Giá dầu thế giới giảm, PVN cân nhắc tăng dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng dầu

(BKTO)- Dưới tác động của dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu, nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, ngành dầu khí cũng không phải là ngoại lệ. Vậy với ngành dầu khí Việt Nam, giải pháp ứng phó nào là phù hợp trong bối cảnh này?



                
   

Hoạt động thăm dò khai thác dầu khí bị ảnh hưởng. Nguồn: PVN

   

Theo các chuyên gia, thiệt hại về kinh tế của hoạt động khai thác dầu khí là rõ ràng, những lợi điểm từ nhập khẩu xăng dầu giá thấp không thể bù đắp. Trong khi quốc gia xuất khẩu dầu lớn như Mỹ còn tính đến phương án tăng cường nhập khẩu dầu thô giá thấp để dự trữ thì Việt Nam càng cần cân nhắc bài toán duy trì sản lượng.

Ông Lê Mạnh Hùng- Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)

Đây là một trong những thời điểm khó khăn nhất của Tập đoàn trong lịch sử. Chính vì vậy, Tập đoàn cùng các đơn vị thành viên một mặt phải nỗ lực “chèo lái qua giông bão”, một mặt biết cách chắt lọc cơ hội trong nguy cơ để có thể vực lại tình hình sản xuất kinh doanh một cách nhanh nhất, đạt hiệu quả cao nhất.

Để ứng phó với tác động kép - dịch bệnh Covid-19 và giá dầu giảm sâu, PVN và các đơn vị đang khẩn trương thực hiện những giải pháp nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động trong cả chuỗi giá trị của Tập đoàn; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm tháo gỡ thị trường, tối ưu nguồn lực của các bên để cùng cộng sinh vượt qua khó khăn.
                
   

Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng

   

PVN và các đơn vị cũng đưa ra các kịch bản đối phó với từng tình huống giá dầu xuống thấp nhất, thậm chí là kịch bản xấu nhất như buộc phải dừng hoạt động các mỏ, nhà máy lọc dầu...

Đồng thời, PVN đang xem xét phương án mua dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng dầu nhằm tranh thủ cơ hội giá dầu chạm đáy làm động lực tăng trưởng khi thị trường ấm trở lại. Cách làm này vừa gia tăng dự trữ dầu thô cho đất nước, củng cố vấn đề an ninh năng lượng khi đây luôn là mặt hàng chiến lược trong các mối tương quan chính trị khu vực và thế giới, vừa giúp ngân sách tiết kiệm một khoản ngoại tệ không nhỏ khi phải nhập khẩu dầu lúc giá dầu lên cao và tránh lãng phí tài nguyên.

PVN và các đơn vị đang nỗ lực, chủ động trong việc ứng phó với khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh sự chủ động nắm bắt tình hình, triển khai đồng bộ các giải pháp của PVN thì cũng rất cần có cơ chế đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời nắm bắt cơ hội để vượt qua thách thức.

Đồng thời, Bộ Tài chính cần rà soát lại các chính sách thuế, phí đối với lĩnh dầu khí để kịp thời có những đề xuất, kiến nghị tháo gỡ kịp thời cho PVN và các đơn vị thành viên, như vấn đề thuế VAT đối với mặt hàng phân Ure, thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng với hoạt động khai thác dầu khí, cơ chế tài chính cho Quỹ tìm kiếm thăm dò cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí...

TS Lê Đăng Doanh - Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế của thế giới đang bị đình trệ, nhu cầu về dầu giảm sút mạnh khiến giá dầu giảm thê thảm. Điều này không bình thường bởi giá dầu như vậy chỉ có lợi cho những nước sản xuất dầu với chi phí rẻ như ở Trung Đông.

Tôi nghĩ, giá dầu sẽ xuống thấp và giữ ở mức như vậy một thời gian nhưng sau đó có thể sẽ hồi phục. Trong tình hình đó, không có cách gì khác là PVN phải cắt giảm chi phí và sản xuất ở một mức độ có thể vừa đáp ứng được nhu cầu vừa giảm tối thiểu được số lỗ.
                
   

TS.Lê Đăng Doanh

   

Việc PVN xem xét phương án mua dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng dầu nhằm tranh thủ cơ hội giá dầu chạm đáy làm động lực tăng trưởng khi thị trường ấm trở lại cũng là một phương án rất hợp lý bởi vì chúng ta có thể tận dụng tình hình giá dầu thô đang giảm như hiện nay để mua về chế biến, khi giá dầu tăng lên chúng ta có thể bán ra thị trường, đó cũng là cách tránh được lỗ và có thể có lãi để bù lỗ cho sản xuất.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, biến động của thị trường rất khó lường vì vậy cần phải dự đoán chính xác để tránh thua lỗ. Ví dụ như hiện nay, giá vàng lên xuống thất thường, nhiều người mua vàng để dự trữ thì có người lãi đậm nhưng có người thua lỗ lớn. PVN muốn làm được điều này nên tìm những chuyên gia có kinh nghiệm và trình độ đánh giá thị trường để được tư vấn cụ thể, từ đó có thể quyết nhanh, thực hiện nhanh, không nên để kéo dài do dự.

Cũng cần phải tính đến kịch bản xấu nhất như buộc phải dừng hoạt động các mỏ, nhà máy lọc dầu. Đây là tình thế bất khả kháng, nếu cần thiết vẫn phải làm. Thực tế trên thế giới cũng như trong nước nhiều doanh nghiệp, ngành hàng cũng đã phải đối mặt với tình thế xấu nhất khi tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp.

Mong rằng PVN với vai trò là trụ cột của nền kinh tế của nước ta sẽ có những giải pháp đúng đắn và sáng suốt để vượt qua được khó khăn lớn lúc này.

PGS.TS Ngô Trí Long nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)

Hiện trên sàn chứng khoán các mã công ty dầu khí, giá trị cổ phiếu giảm rất mạnh không chỉ nước ta mà cả trên thế giới.

Trong bối cảnh này, theo tôi, ngành dầu khí phải xem xét lại kế hoạch tăng sản lượng dầu khí từ đầu năm, bởi trong bối cảnh giá dầu giảm như vậy thì tăng sản lượng sẽ bị lỗ nên những mỏ dầu nào có chi phí giá thành khai thác quá cao thì nên tạm thời dừng lại.
                
   

PGS,TS.Ngô Trí Long

   

Việc nhập trở lại dầu thô khi giá dầu thế giới giảm cũng cần được xem là một trong những giải pháp. Tuy nhiên, cần phải đánh giá một cách cụ thể hơn về tiềm lực tài chính cũng như đánh giá về những nguy cơ.

Bởi nếu nhập dầu về dự trữ thì kho đủ khả năng dự trữ đến đâu, đặc biệt thời gian giảm giá dầu sẽ kéo dài trong bao lâu, nếu nhập về giá vẫn tiếp tục giảm sâu, kéo dài thì rất nguy hiểm. Đây là bài toán kinh tế vì thế phải tính toán hết sức cụ thể, chi tiết.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Việc giá dầu xuống thấp chỉ là trong ngắn hạn, nếu PVN có thể giải phóng được nguồn lực, tranh thủ nắm bắt cơ hội, mở rộng phạm vi và quy mô đầu tư thì sẽ rất tốt cho nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 đang rất khó khăn.
                
   

Ông Nguyễn Đức Kiên

   

Tôi thống nhất và ủng hộ quan điểm của lãnh đạo PVN là đẩy nhanh việc hoàn thành các dự án đầu tư còn dang dở (các nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1 và Sông Hậu 1); tạo cơ chế để tăng dự trữ dầu thô.../.
PHÚC KHANG
Cùng chuyên mục
  • Giá dầu giảm "sốc", doanh nghiệp dầu khí lo lắng
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Ngày 18/3/2020, giá dầu Brent giảm “sốc”, chỉ còn dao động quanh mốc 24-25 USD/thùng. Với tốc độ giảm 7-8%/ngày như hiện nay, giá dầu thô thế giới có nguy cơ giảm xuống mức dưới 20USD/thùng trong những ngày tới.
  • VN-Index rơi xuống thấp nhất trong hơn 3 năm qua
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Áp lực bán gia tăng trong phiên chiều 20/3, đặc biệt trong đợt khớp ATC đã khiến bộ ba nhà Vingroup lần lượt nằm sàn và đẩy VN-Index về mức thấp nhất trong hơn 3 năm khi để thủng mốc 710 điểm.
  • Bảo đảm cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), trong đó, đề xuất cụ thể về tư cách hợp lệ của nhà đầu tư dự án PPP, đảm bảo cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư và quy định bảo đảm dự thầu từ 0,5% đến 1,5% tổng mức đầu tư dự án.
  • Nâng cao "sức khỏe" của DN trước đại dịch
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Dưới tác động của đại dịch Covid-19, nhiều DN đã phải thu hẹp sản xuất hoặc tạm ngừng hoạt động. Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, các DN đang chủ động, nỗ lực tìm giải pháp khắc phục và tự nâng cao “sức khỏe” trước đại dịch.
  • Đến 15/3, Việt Nam xuất khẩu đạt trên 50,3 tỷ USD
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Theo thống kê, từ đầu năm đến 15/3, tổng kim ngạch xuất khẩu nước ta đạt 50,3 tỷ USD, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ 2019; nhập khẩu đạt hơn 47,55 tỷ USD, tăng gần 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, từ đầu năm đến nay, nước ta đang xuất siêu trên 2,7 tỷ USD.
Giá dầu thế giới giảm, PVN cân nhắc tăng dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng dầu