Đưa nông sản Việt ra thị trường thế giới

(BKTO) - Sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, dẫn tới phần lớn sản phẩm xuất khẩu thô, thiếu thương hiệu. Vì thế, DN nông nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao giá trị nông sản Việt. Tuy nhiên, để DN thực sự mặn mà với “mảnh đất” vốn được nhận định dễ gặp nhiều rủi ro này, mấu chốt là phải giải quyết được các nút thắt chính sách.



Xuất khẩu nông sảntrước sức ép cạnh tranhvà xây dựng thương hiệu...

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Ngô Chung Khanh cho biết, Việt Nam đã đàm phán 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 10 FTA đang thực thi tạo ra một khu vực thị trường rộng lớn cho hàng hóa nông sản của Việt Nam.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc xuất khẩu nông sản Việt cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết, đó là việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ tăng sức ép cạnh tranh cho nhà sản xuất trong nước, không chỉ về giá mà còn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác, xuất khẩu nông sản cũng gặp thách thức trong việc đáp ứng nguồn gốc xuất xứ để bảo đảm quyền lợi hưởng ưu đãi và các quy định của thị trường nhập khẩu.

Báo cáo của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cho thấy, một số mặt hàng nông - lâm - thủy sản của Việt Nam có tỷ trọng về giá trị xuất khẩu và vị trí rất cao trên thế giới. Tuy nhiên, thứ hạng về giá xuất khẩu rất thấp. Đơn cử, hồ tiêu xếp số 1 thế giới nhưng giá xuất khẩu chỉ đứng thứ 8, hạt điều xếp số 1 nhưng giá đứng thứ 6, gạo và cà phê xếp số 2 và 3 nhưng giá chỉ đứng thứ 10. Nguyên nhân là do trên 50% nông sản đang được xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô.

Hơn nữa, tuy là một trong những nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản nhưng có đến hơn 80% lượng nông sản của Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác… Đây là bất lợi lớn, làm giảm sức cạnh tranh của các loại nông sản trên thị trường, gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp. Theo số liệu thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), trong hơn 90.000 thương hiệu hàng hóa được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, mới có khoảng 15% là của các DN trong nước; có đến hơn 80% hàng nông sản được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Do chưa có thương hiệu nên khi xuất khẩu ra các thị trường lớn, sức cạnh tranh của nhiều loại nông sản rất kém.

Cần triển khai hiệu quả chính sách khuyến khích doanh nghiệp

DN nông nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với việc nâng cao giá trị nông sản Việt. Tuy nhiên, để DN thực sự mặn mà với “mảnh đất” vốn được nhận định dễ gặp nhiều rủi ro này, mấu chốt là phải giải quyết được các nút thắt chính sách. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đinh Ngọc Minh, hiện nay, hệ thống chính sách khuyến khích đầu tư nông nghiệp, nông thôn còn chưa đồng bộ, hiệu quả. Các nghị định liên quan đến cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa được triển khai mạnh mẽ vì bị hạn chế bởi các luật chuyên ngành và thiếu hụt nguồn lực.

Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) Trần Thị Thanh Tâm cho biết, khó khăn lớn nhất mà các DN nông nghiệp gặp phải là việc tìm kiếm khách hàng (chiếm 55%), tiếp đến là các khó khăn như: tìm kiếm nguồn vốn (chiếm 51%), biến động thị trường (chiếm 40%), tìm đối tác hợp tác kinh doanh (31%), tìm nhân sự phù hợp (28%), biến động chính sách, pháp luật (27%), tìm kiếm nhà cung cấp (23%).

Để tăng cường hỗ trợ tiếp cận thị trường cho DN nông nghiệp, bà Trần Thị Thanh Tâm đề xuất, Chính phủ cần tăng cường đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống thông tin về thị trường nông sản trên thế giới, tập trung xây dựng hồ sơ về một số thị trường xuất khẩu nông sản chính của Việt Nam làm cơ sở tiến hành xây dựng hồ sơ về các thị trường tiếp theo để phục vụ cho DN Việt Nam sản xuất và xuất - nhập khẩu hàng nông sản phù hợp, tránh thiệt hại và giảm những rủi ro không đáng có. Bên cạnh đó, hỗ trợ và nâng cao năng lực cho DN lớn dẫn dắt chuỗi giá trị nông nghiệp và hiệp hội ngành hàng trong việc cung cấp thông tin thị trường, nhu cầu, giá cả, kế hoạch sản xuất tránh tình trạng “được mùa mất giá” như hiện nay. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường nước ngoài, tham gia các hội chợ triển lãm tại các nước, ưu tiên những thị trường có kim ngạch xuất khẩu cao, đẩy mạnh đàm phán mở cửa thị trường đối với một số sản phẩm có thế mạnh vào các thị trường trọng điểm.

Trong khi đó, để DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn đầu tư, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Nguyễn Đình Cung cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần phối hợp với Bộ NN&PTNT bố trí tăng nguồn vốn, cắt giảm một số thủ tục nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các DN tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, chủ lực là các ngân hàng thương mại nhà nước dành ít nhất 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng để thực hiện chương trình cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp, thấp hơn lãi suất thị trường.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 49 ra ngày 06-12-2018
Cùng chuyên mục
  • Tận dụng cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2018 với chủ đề “Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu” diễn ra ngày 04/12, tại Hà Nội, các đại biểu đã nêu bật những cơ hội, đồng thời chỉ ra nhiều thách thức phải ứng phó khi thương mại toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ. Cùng với những giải pháp yêu cầu sự nỗ lực của chính cộng đồng DN, vai trò quan trọng của Chính phủ trong việc cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi tiếp tục được khẳng định tại Diễn đàn.
  • ADB phê duyệt khoản vay 45 triệu USD hỗ trợ phát triển du lịch
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Ngày 10/12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết đã phê duyệt khoản vay trị giá 45 triệu USD để giúp Việt Nam chuyển đổi các thành phố đô thị loại hai thành các điểm đến du lịch có tính cạnh tranh và phát triển đồng đều hơn về kinh tế.
  • Phát triển ngành du lịch đang gặp phải nhiều thách thức
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Năm 2020, ngành Du lịch đặt mục tiêu cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này của ngành du lịch đang vướng phải nhiều thách thức...
  • Cộng đồng doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam cũng gặp khó về nhân lực và công nghệ
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Ngày 5/12, cùng với việc công bố danh sách Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2018, Vietnam Report đồng thời chia sẻ kết quả khảo sát cộng đồng doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam được tiến hành vào tháng 11/2018, trong đó nêu bật một số vấn đề mà các doanh nghiệp cần phải có giải pháp ứng phó.
  • Vietnam Report công bố Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2018
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam đã vươn lên dành vị trí quán quân trong Bảng xếp hạng 500 DN lớn nhất Việt Nam (VNR 500) năm 2018 và vị trí dẫn đầu Bảng xếp hạng 500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2018 thuộc về Tập đoàn Vingroup - theo kết quả công bố ngày 5/12 của Vietnam Report.
Đưa nông sản Việt ra thị trường thế giới