Động lực tăng trưởng năm 2021 là công nghiệp chế biến, chế tạo

(BKTO) - Nhiều tổ chức quốc tế dự báo, trong phần lớn thời gian của năm 2021, “mây đen vẫn u ám trên bầu trời” thương mại và kinh tế toàn cầu với nhiều rủi ro tiềm ẩn. Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam cũng sẽ chưa thể đạt bứt phá mạnh mẽ như kỳ vọng.




Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm

Mục tiêu tăng trưởng năm 2021 đã được Quốc hội quyết là 6%. Tại Hội nghị của Chính phủ với các địa phương vừa qua, Thủ tướng đã yêu cầu ngay từ đầu năm 2021 phải bắt tay vào việc, không ngừng nghỉ, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,5% hoặc cao hơn, đồng thời chuẩn bị các yếu tố nền tảng để tăng tốc trong giai đoạn từ 2022 trở đi.

Với bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, kinh tế toàn cầu chưa phục hồi thì đây là mục tiêu đầy thách thức.

Theo ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê, trong điều kiện bình thường, mục tiêu tăng trưởng 6% là hoàn toàn khả thi nhưng trong điều kiện hiện tại, đây sẽ là thách thức không nhỏ bởi năm 2021 là năm khởi đầu của chu kỳ 5 năm kế hoạch kinh tế - xã hội 2021-2025.

“Năm đầu tiên thông thường là năm có tính khuyến khích, thúc đẩy, làm động lực cho các năm kế hoạch tiếp sau”, ông Hùng lưu ý.

Nói về động lực tăng trưởng của năm 2021, theo ông Hùng, đó tiếp tục là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với nhiều dự án lớn đang được đầu tư, triển khai.

Ông Hùng kỳ vọng ở sự đóng góp của các ngành chế biến thực phẩm; dệt may; da giầy; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn.

Ngành xây dựng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2020 với các dự án đường cao tốc đang được triển khai và sẽ hoàn thành trong năm 2021.

Ngành sản xuất điện sẽ có đóng góp quan trọng với dự kiến tăng công suất phát điện thêm trên 6.200 MW với việc hoàn thành nhiều nhà máy điện gió và điện mặt trời tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Ông Hùng dự báo các ngành dịch vụ như bán buôn, bán lẻ; thông tin truyền thông; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ phi thị trường như y tế; giáo dục; quản lý nhà nước tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá trong năm 2021.

Các ngành dịch vụ có mức tăng trưởng âm trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 như dịch vụ lưu trú ăn uống; vận tải; du lịch… sẽ được phục hồi trong năm 2021.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế thì vẫn phải tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, không để lan ra cộng đồng. Dịch bệnh được kiểm soát tốt sẽ tạo điều kiện để cả nước tập trung phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Đồng thời, cần tận dụng thời điểm hiện tại để đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, xác định các sản phẩm đặc thù, có bản sắc Việt Nam để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả.

Bên cạnh đó, thặng dư thương mại vẫn sẽ là động lực giúp tăng trưởng nền kinh tế. Vì thế, cần tận dụng cơ hội làn sóng dịch chuyển vốn FDI vào Việt Nam (do khu vực này chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, năm 2020 ước đạt 72,3%).

Về điều hành chính sách, chính sách tiền tệ tiếp tục được điều hành chủ động, linh hoạt góp phần ổn định thị trường tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, tăng trưởng tín dụng hợp lý. Song song với đó là thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ gắn với cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công, tiếp tục cơ cấu lại danh mục nợ trong nước của Chính phủ. Giữ vững kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước.

Cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính và cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh vẫn là việc phải liên tục được thực hiện mạnh mẽ...

Thị trường trong nước cần được chú trọng phát triển. Theo đó, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch cho sản phẩm nông sản; kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu, nhất là hàng tạm nhập, tái xuất, hàng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; tăng cường nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, chủ động xây dựng các biện pháp ứng phó và khắc phục kịp thời với những biến động bất lợi trên thị trường thế giới.

“Để nền kinh tế có thể hòa nhập, không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ cần xây dựng kế hoạch, phương thức cụ thể để thu hút đầu tư nước ngoài, tập trung thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu thế giới, các nước nắm giữ công nghệ nguồn có năng lực quản trị hiện đại, năng lực cạnh tranh cao đầu tư vào Việt Nam”, ông Hùng đề nghị.

Theo Thoibaonganhang
Cùng chuyên mục
Động lực tăng trưởng năm 2021 là công nghiệp chế biến, chế tạo