Khai thông thị trường xuất khẩu thịt lợn

(BKTO) - Mặc dù có tiềm năng phát triển và xuất khẩu, nhưng từ nhiều năm nay sản phẩm thịt lợn Việt Nam xuất khẩu ra thế giới bằng con đường chính ngạch vẫn hạn chế. Một trong những nguyên nhân là do thịt lợn Việt Nam chưa vượt qua được hàng rào kỹ thuật về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm của một số quốc gia trên thế giới.



Xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, mỗi năm, ngành Nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu đạt kim ngạch trên 30 tỷ USD với 10 ngành hàng chủ lực. Tuy nhiên, sản phẩm ngành chăn nuôi lại chưa góp mặt trong kim ngạch xuất khẩu mặc dù Việt Nam là quốc gia có tiềm năng chăn nuôi lớn với năng suất sản xuất 27,5 - 28 triệu con lợn, 300 triệu con gia cầm, 0,5 triệu bò sữa…

Theo các chuyên gia, việc xuất khẩu thịt lợn Việt Nam sang các nước từ nhiều năm nay vẫn chưa có sự đột phá nào. Phần lớn lợn nuôi được xuất sang Trung Quốc theo dạng lợn hơi bằng đường tiểu ngạch. Báo cáo từ Hãng nghiên cứu toàn cầu (IBC) đã chỉ ra rằng, trong năm 2016, Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đạt gần 12 triệu con lợn (33.000 con/ngày). Dự kiến năm 2017, Việt Nam xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc khoảng 2,4 triệu con (giảm 80% so với năm 2016). Nếu tình hình không khả quan, con số xuất khẩu trên sẽ giảm sút xuống chỉ còn 1,17 triệu con.

Khó khăn nhất hiện nay là xuất khẩu thịt lợn theo con đường chính ngạch. Theo thống kê, trong giai đoạn từ năm 2013-2016, Việt Nam mới xuất sang thị trường Hồng Kông và Malaysia khoảng 15-20 nghìn tấn dạng thịt lợn đã giết mổ (tương đương 200.000 con), các thị trường khác tại Mỹ, EU, Australia… hầu như còn bỏ ngỏ. Các con số trên cho thấy, tình hình xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), hiện có không ít quốc gia đang bày tỏ nhu cầu cần nhập khẩu sản phẩm thịt lợn của Việt Nam. Tuy nhiên, họ đều đưa ra hàng loạt yêu cầu rất khắt khe. Ví dụ với thị trường Hàn Quốc, nước này yêu cầu sản phẩm nhập khẩu vào thị trường của họ phải có nguồn gốc từ quốc gia/vùng xuất không có bệnh lở mồm long móng (LMLM) và phải được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) công nhận. Do hiện nay, Việt Nam chưa được OIE công nhận sạch bệnh LMLM nên chưa đủ điều kiện để Hàn Quốc tiến hành đánh giá rủi ro nhập khẩu đối với thịt lợn.

Cần xây dựng vùng an toàn dịch bệnh

Tại "Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu thịt lợn Việt Nam” do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, các chuyên gia và DN cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu thịt lợn sang các nước thì vấn đề an toàn dịch bệnh là hết sức quan trọng.

Bà Nienke Trooster - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam - chia sẻ, Hà Lan cũng như các nước EU đều quy định nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt được thống nhất giữa các nước thành viên và Ủy ban châu Âu là đối tác đàm phán duy nhất với tất cả các nước ngoài EU về các điều kiện nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt động vật. Theo đó, EU yêu cầu tất cả sản phẩm nhập khẩu phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cao như đối với sản phẩm của các nước thành viên EU, không chỉ về mặt vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng mà còn liên quan đến an toàn dịch bệnh động vật của EU.

Ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus châu Á - chỉ rõ, Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu thịt lợn vào các thị trường như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Bởi 3 quốc gia này có vị trí địa lý gần với Việt Nam và nhu cầu nhập khẩu thịt lợn nằm trong Top nhiều nhất trên thế giới. Hiện Trung Quốc đang nhập khẩu 2,2 triệu tấn thịt lợn mỗi năm, Nhật Bản 1,3 triệu tấn và Hàn Quốc gần 1 triệu tấn.

Để tạo điều kiện và cơ hội xuất khẩu chính ngạch thịt lợn sang các thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Nga, Australia, Hà Lan… Theo ông Gabor Fluit, ngành chăn nuôi Việt Nam cần thay đổi toàn diện, ngoài chuyện giá thành phải cạnh tranh còn phải đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe khác. Trong đó, quy định cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, quy trình chăn nuôi khép kín từ khâu thức ăn, thú y, con giống, đến trang trại, giết mổ, chế biến… phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt.

Nhằm thúc đẩy xuất khẩu thịt lợn Việt Nam đi các nước, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Biển Đông Vũ Trọng Nghĩa kiến nghị: Các cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ DN mở rộng thị trường cấp Nhà nước cho các sản phẩm thịt lợn của Việt Nam; thống nhất tập hợp thông tin quy định về quản lý kỹ thuật, thương mại với các cơ quan quản lý nước nhập khẩu, sau đó, thông tin phổ biến rộng rãi tới các DN có nhu cầu xuất khẩu.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, để khơi thông thị trường xuất khẩu thịt lợn, Việt Nam cần đánh giá thị trường tiêu thụ thịt lợn trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia xung quanh với tiềm năng tiêu thụ thịt lợn rất lớn. Các đơn vị chức năng thuộc Bộ tiến hành rà soát chương trình an toàn dịch bệnh tại các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng. Đồng thời, cơ quan Thú y của Việt Nam cần trao đổi và thống nhất với cơ quan Thú y của các nước về các quy định kiểm dịch nhằm hướng tới việc xuất khẩu đa dạng các sản phẩm.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 43 ra ngày 26-10-2017
Cùng chuyên mục
  • Ứng dụng công nghệ cao  trong nông nghiệp còn nhiều khó khăn
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Tại Diễn đàn nông dân Việt Nam lần thứ 2 với chủ đề “Nông dân sẵn sàng cho nông nghiệp 4.0” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với một số Bộ, ngành tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhiều nông dân đã bày tỏ băn khoăn về việc ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp thông minh (nông nghiệp 4.0).
  • Nhiều rào cản trong phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản nội địa
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Thủy sản Việt Nam vốn phong phú, đa dạng và được thế giới ưa chuộng nhưng dường như chưa tiếp cận được với đông đảo người tiêu dùng trong nước. Nguyên nhân của thực trạng này đã được các chuyên gia, nhà quản lý và đại diện các DN sản xuất, chế biến thủy sản nêu ra tại Hội thảo “Phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản nội địa” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức mới đây tại Hà Nội.
  • Giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn tín dụng
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Tìm biện pháp giúp DN nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn tín dụng không còn là vấn đề mới. Thế nhưng, câu chuyện ấy vẫn luôn làm nóng không khí của những tọa đàm, hội thảo bởi mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa vay vốn nhưng hiệu quả thực hiện vẫn còn khiêm tốn.
  • Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) còn nhiều bất cập
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo dự kiến, Luật Thủy sản (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 10 tới đây. Tuy nhiên, hiện nay, Dự thảo Luật vẫn còn nhiều điểm bất cập cần chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn, nhằm tạo điều kiện cho DN trong việc tiếp cận chính sách, khơi thông môi trường đầu tư kinh doanh.
  • Tạo đột phá, vượt trội để phát triển kinh tế - xã hội
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến lần đầu tại phiên họp thứ 14 vừa qua. Điểm đặc biệt của Dự thảo Luật này là được quy định cơ chế đặc biệt, có thể vượt các luật khác nhằm kiến tạo mô hình phát triển mới tại các vùng với những thể chế, chính sách có tính đột phá, vượt trội so với trong nước và cạnh tranh với quốc tế, tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, minh bạch để phát triển.
Khai thông thị trường xuất khẩu thịt lợn