dự thảo Quyết định về kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu cụ thể là cắt giảm ít nhất 20% số lượng văn bản đã ban hành thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ; cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh trong mỗi năm.

Hy vọng động thái mới này của Chính phủ sẽ thúc đẩy công tác cắt giảm điều kiện kinh doanh của các Bộ, ngành đi vào thực chất hơn để tạo thuận lợi cho hoạt động của các DN.
QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
  • ICAEW: Dự đoán GDP Đông Nam Á năm 2020 giảm
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Theo Báo cáo triển vọng kinh tế Đông Nam Á mới nhất của Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW), tăng trưởng kinh tế toàn khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ chậm lại ở mức 4,2% vào năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Coronavirus (COVID-19).
  • Gỡ khó cho ngành mía đường trong nước
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Để tiếp tục phát triển ngành mía đường Việt Nam tương xứng với tiềm năng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương áp dụng biện pháp phòng vệ phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế để bảo vệ sản xuất mía đường trong nước.
  • EVFTA - song hành cơ hội và thách thức
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Sau nhiều nỗ lực, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) chính thức được Nghị viện châu Âu thông qua và dự kiến có hiệu lực vào tháng 7 tới, sẽ là cơ hội lớn tăng thêm thị phần cho các sản phẩm và DN Việt Nam vào thị trường châu Âu.
  • Sản lượng thủy sản tháng 2 ước đạt 501,9 nghìn tấn
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng thủy sản tháng 2/2020 ước đạt 501,9 nghìn tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 379 nghìn tấn, tăng 3,8%; tôm đạt 42,1 nghìn tấn, giảm 0,2%; thủy sản khác đạt 80,8 nghìn tấn, tăng 5,8%.
  • Việt Nam có thể vượt qua Thái Lan về xuất khẩu gạo
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Trong khi hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu gặp khó trong những tháng đầu 2020 thì xuất khẩu gạo lại bất ngờ tăng mạnh, dự báo vượt cả Thái Lan.
Nâng cao hiệu quả cải cách điều kiện kinh doanh