Giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Các tiêu chí ưu đãi liệu có phù hợp?

(BKTO) - Trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập DN hỗ trợ, phát triển DN nhỏ và vừa (DNNVV), Bộ Tài chính đã căn cứ vào tiêu chí doanh thu và số lượng lao động của DN để giảm thuế. Tuy nhiên, việc dựa trên những tiêu chí này lại chưa nhận được sự đồng tình của các chuyên gia.



Ngân sách nhà nước có thể giảm thu khoảng 9.200 tỷ đồng/năm

Theo Dự thảo Nghị quyết trên, Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thuế suất này theo doanh thu hằng năm và quy mô lao động của DN. Cụ thể, miễn thuế thu nhập DN trong 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với DN thành lập mới từ hộ, cá nhân kinh doanh. Áp dụng thuế suất 15% đối với DN có tổng doanh thu dưới 3 tỷ đồng/năm và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người. Áp dụng thuế suất 17% đối với DN có tổng doanh thu từ 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng/năm và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người. Dự thảo Nghị quyết này cũng bao gồm việc ưu đãi thuế cho các DN startup.

Bộ Tài chính cho biết, mục đích của Dự thảo Nghị quyết là nhằm thúc đẩy DN mở rộng sản xuất, đặc biệt là khuyến khích các hộ, cá nhân kinh doanh chuyển sang hoạt động theo mô hình DN để góp phần thực hiện mục tiêu cả nước có 1 triệu DN vào năm 2020. Việc xác định đối tượng DN để đề xuất giải pháp hỗ trợ dựa trên nguyên tắc: hỗ trợ đúng, trúng đối tượng, tránh tình trạng ưu đãi dàn trải, làm giảm hiệu quả của chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhằm đạt được lợi ích kinh tế - xã hội cao nhất nhưng không làm ảnh hưởng lớn đến thu NSNN. Việc đề xuất giảm thuế suất thuế thu nhập DN xuống mức 15% - 17% bằng với mức thuế suất ưu đãi áp dụng cho các dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, lĩnh vực chế biến nông sản, thủy sản được kỳ vọng sẽ khuyến khích được DNNVV.

Cũng theo số liệu của Bộ Tài chính, cả nước hiện có hơn 600.000 DN, trong đó, khối kinh tế tư nhân chiếm gần 500.000 DN với hơn 96% là DN nhỏ và siêu nhỏ, 2% DN quy mô vừa và 2% DN lớn. Khối kinh tế tư nhân đã tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm, đóng góp hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội mỗi năm. Hiện nay, DNNVV đang áp dụng mức thuế suất 20% như đối với DN nói chung.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, những đề xuất nêu trên có thể làm giảm thu NSNN khoảng 9.200 tỷ đồng/năm. Trong đó giải pháp giảm thuế suất cho DN nhỏ và siêu nhỏ giảm khoảng 6.500 tỷ đồng và giải pháp miễn thuế trong vòng 2 năm đối với DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh khoảng 2.722 tỷ đồng/năm. Việc giảm nghĩa vụ này trong ngắn hạn sẽ gây áp lực lên cân đối NSNN nhưng về dài hạn sẽ tạo điều kiện để DN nhỏ và siêu nhỏ tăng tích tụ, tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu từ thuế thu nhập DN cho NSNN vào những năm sau. Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế, tăng cường kiểm tra chống thất thu thuế.

Nên ưu đãi thuế cho DNNVV theo tiêu chí nào?

Một điểm đáng chú ý tại Dự thảo Nghị quyết nêu trên, đó là Bộ Tài chính đã căn cứ vào tiêu chí doanh thu và số lượng lao động của DN để giảm thuế mà không xét đến các tiêu chí khác giống như tiêu chí phân chia đối tượng DN trong Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017 (bao gồm cả tổng doanh thu, số lượng lao động, số vốn cũng như ngành nghề, lĩnh vực).

Tại cuộc họp báo chuyên đề do Bộ Tài chính mới tổ chức, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) - cho biết: Theo Nghị định số 39/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Hỗ trợ DNNVV, các DNNVV gồm nhiều tiêu chí như: tổng doanh thu, người lao động, vốn ngành nghề, lĩnh vực hoạt động… Tuy nhiên, việc sử dụng tiêu chí vốn hay phân biệt theo lĩnh vực, ngành nghề làm cơ sở xác định đối tượng DN được ưu đãi thuế sẽ rất bất cập. Hiện nay, DN có xu thế sản xuất, kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực nên tổng số vốn ghi trên bảng thống kê tài sản bao gồm cả vốn đăng ký và vốn vay không phản ánh đúng quy mô hoạt động của DN. Nói cách khác, số vốn đăng ký kinh doanh của DN khác biệt rất lớn với số vốn DN đầu tư vào sản xuất kinh doanh nên con số đó không có nhiều ý nghĩa đối với công tác quản lý của Nhà nước. Vì vậy, việc sử dụng nhiều tiêu chí khác nhau theo từng ngành nghề, lĩnh vực ưu đãi sẽ gây khó khăn cho cả việc thực hiện của DN cũng như công tác quản lý của cơ quan thuế. Trong khi đó, việc sử dụng tiêu chí doanh thu có ưu điểm là phản ánh thực chất tình hình sản xuất kinh doanh của DN và phù hợp với kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh đó, Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn cho DNNVV do Quốc hội ban hành cũng đã căn cứ trên tiêu chí doanh thu và lao động.

Không hoàn toàn đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, nếu ưu đãi thuế cho DNNVV mà chỉ dựa vào hai tiêu chí doanh thu và lao động là chưa đủ, do đó, cơ quan hữu quan cần xét cả lĩnh vực hoạt động, vùng miền hoạt động để có chính sách thúc đẩy phát triển cho từng ngành nghề, từng giai đoạn của nền kinh tế. Hơn nữa, cơ quan quản lý cần tránh ưu đãi tràn lan, chú trọng kiểm soát việc thực hiện các tiêu chí giảm thuế, tránh hiện tượng lợi dụng chính sách, gây thất thu cho NSNN.

PGS,TS. Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính - cho rằng: DNNVV chiếm số lượng rất lớn và có đóng góp tương ứng cho nền kinh tế nhưng còn gặp nhiều bất lợi trong hoạt động kinh doanh. Việc thúc đẩy DNNVV phát triển bằng cách áp dụng mức thuế suất thấp hơn mức phổ thông là phù hợp và có ý nghĩa rất quan trọng cho nền kinh tế. Để đơn giản cho việc thực thi thì cơ quan quản lý có thể áp dụng 1 mức thuế suất 17% cho DNNVV nhưng cũng có thể chia nhỏ hơn, đó là DN vừa nên áp dụng mức thuế 17% còn DN nhỏ và siêu nhỏ nên áp dụng mức thuế suất 15%.

THÙY ANH
Theo Báo Kiểm toán số 16 ra ngày 18-4-2019
Cùng chuyên mục
Giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Các tiêu chí ưu đãi liệu có phù hợp?