Đẩy nhanh các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi

(BKTO)- Sáng 13/5 tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương nhằm đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.



                
   

Quang cảnh hội nghị-Ảnh: VGP/Nhật Bắc

   

Dịch tả lợn châu Phi rất nguy hiểm

Báo cáo tổng hợp tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi của Bộ NN&PTNT, ý kiến của đại diện các Bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị này cho thấy, dịch tả lợn châu Phi là dịch bệnh rất nguy hiểm, có khả năng gây tổn thất lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi nước ta.

Theo Bộ trưởngBộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, lịch sử ngành chăn nuôi heo trên thế giới và Việt Nam chưa bao giờ phải đối mặt với một loại dịch cực kỳ nguy hiểm, rất nan giải, phức tạp và tốn kém trong phòng, chống; đặc biệt là thiệt hại về kinh tế lớn nhất từ trước đến nay. "Dịch bệnh đã vào đàn heo nào, là hầu như gây thiệt hại 100%. Rất nguy hiểm"- ông Nguyễn Xuân Cường nói.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, từ khi dịch bệnh xuất hiện tại các nước lân cận (tháng 8/2018) đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hay nói cách khác, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

Với những nỗ lực và hành động quyết liệt của cả hệ thống, công tác phòng chống dịch đã đạt được một số kết quả quan trọng. Bước đầu hạn chế tình trạng lây lan và giảm thiểu thiệt hại. Thời gian qua, bệnh phát sinh ở nhiều nơi, song lẻ tẻ, chủ yếu là tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (có tỉnh bệnh chỉ xuất hiện ở một vài hộ).

Đến nay, tỉnh Thừa Thiên- Huế và 55 xã thuộc 36 huyện của 16 tỉnh, thành phố khác đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh. Nếu không có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian qua, chắc chắn bệnh dịch đã lây lan rất nhanh và mức độ thiệt hại sẽ rất lớn.

Công tác tuyên truyền được tập trung thực hiện đã góp phần quan trọng trong việc trang bị kiến thức, nâng cao hiểu biết của người dân về dịch bệnh, hạn chế được tình trạng người dân hoang mang, quay lưng tẩy chay thịt lợn. Giá thịt lợn đã tăng trở lại, góp phần quan trọng cho việc bảo vệ sản xuất, nhất là tại các địa phương chưa có dịch bệnh.

Các địa phương, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn tập trung triển khai quyết liệt, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn giống, sẵn sàng phục vụ khôi phục và phát triển sản xuất cho các địa phương khi có điều kiện. Đến nay, cả nước có 740 vùng, cơ sở chăn nuôi lợn được chứng nhận an toàn dịch bệnh.

Hiện nay, các địa phương và các doanh nghiệp cũng đã và đang triển khai quyết liệt các giải pháp phát triển chăn nuôi gia cầm, các loài gia súc khác để bù đắp cho chăn nuôi lợn. Đồng thời, Bộ NN&PTNT đang tích cực nghiên cứu các giải pháp phòng, chống phù hợp, hiệu quả hơn; tổ chức nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Còn diễn biến phức tạp

Tuy nhiên, các báo cáo cũng cho thấy nhiều khó khăn, tồn tại, yếu kém trong công tác phòng chống dịch. Dịch bệnh còn diễn biến rất phức tạp. Ở các nước xung quanh, bệnh dịch đã bùng phát trở lại tại Hồng Kông (Trung Quốc).

Tính đến ngày 12/5/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy trên 1,2 triệu con (chiếm khoảng trên 4% tổng đàn lợn của cả nước), trong đó có Đồng Nai- là thủ phủ chăn nuôi lợn của cả nước, cung cấp trên 40% sản lượng thịt hơi cho thành phố Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, đã có 29 xã thuộc 12 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh (gần đây nhất là tại tỉnh Bắc Kạn).
                
   

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị- Ảnh: Hồng Phúc

   

Đánh giá về những hạn chế trong phòng, chống dịch bệnh thời gian qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ NN&PTNT đã rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, tuy nhiên, việc tổ chức triển khai thực hiện ở nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại, bất cập làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.

Công tác chủ động giám sát phát hiện, báo cáo và công bố dịch bệnh chưa kịp thời. Một số địa phương chưa chủ động giám sát, chưa nắm bắt kịp thời thông tin dịch bệnh, chậm báo cáo, báo cáo thiếu chính xác, chậm công bố dịch, chính quyền và các cơ quan chuyên môn còn chủ quan, lơ là, không nắm rõ thông tin dịch bệnh, chưa tổ chức chống dịch, dẫn đến trường hợp người dân bán chạy heo bệnh làm lây lan dịch bệnh.

Việc tổ chức tiêu hủy heo bệnh, heo chết chưa kịp thời, chưa triệt để. Theo ông Phùng Đức Tiến, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã có nhiều văn bản chỉ đạo, một số địa phương chưa tổ chức tiêu hủy heo bệnh, heo chết trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện; có trường hợp chưa kịp bố trí lực lượng tiêu hủy heo, để heo chết trong chuồng quá thời gian quy định, người chăn nuôi tự tiêu hủy, vứt xác heo ra môi trường.

Mặt khác, diễn biến thời tiết hiện nay rất phù hợp cho dịch bệnh lây lan ở các vùng miền của cả nước. Do vậy, trong thời gian tới nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan rất cao, diễn biến rất phức tạp, bệnh có khả năng lây lan sang các địa phương chưa có dịch; tại nhiều địa phương đã qua 30 ngày nhưng dịch bệnh lại tái phát; đặc biệt nguy hiểm hơn là bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, gây hậu quả khó lường.
                
   

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị- Ảnh: Minh Phúc

   

Tập trung hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong phòng chống, dập dịch

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao Bộ NN&PTNT và các cơ quan liên quan, người dân, đã vào cuộc quyết liệt trong việc phòng chống dịch bệnh này.

“Bộ NN&PTNT là đơn vị đại diện cho Ban chỉ đạo, đặc biệt là đồng chí Bộ trưởng đã bám sát thực tiễn, chỉ đạo quyết liệt, phối hợp tốt cùng các bộ ngành, địa phương. Đây là kinh nghiệm tốt để chúng ta tiếp tục thực hiện, triển khai”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, dịch tả lợn châu Phi là dịch bệnh nguy hiểm, từ khi dịch xuất hiện, Chính phủ và các địa phương đã vào cuộc quyết liệt để ứng phó dịch bệnh. Với sự đồng hành của người dân và doanh nghiệp, chúng ta đã bước đầu hạn chế được tình trạng lây lan mạnh, giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, khả năng lây lan bệnh còn cao, chúng ta chưa thể tuyên bố khống chế hoàn toàn dịch bệnh. Một số địa phương, theo Bộ trưởng NN&PTNT báo cáo, vẫn còn coi nhẹ, giao phó hoàn toàn cho cơ quan thú y.

"Mới đây, báo chí, mạng xã hội đưa tin lợn trôi sông, chỉ vài tiếng đã vớt được hàng tấn. Có địa phương chôn lợn rồi lại đào lên. Tôi yêu cầu các địa phương khi có thông tin như vậy cần kiểm tra ngay các vấn đề này. Tôi hoan nghênh báo chí vào cuộc tích cực để chúng ta có đầy đủ thông tin về dịch bệnh", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằngnhiều nơi chưa huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Các biện pháp phòng chống dịch còn chưa hiệu quả, bố trí kinh phí còn chậm, chưa phù hợp. Việc hỗ trợ cho người dân chưa đáp ứng nhu cầu, nên chưa khuyến khích được người dân tích cực phòng chống dịch. Đây là những mặt hạn chế khiến chúng ta chưa hoàn toàn khống chế được dịch.

“Tôi đề nghị Bộ NN&PTNT với Bộ trưởng là Trưởng ban chỉ đạo, cùng các địa phương, doanh nghiệp, người dân, tập trung hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong phòng chống, đặc biệt là dập dịch. Ban cán sự Đảng của Bộ NN&PTNT phối hợp với Chính phủ hoàn thiện dự thảo gửi Ban Bí thư về việc đẩy nhanh các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, tham mưu với Chính phủ các biện pháp phù hợp điều kiện thực tế, khả năng của nền kinh tế để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, đảm bảo môi trường phát triển”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Ngoài ra, Bộ cũng cần ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn giết mổ lợn trong vùng dịch bệnh với sự giám sát của cơ quan thú y. Như đề nghị của Massan, chúng ta vừa phải chống dịch, vừa phải tập trung phát triển.

PHÙNG NGUYÊN (tổng hợp)
Cùng chuyên mục
  • Thúc đẩy hợp tác kinh doanh, đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Sáng 10/5, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Thương mại Hoa kỳ (AmCham) và Phòng thương mại Hoa Kỳ phối hợp tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Hoa Kỳ- Việt Nam năm 2019 với chủ đề “Kỷ niệm 25 năm thương mại và đầu tư”.
  • Nhiều địa phương bị dừng tiếp nhận lao động sang Hàn Quốc
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành công văn 1684/LĐTBXH-QLLĐNN, thông báo tới các tỉnh, thành phố danh sách các địa phương bị tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS năm 2019.
  • Doanh nghiệp tăng mạnh vốn đầu tư
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kết thúc 4 tháng đầu năm 2019, cả nước có 43.305 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 542.451 tỷ đồng, tăng 4,9% về số doanh nghiệp và tăng 31,7% về số vốn đăng ký.
  • Phát triển chăn nuôi gia cầm  hướng tới xuất khẩu
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dư địa phát triển ngành chăn nuôi gia cầm còn nhiều và phải tập trung thúc đẩy. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả bền vững, ngành chăn nuôi cần phải chú ý tất cả các khâu trong chuỗi liên kết từ con giống, tổ chức sản xuất, kiểm soát dịch bệnh và tổ chức thị trường…
  • Kết nối tài chính khu vực ASEAN sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Việc kết nối các thành viên ASEAN trong hoạt động thương mại, đầu tư, dịch vụ tài chính sẽ giúp cộng đồng DN trong khối nói chung và DN Việt Nam có cơ hội đầu tư và tiếp cận các dịch vụ tài chính mới trong ASEAN.
Đẩy nhanh các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi