Doanh nghiệp du lịch chuẩn bị phương án phục hồi sau đại dịch

(BKTO) - Sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 đã khiến du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam - chịu thiệt hại nặng nề. Nhiều chuyên gia dự báo, sau thời kỳ suy giảm trầm trọng, sẽ có một giai đoạn trì trệ và hoạt động cầm chừng. Nhưng sau đó sẽ là giai đoạn bùng nổ khách du lịch quay trở lại Việt Nam nhờ những thay đổi mạnh mẽ, kịp thời và mang tính bền vững để ứng phó với tình hình mới của Chính phủ.




Vấn đề an toàn của khách du lịch, an toàn của điểm đến... được đặt lên hàng đầu. Ảnh: Thái Anh

Biến “nguy” thành “cơ”

Theo số liệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam, ước tính trong vòng 3 tháng tới, ngành du lịch sẽ thiệt hại từ 5,9 - 7,7 tỷ USD, tương ứng với lượng sụt giảm du khách cả quốc tế và nội địa lên tới gần 30 triệu lượt vì Covid-19. Các dịch vụ liên quan như: lưu trú, ăn uống, vận chuyển, tham quan, vui chơi giải trí, mua sắm đều bị thiệt hại trung bình từ 1 - 1,8 tỷ USD mỗi ngành. Dự báo ở mức độ kém khả quan hơn, Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia cho rằng, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài tới quý II, mức độ thiệt hại của ngành du lịch có thể vượt 15 tỷ USD.

Dịch xuất hiện đúng thời điểm mùa du xuân, lễ hội nên thiệt hại lại càng nặng nề. Hầu hết các đơn vị lữ hành, khách sạn những ngày này đều bị ám ảnh bởi những thông tin “hủy tour, hủy phòng, hủy vé”. Không chỉ những DN nhỏ và vừa mà những DN lớn trong ngành du lịch cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng. Thông tin từ Công ty lữ hành Vietravel, hiện khoảng 70% khách hàng tại Việt Nam và 6 quốc gia DN này đặt văn phòng đã hủy tour hoặc dời ngày khởi hành vì e ngại dịch bệnh. Tương tự, Sun Group (Tập đoàn lớn trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí) cũng không ngoại lệ khi lượng khách trong 2 tháng qua sụt giảm mạnh. Sun World Fansipan Legend sụt giảm tới 70%, Sun World Ba Na Hills giảm tới 65%, Sun World Halong Complex giảm 85%...

Xác định chỉ có cách đối mặt với thách thức mới có thể vượt qua, Chính phủ, ngành du lịch, DN du lịch trong thời gian qua đang nỗ lực vượt khó với mục tiêu biến “nguy” thành “cơ”. Các tiêu chí về du lịch Việt Nam an toàn được xây dựng và thông qua hệ thống truyền thông đưa thông điệp du lịch Việt Nam an toàn ra với thế giới; vấn đề an toàn của khách du lịch, an toàn của điểm đến... được đặt lên hàng đầu. Mới đây, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Vietnam Airlines cũng đã phát động Chương trình “Chào mặt trời” nhằm kêu gọi các DN cùng hợp tác, mang đến cho du khách những gói sản phẩm ưu đãi nhất, nhưng được trải nghiệm du lịch trọn vẹn và an tâm nhất.

Sẵn sàng đón đầu xu hướng bùng nổtrở lại của du lịch

Các chuyên gia du lịch dự báo, với những thiệt hại nặng nề do Covid-19 gây ra, trước mắt và tương lai, ngành du lịch sẽ còn mất nhiều thời gian có thể phục hồi sau dịch bệnh. Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, chắc chắn sau thời kỳ suy giảm trầm trọng về khách du lịch do dịch bệnh, sẽ có một giai đoạn trì trệ và hoạt động cầm chừng. Nhưng sau đó sẽ là giai đoạn bùng nổ khách du lịch quay trở lại Việt Nam. Chính vì thế, ngay từ lúc này, nhiều DN du lịch đã nhanh chóng sắp xếp lại bộ máy, định hướng lại thị trường và đặc biệt là đổi mới sản phẩm du lịch để đón đầu xu hướng bùng nổ trở lại của du lịch.

Theo đại diện Sun Group, từ giờ đến cuối năm, Tập đoàn này sẽ chính thức đưa vào vận hành Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng cao cấp Yoko Onsen tại Quang Hanh (Quảng Ninh). Cũng tại vùng di sản, một khu nghỉ dưỡng mới với vị trí tuyệt đẹp bên vịnh Hạ Long là Premier Village Halong Bay resort cũng sẽ chính thức khai trương sau thời gian vận hành thử. Tại Đà Nẵng, Công viên châu Á (Sun World Danang Wonders) cũng đang được tiến hành cải tạo cảnh quan, chuẩn bị cho màn tái xuất với những trải nghiệm, dịch vụ về đêm hấp dẫn dành cho du khách. Trong quý II/2020, Khu du lịch Ba Na Hills sẽ tiếp tục đem đến cho du khách nhiều bất ngờ mới mẻ với việc khai trương Lâu đài Ravenstone.

Khi dịch Covid-19 được khống chế an toàn tại Việt Nam, Sun World Fansipan Legend sẽ tiếp tục đưa show diễn đình đám “Vũ điệu trên mây” trở lại, dự kiến vào tháng 7 hoặc tháng 8 năm nay, để phục vụ du khách. Đây là show diễn đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao Chứng nhận “Show diễn nghệ thuật thể hiện đặc trưng văn hóa Tây Bắc độc đáo nhất Việt Nam”. “Vũ điệu trên mây” đã trở thành một trải nghiệm văn hóa hấp dẫn, để lại trong du khách nhiều tình cảm đặc biệt khi đến với Fansipan Sa Pa. Ngoài ra, các kế hoạch đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ cũng đang được các DN du lịch triển khai rốt ráo để sẵn sàng khi dịch chính thức được ngăn chặn tại Việt Nam.

Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực của chính mình, các DN du lịch cũng mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ kịp thời các DN, đồng hành cùng DN để vượt qua những khó khăn. Theo đó, các cơ quan quản lý có thể đóng vai trò “nhạc trưởng” để gắn kết các thành phần du lịch, hàng không, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, khu vui chơi giải trí… cùng giảm giá để có các sản phẩm tour trọn gói kích cầu du lịch. Đặc biệt, Nhà nước cũng nên miễn lệ phí visa cho những thị trường trọng điểm, tiềm năng và có mức chi trả cao để thu hút khách từ những thị trường này; đồng thời, có những chính sách miễn giảm thuế cho các DN du lịch trong và sau đại dịch.

THU HUYỀN
Cùng chuyên mục
  • Chủ động dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu ứng phó với dịch bệnh
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) diễn biến phức tạp, Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng đã có những dự liệu, đồng thời, các nhà sản xuất, cung ứng lớn cũng đã chủ động dự trữ, lưu kho, đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho người dân, không để khan hàng, sốt giá.
  • Nghị định mới về kinh doanh vận tải: Hướng đi nào cho xe công nghệ?
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành quyết định dừng kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Theo đó, các hãng như Grab, Bee… sẽ phải chọn lựa một hình thức phù hợp theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP (Nghị định 10), thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/4/2020.
  • Nâng cao hiệu quả cải cách điều kiện kinh doanh
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Không thể phủ nhận những nỗ lực, quyết tâm cắt giảm điều kiện kinh doanh của Chính phủ đã mang lại nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận. Trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, để đồng bộ với những nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành cần phải mạnh tay cắt giảm các điều kiện kinh doanh trong phạm vi quản lý của mình.
  • ICAEW: Dự đoán GDP Đông Nam Á năm 2020 giảm
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Theo Báo cáo triển vọng kinh tế Đông Nam Á mới nhất của Viện kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW), tăng trưởng kinh tế toàn khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ chậm lại ở mức 4,2% vào năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Coronavirus (COVID-19).
  • Gỡ khó cho ngành mía đường trong nước
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Để tiếp tục phát triển ngành mía đường Việt Nam tương xứng với tiềm năng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương áp dụng biện pháp phòng vệ phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế để bảo vệ sản xuất mía đường trong nước.
Doanh nghiệp du lịch chuẩn bị phương án phục hồi sau đại dịch