Gỡ khó cho hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu

(BKTO) - Nhằm tìm cách tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu, Đoàn công tác của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa tiến hành đi kiểm tra, nắm tình hình tại một số cửa khẩu như: Hữu Nghị, Tân Thanh, Cốc Nam và làm việc với Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn.



                
   

Hàng trăm xe hàng hoá vẫn tồn đọng tại các cửa khẩu biên giới Việt - Trung - Ảnh: thoibaotaichinhvietnam.vn

   

Hàng tồn còn lớn

Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, tính đến ngày 26/2, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn), đã xuất 217 xe gồm nông sản, hoa quả, linh kiện điện thoại, hàng may mặc, với các loại hình: xuất kinh doanh biên giới, xuất kinh doanh, xuất gia công, quá cảnh. Đồng thời, nhập 292 xe là linh kiện điện thoại, máy móc, đồ thủy tinh, hàng may mặc, nông sản… bao gồm các loại hình: nhập kinh doanh, nhập gia công sản xuất... Tuy nhiên hiện vẫn còn tồn 319 xe xuất khẩu gồm nông sản như mít, thanh long, xoài, nhãn, ớt..., linh kiện điện thoại và 92 xe nhập khẩu gồm nông sản, linh kiện điện thoại.

​​Tại cửa khẩu Tân Thanh, từ ngày 20/2-24/2, tiến độ thông quan xuất khẩu hàng hóa nông sản, trong đó chủ yếu là thanh long, dưa hấu vẫn còn chậm. So sánh trong tuần qua cho thấy, ngày 20/2 xuất khẩu được 26 xe, ngày 24/2 xuất khẩu được 10 xe, đến ngày 25/2 xuất được 43 xe dưa hấu, thanh long, chuối, xoài; nhập 11 xe nông sản, gồm: lạc, đỗ xanh, hành, khoai tây, quýt, nấm tươi. Hiện tồn 110 xe nông sản, chủ yếu là các loại thanh long, dưa hấu…

​Tại cửa khẩu Cốc Nam không phát sinh hoạt động xuất nhập và tồn 11 xe lạc, tạp hóa, da bò, mỹ phẩm, cá basa đông lạnh. Tại cửa khẩu Chi Ma, hiện đang tồn 3 xe xuất khẩu, gồm 1 xe tái nhập thạch đen, 2 xe hạt tiêu.

​Tại cửa khẩu Ga Đồng Đăng, đã xuất được 6 toa thanh long, 1 toa giỏ cói và nhập 11 toa thép tấm, tồn 26 toa thép, melamin nhập khẩu đang chờ làm thủ tục hải quan.

Bên cạnh đó, số liệu thống kê của Cục Xuất nhập khẩu cũng cho thấy, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có tổng số xe xuất nhập khẩu là 295 xe. Trong đó xuất khẩu được 191 xe (có 41 xe thanh long) và nhập khẩu 204 xe hàng hóa.

Đáng chú ý, địa bàn Quảng Ninh, tại cửa khẩu Móng Cái (Bắc Luân 2 - Quảng Ninh) và Hà Giang từ ngày 24 đến nay, hàng hóa, phương tiện được thông quan thuận lợi, nhanh chóng. Cụ thể, tại tỉnh Hà Giang đã xuất khẩu được 15 xe thanh long, 8 xe tinh bột sắn, 17 xe chuối, 4 xe ván.

Còn tại cửa khẩu Móng Cái đã xuất khẩu 10 xe trang bị y tế, sợi cotton, silicon…, nhập 86 xe sợi filament tổng hợp, hàng tạp hóa, thiết bị mỏ. Mặt khác, hai bên đã thống nhất thông quan trở lại lối mở Km3+4 tại phường Hải Yên, TP. Móng Cái, Quảng Ninh - lối mở/cặp chợ biên mậu thành phố Đông Hưng, Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) từ ngày 25/2/2020, đồng thời kéo dài thời gian nhận hồ sơ hải quan thêm 1h30' so với trước đây (đến 16h30 (giờ Hà Nội) tức 17h30 (giờ Bắc Kinh) hàng ngày).

Đẩy nhanh tiến độ thông quan hàng hóa

Việc thông quan hàng hóa còn chậm được lí giải một phần là do tại một số cửa khẩu trọng điểm như Tân Thanh hiện vẫn chưa khôi phục hình thức "trao đổi cư dân biên giới", mà chỉ thực hiện thông quan với các lô hàng có hợp đồng mua bán, đảm bảo các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn mã số vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại. Bên cạnh đó, hiện lực lượng nhân lực bốc xếp phục vụ quá trình giao nhận hàng hóa bên phía Trung Quốc rất hạn chế vì phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
                
   

Đoàn công tác của Cục Xuất nhập khẩu làm việc với SởCông Thương Lạng Sơn - Ảnh: Cục Xuất nhập khẩu

   

Làm việc với Đoàn công tác của Cục Xuất nhập khẩu, ông Phùng Quang Hội - Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo cũng như tăng cường triển khai các giải pháp, đẩy nhanh tiến độ thông quan hàng hóa; giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận xuất xứ đảm bảo đúng quy định, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, tiêu thụ các mặt hàng nông thủy sản, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chính được UBND tỉnh giao trong năm 2020.

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh đánh giá cao những nỗ lực của Sở Công Thương Lạng Sơn qua việc phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu và các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương cũng như kịp thời cập nhật diễn biến tình hình xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu. Mặt khác, Sở Công Thương cũng hỗ trợ triển khai các biện pháp điều tiết, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp làm thủ tục xin giấy chứng nhận xuất xứ; đẩy nhanh tiến độ thông quan hàng hóa, góp phần giải quyết lượng xe nông sản tồn đọng tại cửa khẩu.

Cục trưởng Phan Văn Chinh cũng đã trao đổi với Sở Công Thương Lạng Sơn về các công tác điều hành, chỉ đạo của Chính phủ và các giải pháp cần triển khai của Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là nông, thủy sản cũng như kịp thời giải quyết vấn đề nguồn nguyên liệu vật tư cho các ngành sản xuất, chế biến trong nước bị hạn chế, thiếu hụt do ảnh hưởng của dịch bệnh tại nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực. Cục trưởng Phan Văn Chinh đề nghị Sở Công Thương tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời phối hợp công tác chặt chẽ với Cục Xuất nhập khẩu và các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương trong thời gian tới để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Chính phủ, Bộ Công Thương giao.

Trước đó, ngày 24/2, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng đã có công văn số 1182 gửi Bộ Giao thông vận tải về việc hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân tháo gỡ khó khăn, giải tỏa ách tắc trong hoạt động thương mại trước tình hình dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, Bộ Công thương đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai các công tác đảm bảo chống dịch ở các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, cảng biển theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới; phân luồng, phân tuyến tại đường bộ nhằm tạo điều kiện cho hàng hóa nông sản lưu thông, điều tiết tiến độ vận chuyển, giao hàng; có các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí vận tải, dịch vụ vận chuyển hàng hóa, giảm phí dịch vụ tại cảng để giảm chi phí lưu thông hàng hóa, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp logistics.
ĐÔNG SƠN (tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Gỡ khó cho hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu