Điều kiện kinh doanh vẫn "trói chân" doanh nghiệp nông nghiệp

(BKTO) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa đề xuất cắt giảm, đơn giản hoá 50% điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng, việc làm này là cần thiết bởi thực tế cho thấy, những giấy phép con quy định trong các thông tư hướng dẫn vẫn đang "trói chân" DN.




Việc rà soát, cắt giảm các ĐKKD sẽ tạo thuận lợi cho DN sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm - Ảnh: TS

Giấy phép con vẫn làm khó doanh nghiệp

Theo ông Trần Văn Thiên (Hiệp hội Sản xuất - Kinh doanh thuốc thú y Việt Nam), trên thực tế, ĐKKD trong các nghị định không phải là vấn đề lớn, mà chính những giấy phép con quy định trong các thông tư hướng dẫn đang làm khó DN. Ông Thiên dẫn chứng, trước khi có Thông tư số 13/2016/TT-BNNPTNT về quản lý thuốc thú y, DN hoàn toàn chủ động trong việc mua bán thuốc. Nhưng từ khi thực hiện Thông tư này, DN phải có giấy phép nhập khẩu dù chỉ là lượng nhỏ; khi hàng về tới cảng, cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm nghiệm, nếu đạt tiêu chuẩn thì mới cấp phép. Trong khi đó, đáng ra, DN nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, bán ra theo tiêu chuẩn sản xuất, còn các cơ quan quản lý ngành thú y chỉ cần hậu kiểm. Ông Thiên kiến nghị, Bộ NN&PTNT cần rà soát các văn bản dưới luật; đồng thời, tham khảo cách làm của các Bộ, ngành liên quan để tiếp tục cắt giảm, bãi bỏ những quy định gây khó khăn, bức xúc cho DN.

Đồng quan điểm, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam Lê Hồng Nhu cũng cho rằng, luật ở trên rất mở nhưng hướng dẫn ở dưới lại rất chặt. Ví dụ, trong Pháp lệnh giống cây trồng quy định khi tổ chức công nhận giống cây trồng chỉ thành lập 1 hội đồng, nhưng bản hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh lại quy định phải thành lập 4 hội đồng. Đồng thời, khi công nhận giống cây trồng, Pháp lệnh quy định chỉ có 2 lần khảo nghiệm, sản xuất thử, nhưng bản hướng dẫn lại quy định 3 lần. Pháp lệnh không quy định diện tích là bao nhiêu nhưng trong văn bản hướng dẫn lại quy định diện tích cụ thể. Điều này đã gây ra rào cản lớn đối với các DN sản xuất.

Ngoài ra, ông Lê Giang (Công ty TNHH Vĩnh An) cho biết, kiểm tra chuyên ngành là vấn đề đang khiến DN vô cùng mệt mỏi. Đơn cử như việc làm thủ tục kiểm dịch thực vật đối với hàng xuất - nhập khẩu ở cảng Hải Phòng, thời gian từ lúc đăng ký kiểm dịch đến khi được cấp giấy chứng nhận kéo dài tới 48 tiếng, thậm chí lên tới 72 tiếng nếu trùng ngày nghỉ, việc này gây nhiều tốn kém cho DN.

Còn đối với thủ tục kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, việc Bộ Tài chính quy định phí kiểm tra tính trên giá trị lô hàng là rất phi lý. Theo tính toán của ông Giang, kiểm tra protein của 1 lô hàng đậu tương phải mất phí 3 - 5 triệu đồng, trong khi thuê ngoài chỉ mất 300 nghìn đồng.

Cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh

Theo nhận định của TS. Trần Anh Quân (Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp IMI), trong xu thế phát triển của công nghệ 4.0, việc ứng dụng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số sẽ được thuận lợi nhiều hơn nếu các DN được "cởi bỏ" các ĐKKD còn ràng buộc. Nếu chi phí vào những khâu, những yêu cầu bắt buộc mà nhiều khi không cần thiết được giảm bớt, DN sẽ có thêm nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hệ thống máy móc, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tại Hội thảo lấy ý kiến DN về Danh mục rà soát ĐKKD trong lĩnh vực nông nghiệp diễn ra vừa qua, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thị Kim Anh cho biết, theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật hiện hành, lĩnh vực NN&PTNT có 33 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, với khoảng 345 ĐKKD. Bộ đã rà soát tổng thể và đề xuất cắt giảm, bãi bỏ, đơn giản hoá 50% ĐKKD trong tổng số các ĐKKD này.

Cụ thể, 131 trong số 172 ĐKKD về thú y, thức ăn chăn nuôi, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng, sản phẩm biến đổi gen hiện đang được quy định tại 4 Nghị định (69/2010/NĐ-CP, 35/2016/NĐ-CP, 66/2016/NĐ-CP, 39/2017/NĐ-CP) sẽ được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ tại Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định về ĐKKD trong lĩnh vực nông nghiệp mà Bộ đang xây dựng và thực hiện lấy ý kiến rộng rãi. Đối với các điều kiện đầu tư, kinh doanh còn lại, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục rà soát, cắt giảm và quy định tại các luật và nghị định hướng dẫn thi hành.

Cùng với đó, nhiều ĐKKD đã được cắt giảm tại Luật Thủy sản. Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục rà soát cắt giảm tại các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản, Luật Lâm nghiệp (dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2019). Thậm chí, tới đây, Bộ sẽ rà soát Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi cùng các Nghị định hướng dẫn thi hành 2 Luật này.

Theo Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn, Bộ NN&PTNT được đánh giá là một trong những cơ quan quản lý nhiều ĐKKD, thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhất. Vì vậy, việc cắt giảm ĐKKD trong lĩnh vực nông nghiệp chắc chắn sẽ góp phần tích cực vào việc tháo gỡ rào cản trong môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DN, đây cũng là yếu tố cần thiết để tăng cường thu hút đầu tư.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 17+18/2018
Cùng chuyên mục
Điều kiện kinh doanh vẫn "trói chân" doanh nghiệp nông nghiệp