Gian nan cuộc chiến chống buôn lậu qua đường hàng không

(BKTO) - Năm 2018, lực lượng hải quan đã phát hiện, xử lý nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng quốc cấm qua đường hàng không. Tuy nhiên, tình hình buôn lậu hàng hóa qua tuyến đường này vẫn rất nóng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.



Phát hiện nhiều vụ buôn lậuhàng cấm, hàng có giá trị cao

Theo thông tin từ cơ quan hải quan, hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm tiếp tục diễn biến phức tạp cả trên địa bàn cửa khẩu đường biển, đường bộ và đường hàng không với thủ đoạn tinh vi. Lực lượng hải quan đã chủ động phát hiện, xử lý nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng quốc cấm như các chất ma túy, sản phẩm động vật hoang dã (ngà voi, vẩy tê tê, sừng tê giác) với số lượng lớn...

Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết: Đến tháng 10/2018, số vụ việc do cơ quan hải quan phát hiện bắt giữ qua đường hàng không giảm 10 vụ so với năm trước. Mặc dù vậy, tình hình buôn lậu hàng hóa qua tuyến đường này vẫn nóng, đặc biệt là sản phẩm động vật hoang dã với số lượng lớn. Các đối tượng vận chuyển nhóm hàng này đã sử dụng những thủ đoạn buôn lậu mới, liều lĩnh, táo tợn hơn trước. Những lô hàng này khi gửi về Việt Nam được khai báo hải quan rất chung chung, mập mờ; hoặc chỉ khai là hàng tạp hóa, nếu bị phát hiện, chủ hàng bên phía Việt Nam sẽ từ chối nhận, coi như hàng gửi sai địa chỉ.

Ngày càng có nhiều vụ buôn lậu hàng hóa với giá trị cao bị phát hiện, đặc biệt là tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2018, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã triệt phá 42 lô hàng trong đường dây vận chuyển trái phép cần sa từ Mỹ về Việt Nam với tổng trọng lượng lên đến gần 57 kg. Ngày 12/7/2018, Chi cục này tiếp tục phát hiện, bắt giữ 7,26 kg sừng tê giác. Đến ngày 05/9, Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam đã chủ trì, phối hợp với Công an cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất bắt giữ 64 kg tổ yến và mảnh vụn của tổ yến chưa xử lý của hành khách nhập cảnh trên chuyến bay từ Indonesia. Ngày 03 và 04/10 vừa qua, khi làm thủ tục cho lô hàng quà biếu nhập khẩu, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát hiện 2 kiện hàng chứa thảo mộc có chất ma túy. Tang vật gồm 1.398,42 gram lá hoa cần sa.

Tại Hà Nội, ngày 21/9/2018, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài đã phát hiện lô hàng thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu. Hàng vi phạm gồm: 63 chiếc ngà voi, 996 chiếc vòng ngà voi và 72 kg hạt tròn ngà voi các loại. Tổng trọng lượng tịnh là 193 kg. Ngày 12/10, Cục Hải quan Hà Nội chủ trì, phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu kiểm tra kho hàng của Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài, phát hiện, bắt giữ một lô hàng có chứa 33,85 kg sừng tê giác và sản phẩm từ sừng tê giác.

Không chỉ hàng quốc cấm, gần đây, các đối tượng buôn lậu còn liều lĩnh vận chuyển về Việt Nam những lô hàng có trị giá cao. Ngày 25/9, Chi cục Hải quan quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát hiện, bắt giữ lô hàng hơn 250 chiếc điện thoại Iphone đời mới (Iphone Xs) trị giá ước tính 6,5 tỷ đồng, được vận chuyển trái phép từ Mỹ về Việt Nam. Sau đó, ngày 15/10, lực lượng hải quan đã bắt giữ 1.157 chiếc Iphone các loại tại sân bay Nội Bài…

Cuộc chiến chống buôn lậuvẫn gian nan, gay cấn

Ông Nguyễn Khánh Quang - Phó cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan - cho biết: Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện, bắt giữ các vụ vận chuyển hàng cấm và hàng có giá trị cao qua đường hàng không nên số vụ buôn lậu qua tuyến đường này không gia tăng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tình hình buôn lậu ở đây đã giảm nhiệt. Hơn nữa, do đặc trưng của một điểm kết nối giao thương hàng hóa quan trọng trong khu vực, Việt Nam cũng dễ trở thành nơi trung chuyển hàng cấm. Thủ đoạn buôn lậu qua đường hàng không thường rất đa dạng, tinh vi, khiến cho cơ quan chức năng rất khó phát hiện, bắt giữ và xử lý vụ việc đến cùng.

Theo quy luật, vào thời gian cuối năm, nhu cầu tiêu dùng của những quốc gia có tết cổ truyền như Việt Nam sẽ tăng rất cao, trong đó bao gồm cả việc tiêu thụ những mặt hàng cấm. Thực tế này khiến cho tình hình buôn bán động vật hoang dã, vận chuyển ma túy càng gia tăng và phức tạp. Bất chấp sự kiểm soát gắt gao từ lực lượng chức năng, các cửa khẩu đường hàng không vẫn luôn là điểm “nóng” của các vụ buôn hàng cấm.

Đối với mặt hàng ma túy, trước đây, khi vận chuyển, các đối tượng thường cho vào bao cao su, nuốt vào bụng, thấm vào chăn, ga gối, pha trộn vào mỹ phẩm, thực phẩm, thậm chí là trộn vào mắm tôm,… Nếu bị bắt, vụ việc có thể sẽ làm vỡ cả một đường dây. Thế nhưng, thủ đoạn buôn hàng cấm này hiện đã thay đổi rất nhiều. Các đối tượng đã tìm cách cho hàng đi riêng, phân công người theo dõi và đón nhận lô hàng ở một cự ly an toàn. Khi có dấu hiệu bị phát hiện, đối tượng sẽ bỏ hàng để thoát thân…

Để kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả tình hình buôn lậu qua đường hàng không, theo ông Quang, các lực lượng chức năng phải nâng cao khả năng nghiệp vụ, đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật soi chiếu, giám sát hiện đại. Điều quan trọng hơn là cần phải tăng cường sự hợp tác giữa các quốc gia đang “nóng” về vấn nạn buôn hàng cấm. Đồng thời, ngành hải quan cũng cần thông báo kịp thời về các phương thức, thủ đoạn và các diễn biến mới của tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới với cơ quan công an, cơ quan quản lý thị trường để phối hợp, ngăn chặn, xử lý. Ngoài ra, ngành hải quan nên đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người khai hải quan, tăng cường đào tạo nghiệp vụ điều tra cho đội ngũ cán bộ làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.

MINH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 45 ra ngày 08-11-2018
Cùng chuyên mục
  • Việt Nam còn nhiều dư địa để cải cách môi trường kinh doanh
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Tại Hội thảo “Môi trường kinh doanh Việt Nam: Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 19” vừa diễn ra tại Hà Nội, nhiều đại biểu nhận định, khoảng cách về môi trường kinh doanh của Việt Nam so với các nước ASEAN-4 đã được thu hẹp nhưng vẫn chậm. Hiện chỉ có duy nhất Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam cao hơn ASEAN-4, còn các chỉ số khác đều thấp hơn.
  • 30 năm vận hành công trình thế kỷ Thủy điện Hòa Bình
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Ngày 09/11, Công ty Thủy điện Hòa Bình đã tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập và phát triển, ghi dấu một chặng đường nhiều gian lao, thử thách để đưa Thủy điện Hòa Bình trở thành một trong những công trình thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
  • Trình tự, thủ tục chuyển giao doanh nghiệp về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định ban hành Quy chế về trình tự, thủ tục, hồ sơ chuyển giao quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
  • Gánh nặng kinh tế và sức khỏe từ sử dụng rượu, bia
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Sản lượng tiêu thụ bia tăng từ 2,8 tỷ lít năm 2012 lên hơn 4 tỷ lít năm 2017. Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 3 châu Á, chỉ sau Nhật Bản, Trung Quốc, dù mức thu nhập chỉ đứng thứ 8 Đông Nam Á
  • Tiêu thụ điện tăng, EVN vẫn đáp ứng nhu cầu
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa cho biết, 10 tháng đầu năm 2018, sản lượng toàn hệ thống của EVN đạt 182,6 tỷ kWh, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng điện thương phẩm đạt 159,3 tỷ kWh, tăng 9,78% so cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng điện thương phẩm nội địa tăng 9,87%.
Gian nan cuộc chiến chống buôn lậu qua đường hàng không