Đại dịch Covid-19 đã tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam?

(BKTO) - GDP quý I tăng thấp nhất trong 10 năm, tăng trưởng xuất khẩu ghi nhận mức thấp nhất trong 17 năm trở lại đây. Đó là những thông tin cho thấy tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến kinh tế Việt Nam.



                
   

Tăng trưởng xuất khẩu quý I của Việt Nam ghi nhận mức thấp nhất trong 17 năm trở lại đây - Ảnh minh họa

   

Bức tranh kinh tế với gam màu xám

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước tính tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp kỷ lục so với tăng trưởng cùng kỳ 10 năm gần đây. Các ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản; công nghiệp và xây dựng; du lịch, dịch vụ đều bị ảnh hưởng nặng nề. Chỉ một số lĩnh vực có tăng trưởng tạm ổn định như ngân hàng, bảo hiểm, thông tin truyền thông, y tế, trợ giúp xã hội… giúp nền kinh tế duy trì tăng trưởng 3,82%.

Cùng với khó khăn trong tăng trưởng sản xuất, tiêu dùng cuối cùng của dân cư cũng rất thấp, tích luỹ xuất nhập khẩu tăng trưởng thấp. Tốc độ tăng thu nhập của người lao động sụt giảm đáng kể, tỷ lệ tham gia lao động thấp nhất 10 năm qua, tỷ lệ thất nghiệp tăng, chỉ số quản lý thu mua (PMI) thấp dưới ngưỡng 50 điểm, báo hiệu sự suy giảm trong sản xuất, kinh doanh, nhu cầu hàng hoá, tiêu dùng.

Về kết quả của một số ngành cụ thể, tính đến thời điểm 20/3/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,55% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm trước tăng 2,54%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,51% (cùng kỳ năm 2019 tăng 1,72%); tín dụng của nền kinh tế tăng 0,68% (cùng kỳ năm trước tăng 1,9%), cho thấy các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán trong quý I năm nay chỉ đạt 29,5 nghìn tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm trước. Trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 23/3/2020, chỉ số VNIndex đạt 657,43 điểm, giảm 25,5% so với cuối tháng trước và giảm 31,6% so với cuối năm 2019; mức vốn hóa thị trường đạt 3.302 nghìn tỷ đồng, giảm 24,7% so với cuối năm 2019.

Cùng với đó, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2020 cũng đạt mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/3/2020 đạt gần 8,6 tỷ USD, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện quý I/2020 ước tính đạt 3,9 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước.

Về tình hình xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết, tăng trưởng xuất khẩu trong quý I/2020 đạt mức thấp nhất kể từ năm 2003 trở lại đây. Trong đó, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản có tổng giá trị xuất khẩu 3 tháng ước đạt 5,28 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tình hình cũng không mấy khả quan khi tổng giá trị xuất khẩu quý đầu năm ước đạt 50,05 tỷ USD, chỉ tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.

Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam 2020?

Trước những khó khăn rất lớn mà nền kinh tế đang phải gánh chịu do dịch Covid-19 gây ra, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, cơ quan thống kê đã đưa ra 2 kịch bản mới cho năm 2020. Theo đó, ở kịch bản 1, nếu chúng ta dập dịch thành công trong quý II thì tăng trưởng sẽ ở mức trên 5%. Kịch bản 2 là dịch kéo dài sang quý III thì mức tăng trưởng dự kiến vẫn là trên 5%, tuy nhiên ở mức thấp hơn kịch bản 1.

Như vậy, Tổng cục Thống kê đánh giá để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8% cho cả năm 2020 là mục tiêu rất khó đạt được trong tình hình hiện nay. “Để đạt cả năm 6,8%, thì phải có kịch bản mới cho từng quý sau tăng trưởng ra sao. Nhưng theo chúng tôi, rất khó đạt được trong tình hình hiện nay. Độ mở của nền kinh tế hiện rất lớn, như quý I là trên 240% nên chúng ta phụ thuộc rất nhiều bên ngoài”, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết.

Trong bối cảnh đó, nêu quan điểm về việc có nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng hay không, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng mục tiêu này có từ khi chưa có dịch bệnh, nay dịch đã xảy ra ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới. Trong bối cảnh nhiều nước tăng trưởng 0% hoặc tăng trưởng âm, chúng ta tăng trưởng dương đã là thành công rất đáng tự hào và mức tăng trưởng trên 5% là một “thành công rực rỡ”. Do đó, ông Lâm cho rằng cũng không cần điều chỉnh mục tiêu để năm nào cũng phải đạt mục tiêu tăng trưởng. Quan trọng là chúng ta nỗ lực hết sức, thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Trong các giải pháp cần chú trọng để đạt mức tăng trưởng cao, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh việc phải sớm tháo gỡ vướng mắc thể chế để đẩy nhanh giải ngân vồn đầu tư công. Khi giải ngân vốn đầu tư công tăng sẽ kéo theo các dòng vốn khác. Đồng thời, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng năng suất lao động. “Nếu hệ số ICOR giảm 0,5 thì GDP tăng 0,64 điểm phần trăm. Nếu ICOR giảm 1 xuống còn 4,9 thì GDP tăng thêm 1,42 điểm phần trăm. Nếu năng suất lao động tăng 1% thì GDP 0,94 điểm phần trăm”, ông Lâm cho biết.

Về giải pháp cho xuất khẩu, Bộ Công Thương đánh giá, dù trước mắt còn nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam cũng có những kỳ vọng tích cực trong thời gian tới. Cụ thể, dịch Covid-19 cơ bản đã được khống chế tại Trung Quốc, hoạt động xuất nhập khẩu không còn bị hạn chế sẽ là cơ hội cho Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, các ưu đãi của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được kỳ vọng sẽ có những tác động thúc đẩy sản xuất trong nước.

Mặt khác, mức thuế chống bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ giảm, kết quả công nhận tương đương về hệ thống quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm trên cá tra do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công bố là cơ sở thuận lợi giúp cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh…

Bộ Công Thương cho biết thời gian tới sẽ đẩy mạnh rà soát, lựa chọn các thị trường thay thế có khả năng bổ sung cho sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc do ảnh hưởng của Covid-19. Đồng thời, cũng có các giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khi dịch bệnh được khống chế cơ bản ở nước này...
PHÙNG NGUYÊN (tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Đại dịch Covid-19 đã tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam?