Gỡ vướng trong thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

(BKTO) - Sau 3 năm thực hiện, việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã đạt được những kết quả nhất định. Đây được coi là biện pháp quan trọng khuyến khích tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước một cách tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo công bằng và tăng thu NSNN. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai quy định về vấn đề này cũng bộc lộ nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.




Thực tiễn triển khai quy định về việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước bộc lộ nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Ảnh: P.Tuân

Nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước

Quy định về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong Luật Tài nguyên nước được xây dựng với chủ trương cụ thể hóa quan điểm tài nguyên nước là tài sản của Nhà nước, thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Theo đó, người khai thác, sử dụng tài sản của Nhà nước cần phải nộp tiền để bảo đảm công bằng trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước và nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn nước.

Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước khác với thuế tài nguyên nước, phí và lệ phí cấp Giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Đó là khoản thu của chủ sở hữu khi cho các chủ thể khác sử dụng tài sản của mình tương tự như khoáng sản, đất đai.

Để triển khai hiệu quả các quy định trên, ngày 17/7/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (Nghị định 82). Đây cũng là một trong những nguồn thu quan trọng của NSNN, góp phần bảo đảm cho hoạt động bảo vệ tài nguyên nước, cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước, giám sát hoạt động khai thác nước và các hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước.

Sau 3 năm thực hiện, đến nay, 100% các công trình đã có giấy phép trước ngày Nghị định 82 có hiệu lực và chủ giấy phép thực hiện kê khai đã được Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt tiền cấp quyền theo quy định.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh, tính đến ngày 09/4/2020, Bộ đã phê duyệt 593 quyết định cấp quyền khai thác tài nguyên nước với tổng số tiền gần 9.500 tỷ đồng. Trong đó, 112 công trình khai thác nước dưới đất gồm: 56 công trình khai thác nước cấp cho các nhà máy nước, 56 công trình khai thác nước dưới đất khác; 481 công trình khai thác nước mặt. Các tỉnh đã phê duyệt được trên 3.300 quyết định với tổng số tiền hơn 637 tỷ đồng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, sau 3 năm triển khai, Nghị định 82 đã đi vào cuộc sống, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước một cách hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, tăng thu NSNN.

Tạo thuận tiện hơn cho các tổ chức, cá nhân trong kê khai hồ sơ nộp tiền

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn 3 năm triển khai thi hành Nghị định 82 đã cho thấy nhiều quy định hiện không còn phù hợp với thực tiễn như: các quy định về đối tượng nộp tiền (nhiều địa phương, DN đề nghị làm rõ các đối tượng không phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước để thống nhất áp dụng trên phạm vi cả nước); căn cứ tính tiền trên cơ sở tầng chứa nước khai thác là chưa phù hợp vì nhiều công trình khai thác ở 2 tầng chứa nước khác nhau.

Cùng với đó, nhiều công trình cấp nước tập trung còn lúng túng trong xác định tỷ lệ cấp nước cho các mục đích; điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước còn có nhiều điểm chưa phù hợp; nhiều công trình bị hỏng không khai thác được nhưng khi điều chỉnh thì tiền cấp quyền lại tăng lên; chưa có quy định về thời điểm áp dụng giá tính tiền đối với trường hợp truy thu tiền.

Một số nội dung liên quan đến việc kê khai, tính, phê duyệt và thu nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã xảy ra trên thực tế nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể như việc phân chia tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước giữa các địa phương nơi có công trình khai thác nước và hồ chứa… Thậm chí, mẫu quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước chưa có mã số thuế, gây khó khăn cho cơ quan thuế trong việc xác định DN nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Để tháo gỡ những vướng mắc trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ về việc đưa Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 82 vào Chương trình công tác năm 2020. Mới đây, Bộ này đã tổ chức cuộc họp với đại diện các Bộ và cơ quan liên quan tham gia hoàn thiện nội dung Dự thảo Nghị định sửa đổi. Các vấn đề tiếp tục được bàn thảo như: có nên quy định một số đối tượng không phải nộp tiền; trách nhiệm của đơn vị phân phối và kinh doanh nước sạch (không có công trình khai thác); quy định loại hình sản xuất, kinh doanh nào thì áp dụng khung giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên; tách thủ tục phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với công trình chưa khai thác, sử dụng tài nguyên nước thành thủ tục hành chính độc lập.

Ngoài ra, Bộ đã nhận được 54 văn bản của các địa phương và 4 Bộ. Trên cơ sở này, Cục Quản lý tài nguyên nước đã tổ chức nhiều cuộc họp báo cáo về hướng sửa đổi Nghị định. Ông Châu Trần Vĩnh cho hay, những sửa đổi, bổ sung này không thay đổi về đối tượng thu, mức thu mà chỉ làm rõ và điều chỉnh theo hướng thuận tiện hơn cho các tổ chức, cá nhân trong việc kê khai hồ sơ nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Hiện Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 82 đã được đăng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Bộ sẽ nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo trình Chính phủ ban hành.

HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
  • Sóng ngầm M&A trên thị trường bất động sản
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Cùng với các đòi hỏi về tiềm lực tài chính, nhiều nhà đầu tư đã chọn con đường ngắn nhất để có thể tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam thông qua con đường M&A (mua bán sáp nhập)
  • Tiền gửi tiết kiệm chảy sang trái phiếu doanh nghiệp
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Hiện nay, trái phiếu doanh nghiệp có lợi tức đang thu hút khá nhiều lượng tiền từ các kênh đầu tư trong đó có tiền gửi từ ngân hàng khiến nhiều người lo ngại.
  • Sữa bột trẻ em Dielac Grow Plus có Tổ Yến - Giải pháp ưu việt mới cho trẻ suy dinh dưỡng thấp còi
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Với mong muốn mang đến những giải pháp dinh dưỡng tối ưu cho trẻ em, góp phần vào mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam, công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã cho ra mắt sản phẩm sữa bột “Dielac Grow Plus có Tổ Yến”. Sản phẩm mới này là bước tiến đột phá của Vinamilk trong việc mang đến một giải pháp dinh dưỡng lần đầu tiên được giới thiệu đến người tiêu dùng Việt Nam giúp cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ.
  • Lựa chọn nào cho doanh nghiệp thời hậu Covid-19?
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Khống chế thành công dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam đang dần thích nghi với trạng thái “bình thường mới”. Theo khuyến nghị của các chuyên gia kinh tế, để vượt qua khủng hoảng, DN phải tiếp tục cân bằng chiến lược, chuyển hướng đầu tư, hình thành các chuỗi giá trị mới để phát triển.
  • Sẵn sàng đón dòng vốn đầu tư chuyển dịch sau đại dịch Covid-19
    3 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhận định, do tác động của đại dịch Covid-19, dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thế giới đang có sự thay đổi mạnh mẽ, trong đó có xu hướng chuyển dịch đầu tư, thay đổi chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu sang các khu vực khác, trong đó có khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, cần phải có sự chuẩn bị sẵn sàng để đón đầu dòng vốn chuyển dịch này, ngay từ các địa phương.
Gỡ vướng trong thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước