Doanh nghiệp mong đợi môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng

(BKTO) - Trong năm qua, môi trường kinh doanh được Chính phủ thúc đẩy cải cách mạnh mẽ nhưng vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Số DN thành lập mới giảm mạnh, trong khi số DN giải thể, phá sản tăng quá cao. Thách thức đặt ra là phải khắc phục bằng được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong cải cách môi trường kinh doanh. Động lực của cải cách đang được các DN “tiếp lửa” bằng niềm tin vào triển vọng kinh doanh khá sáng sủa năm 2019.




Các DN vẫn lạc quan về triển vọng kinh doanh năm 2019 - Ảnh: TS

Cần cải cách khâu thực thicủa các cấp

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2018, cả nước có hơn 131.000 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là gần 1,5 triệu tỷ đồng. Số DN thành lập mới chỉ tăng 3,5% so với năm 2017 và tăng 14,1% về số vốn đăng ký. Nếu tính cả trên 2,4 triệu tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm 2018 là gần 3,9 triệu tỷ đồng. Bên cạnh đó, có 34.010 DN quay trở lại hoạt động, tăng 28,6% so với năm trước, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong năm nay lên gần 165.300 DN.

Tuy nhiên, trong năm qua, có hơn 90.000 DN tạm ngừng hoạt động, tăng 49,7% so với năm trước. Cùng với đó, số DN hoàn tất thủ tục giải thể là 16.314 DN, tăng 34,7% so với năm trước.

Nhìn nhận rõ nguy cơ số DN thành lập mới tăng rất thấp và số DN ngừng hoạt động lại tăng quá cao, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt vấn đề và yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương lý giải vì sao số lượng DN thành lập mới còn thấp, số DN tạm ngừng hoạt động tăng cao, hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN tư nhân chưa được như mong đợi. Theo Thủ tướng, chính các Bộ, ngành, địa phương phải tự hỏi nguyên nhân của tình trạng trên là vì đâu trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, Thủ tướng nêu vấn đề, phải chăng khâu thực thi của các cấp chưa hiệu quả?

Theo chia sẻ của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong năm 2018, Chính phủ đã rất nỗ lực cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành. Cùng với đó, những nỗ lực bước đầu trong việc thực hiện Chính phủ điện tử đã mang lại những hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, qua các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, các DN vẫn kiến nghị rất nhiều về việc Chính phủ cần tích cực thúc đẩy mạnh mẽ hơn các chương trình cải cách để biến những chương trình hành động trong Nghị quyết trở thành hoạt động thực tiễn hằng ngày của các cơ quan trực thuộc Chính phủ, tổ chức chính quyền địa phương nhằm khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Quyết liệt hơn đểdoanh nghiệp không gặpkhó với thủ tục hành chính

Một phần của thực tế trên đã được phản ánh rõ qua kết quả khảo sát mức độ hài lòng của DN về thực hiện thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu năm 2018. Mặc dù các chỉ số liên quan đến DN phải trả chi phí ngoài quy định đã được cải thiện đáng kể (18% DN cho biết phải trả chi phí ngoài, thay vì 28% như năm 2015; khoảng 56% DN cho biết không phải trả phí ngoài quy định, trong khi tỷ lệ này của năm 2015 chỉ là 37%), thế nhưng, các DN cho biết, khi thực hiện các thủ tục quản lý kiểm tra chuyên ngành tại các Bộ thì DN vẫn phải chi các khoản ngoài quy định. Kết quả, gần 51% DN tham gia khảo sát đã chia sẻ rằng, họ phải trả phí ngoài khi làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành với Bộ Công Thương. Tiếp đó là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 34% DN cho biết phải trả chi phí ngoài. Ngay cả đối với các Bộ được DN chia sẻ phải trả chi phí ngoài quy định thấp là Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và Bộ Thông tin & Truyền thông thì tỷ lệ vẫn lên tới 16% và 17,5% DN phải trả chi phí ngoài. Một con số đáng lưu ý nữa là tỷ lệ DN bị phân biệt đối xử khi không chi trả chi phí không chính thức ngoài quy định khoảng 15%. Tuy kết quả này đã giảm gần một nửa so với cách đây 3 năm nhưng đây vẫn là một thực trạng “nhức nhối”, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư kinh doanh.

Do đó, các chuyên gia khuyến nghị, cần tăng cường công khai, minh bạch, nâng cao kỷ cương, kỷ luật và năng lực giải quyết công việc của công chức; các Bộ, ngành cần tích cực rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành để đảm bảo đạt mục tiêu cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục kiểm tra chuyên ngành trước tháng 6/2019 theo yêu cầu tại Nghị quyết số 02/2019/NQ-CP của Chính phủ.

