EVFTA và RCEP: Ngành da giày Việt Nam cần liên kết vươn ra 'biển' lớn

(BKTO) - Việt Nam sẽ là quốc gia cung cấp sản phẩm thời trang quan trọng cho các thương hiệu thời trang trên thế giới, các doanh nghiệp da giày Việt Nam cần liên kết lại để tận dụng, đón bắt cơ hội này.




Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA là cơ hội lớn cho cho ngành da giày của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU. (Ảnh: TTXVN)

Cũng như nhiều ngành hàng khác, chịu tác động từ COVID-19 khiến cho sản xuất da giày rơi vào tình trạng khó khăn.

Song nhờ vào việc kiểm soát dịch bệnh tốt tại Việt Nam và ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ngành da giày đang dần khôi phục, có những chuyển biến tích cực.

Tín hiệu phục hồi

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, tính chung 11 tháng qua, sản lượng giày dép da ước đạt 265,6 triệu đôi, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất da và các sản phẩm có liên quan cũng giảm 2,5% so với cùng kỳ. Sản xuất của ngành da giày chịu ảnh hưởng lớn do tác động của dịch COVID-19.

Từ nay đến cuối năm, dự báo đầu ra của ngành da giày sẽ tiếp tục gặp khó, bởi phụ thuộc nhiều vào khả năng khống chế dịch của Mỹ và châu Âu.

Tuy nhiên ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, sau hơn 4 tháng thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), giày dép là mặt hàng nằm trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển biến tích cực về xuất khẩu.

Tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại tháng 11 ước đạt 1,4 tỷ USD, tăng 0,1% so với tháng trước. Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu ngành này ước đạt 14,93 tỷ USD, giảm 9,8% so với cùng kỳ.

Hiệp định EVFTA, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vừa được ký kết sẽ là động lực lớn cho tăng trưởng của ngành giày dép, túi xách trong năm 2021.

Trên thực tế, như nhiều ngành hàng, từ đầu năm đến thời gian tháng Tám-Chín là thời gian khó khăn đối với mặt hàng da giày khi đơn hàng không có, xuất khẩu liên tục sụt giảm do tác động của dịch COVID-19, phong tỏa tại các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu...

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam, bà Phan Thị Thanh Xuân, khủng hoảng toàn cầu do dịch bệnh khiến cho nhiều doanh nghiệp trong ngành rơi vào tình trạng không có đầu ra, không ký kết được đơn hàng mới.

Các thị trường truyền thống tiêu thụ giày, dép của Việt Nam như Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản... đều gồng mình chống dịch, do đó nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm này bị sụt giảm nghiêm trọng. Có những thị trường đã giảm tới 90%.

Những tác động này khiến cho mục tiêu sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành không thể đạt như kỳ vọng đặt ra trước đó.

Song, bà Phan Thị Thanh Xuân cho hay, các đơn hàng đã bắt đầu quay trở lại, dù còn khá “nhỏ giọt” do các nước nhập khẩu còn e ngại dịch bệnh COVID-19 và nghe ngóng thông tin từ thị trường.

Trong thời gian tới, nhờ EVFTA và RCEP, ngành da giày sẽ có thêm động lực để tăng trưởng trở lại trong năm 2021.

Các hiệp định này sẽ tạo ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Hiện nay, các doanh nghiệp đang triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh để đáp ứng các đơn hàng đến cuối năm 2020 và chuẩn bị cho năm 2021.

Chia sẻ về kỳ vọng của đơn vị, ông Trần Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Sản xuất Thương mại và Giày da An Thịnh cho hay, mặc dù các đơn hàng trong năm vừa qua sụt giảm, nhưng đơn vị kỳ vọng vào sự bứt phá trong năm 2021, nhờ sự khống chế tốt hơn dịch bệnh trên toàn cầu.

Cùng với đó, Việt Nam đã tham gia hội nhập sâu hơn vào các khối, nền kinh tế, giúp tạo nhiều lợi thế cho ngành hàng xuất khẩu.

Hiện tại, An Thịnh đã có đơn hàng cho tới tháng 2/2021 và trong những tháng cuối năm, công ty có thêm nguồn nguyên vật liệu, đủ phục vụ sản xuất đảm bảo tiến độ các đơn hàng cho phía đối tác.

Dự kiến năm nay, An Thịnh có thể hoàn thành khoảng 90% kế hoạch kinh doanh đề ra, ông Ngọc Anh cho biết thêm.

Cùng nhau vượt khó

Thông tin từ Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam cho hay, Việt Nam vẫn sẽ là quốc gia cung cấp sản phẩm thời trang quan trọng cho các thương hiệu thời trang trên thế giới.

Khảo sát cho hay, thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp nước ngoài khẳng định sẽ tăng mua hàng từ Việt Nam.

Đây là một thông tin tích cực cho ngành da giày trong nước. Tuy nhiên, liệu ngành da giày có thể đón bắt được cơ hội này hay không?
Ngành da giày sẽ có thêm động lực để tăng trưởng trở lại trong năm 2021. (Ảnh: TTXVN)
Với hơn 1.700 doanh nghiệp, khả năng cung ứng sản phẩm da giày, túi xách của Việt Nam là rất lớn, với hơn 1,1 tỷ đôi giày, gần 400 triệu balô, túi xách hàng năm. Nhưng thực tế, sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành này chưa thực sự chặt chẽ.

Nhiều doanh nghiệp lo ngại, với RCEP, ngoài tác động tích cực từ việc có lợi thế trong xuất khẩu thì các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ gặp khó.

Bởi lẽ, các sản phẩm nguyên phụ liệu cho sản xuất từ Trung Quốc với ưu đãi thuế sẽ vào Việt Nam nhiều hơn, cạnh tranh mạnh mẽ hơn với các doanh nghiệp, sản phẩm trong nước.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, để tiếp cận và hưởng thuế ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, hay RCEP mới đây, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam phải ngồi lại với nhau, liên kết cùng vượt khó.

Hiện nay, các doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và vừa, vốn, kỹ thuật và công nghệ đều còn yếu, chưa chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất. Do vậy, để xây dựng thành công chuỗi sản xuất, chủ động trong cung ứng nguyên phụ liệu, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết với nhau, tạo thành chuỗi sản xuất, từ đế, gót, đinh, sườn giày, đến sản xuất da, chỉ may...

Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp - Cục Công nghiệp thông tin, hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ yếu thực hiện các công đoạn gia công, với nguồn vốn, công nghệ, năng lực sản xuất hạn chế, nên rất khó nhận các đơn hàng từ nước ngoài.

Vì vậy, bản thân các doanh nghiệp nhỏ phải liên kết lại, để có nguồn sức mạnh tổng hợp, thực hiện chuyển đổi sản xuất, số hóa nhanh hơn. Từ đó, dễ dàng đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn khách hàng đưa ra.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đang xuất khẩu vào châu Âu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do vậy, ngoài viêc hạn chế về năng lực, sản xuất thì còn yếu trong nắm bắt các tiêu chuẩn, quy trình sản xuất của châu Âu, Hoa Kỳ..., kỹ năng đàm phán cũng chưa thực sự chuyên nghiệp.

Vì vậy, ông Hải cho rằng, trong thời gian tới, một trong những việc các doanh nghiệp Việt Nam cần làm ngay là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Cùng với đó là đồng hành để giảm thiểu các chi phí không cần thiết trong sản xuất, chủ động hơn trong nguồn cung hàng.../.
Theovietnamplus.vn
Cùng chuyên mục
EVFTA và RCEP: Ngành da giày Việt Nam cần liên kết vươn ra 'biển' lớn