Doanh nghiệp vẫn vững tin vào triển vọng kinh doanh

Hoạt động trong bối cảnh trên nhưng các DN vẫn đặt nhiều niềm tin vào triển vọng kinh doanh năm 2019. Cụ thể, dự báo về tình hình kinh doanh quý I/2019, có 47,3% DN ngành công nghiệp chế biến chế tạo đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 37,8% DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và chỉ có 14,9% DN dự báo khó khăn hơn. Trong đó, khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lạc quan nhất khi có tới 88,3% DN dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2019 tốt hơn và ổn định hơn những tháng cuối năm 2018.

Kết quả trên khá tương đồng với tỷ lệ 47,6% DN dự báo khối lượng sản xuất hàng hóa trong những tháng đầu năm 2019 tăng; đồng thời có 14,5% số DN dự báo giảm và 37,9% số DN dự báo ổn định. Về xu hướng sản xuất 6 tháng đầu năm 2019 so với 6 tháng cuối năm 2018, có 89,8% số DN dự báo khối lượng sản xuất tăng và ổn định; 10,2% số DN dự báo khối lượng sản xuất giảm.

Chia sẻ của các DN về đơn đặt hàng, kết quả khảo sát cho thấy, có 43,5% số DN dự kiến có đơn hàng tăng lên trong 3 tháng đầu năm 2019; 14,5% số DN dự kiến đơn hàng giảm và 42% số DN dự kiến có đơn hàng ổn định. Số lượng đơn đặt hàng mới được dự báo khả quan hơn trong 6 tháng đầu năm 2019 so với 6 tháng cuối năm 2018 khi có tới 90,8% số DN dự báo tăng và giữ ổn định số lượng đơn đặt hàng; chỉ có 9,2% số DN dự báo giảm.

Tình hình xuất khẩu cũng khả quan hơn đối với các DN khi có 34,1% số DN khẳng định số đơn hàng xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2019 cao hơn những tháng cuối năm trước; 16,8% số DN có đơn hàng xuất khẩu giảm và 49,1% số DN có đơn hàng xuất khẩu ổn định. Đáng chú ý, về xu hướng 6 tháng đầu năm 2019, có 90,4% số DN dự báo có số đơn đặt hàng xuất khẩu tăng và ổn định; chỉ có 9,6% số DN dự báo giảm so với cùng kỳ năm trước.

HỒNG THOAN
Theo Báo Kiểm toán số Xuân 2019
Cùng chuyên mục
  • Thị trường lao động thích ứng  với nền kinh tế thị trường
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Chia sẻ trước thềm năm mới, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Doãn Mậu Diệp nhận định: Công tác dự báo thông tin thị trường lao động được chú trọng, hệ thống chính sách pháp luật về lao động, việc làm tiếp tục được hoàn thiện... là những dấu ấn nổi bật của thị trường lao động trong nước 10 năm qua.
  • Xuân sớm trên những công trình dầu khí biển
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Những ngày giáp Tết này, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến những cán bộ, kỹ sư, người lao động dầu khí trên những công trình biển thông qua những chuyến công tác để kiểm tra tình hình, làm việc, thăm và chúc Tết động viên người lao động xa nhà…
  • Dầu khí là ngành kinh tế quan trọng  của đất nước
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cùng một số lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Tại đây, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Dầu khí là ngành kinh tế rất quan trọng của đất nước.
  • PwC: Doanh nhân toàn cầu bi quan về triển vọng kinh tế 2019
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo kết quả “Khảo sát các nhà lãnh đạo DN toàn cầu thường niên lần thứ 22” của hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC), gần 30% các CEO cho rằng mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ thấp hơn trong năm 2019. Con số này gấp khoảng 6 lần tỷ lệ của năm ngoái (5%) và là một cú nhảy vọt về mức độ bi quan. Cũng theo công bố của PwC, các CEO đều dự báo triển vọng doanh thu của chính họ sẽ sụt giảm trong thời gian ngắn (12 tháng) và trung bình (ba năm).
  • Phát huy hiệu quả các nguồn lực tài nguyên
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Năm 2018, ngành tài nguyên và môi trường đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Trong đó, dấu ấn nổi bật là việc nâng cao chỉ số tiếp cận, sử dụng bền vững, phát huy hiệu quả các nguồn lực tài nguyên.
Doanh nghiệp mong đợi môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng