“Cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh”

(BKTO) - Trước tình trạng số DN rút khỏi thị trường ngày càng lớn, các DN trụ lại "sức khỏe" cũng rất yếu, Ủy ban Kinh tế đề nghị, trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng cuối năm 2021 cần quan tâm "cứu" DN nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn hậu Covid-19.



Doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng cao

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hồng Thanh, một trong những vấn đề cần quan tâm trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm là hoạt động của DN, hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Minh chứng là số DN rút lui khỏi thị trường tiếp tục gia tăng, đặc biệt là nhóm DN có quy mô nhỏ.

Cụ thể, có 70.209 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020; có 35.607 DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 22,1% so với cùng kỳ và chiếm đến 50,7% tổng số DN rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm 2021.                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế NguyễnHồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra trước Quốc hội - Ảnh: quochoi.vn

   

Trong bối cảnh DN, người lao động chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19 thì việc triển khai các gói hỗ trợ cho người lao động và hoạt động của DN được đánh giá là rất chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn với tỷ lệ giải ngân thấp, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Đơn cử, tính đến ngày 27/5, Gói Hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc thông qua chính sách cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội với quy mô 16.000 tỷ đồng đã giải ngân cho 245 người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc cho 11.276 người lao động với số tiền 41,8 tỷ đồng, tương ứng với 0,26% quy mô gói hỗ trợ; Gói hỗ trợ thông qua chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với quy mô khoảng 6.500 tỷ đồng đã nhận và giải quyết cho cho 192.503 lao động của 1.846 đơn vị, DN với tổng số tiền là trên 786 tỷ đồng, tương ứng với 12,1% quy mô Gói hỗ trợ.

Từ thực tế trên, trong giải pháp phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm, Ủy ban Kinh tế đề nghị, Chính phủ cần xác định ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu; kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu ưu tiên, kiên trì thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” phù hợp với tình hình thực tiễn và địa bàn cụ thể.

Trong đó, triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh; duy trì và phục hồi hoạt động DN nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho người lao động; thực hiện phương châm “cứu DN như cứu người bệnh” để hỗ trợ tối đa cho DN, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19.

Cùng với đó, cần phát huy vai trò các quỹ về hỗ trợ, bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa; nghiên cứu chính sách phù hợp cho mô hình hộ kinh doanh; thúc đẩy sự phát triển, nâng cao năng lực, hiệu quả của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; chú trọng các giải pháp để tiếp tục giảm chi phí đầu vào cho DN.

Cơ quan thẩm tra cũng kiến nghị, cần xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa lợi nhuận của các ngân hàng thương mại với khó khăn của DN, giảm lãi suất cho vay một cách thực chất; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh…

Cần giải pháp mạnh để tạo bứt phá

Thảo luận tại tổ về nội dung này, việc “cứu” DN cũng là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Các đại biểu đề nghị, Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn việc triển khai các gói hỗ trợ người dân và DN, trong đó làm trách nhiệm, nguyên nhân chính của việc triển khai chậm, không hiệu quả, trên cơ sở đó để khắc phục các bất cập khi triển khai gói hỗ trợ mới.                
   

Cần các chính sách hỗ trợ mạnh hơn để doanh nghiệp vượt qua khó khăn và bứt phá sau đại dịch - Ảnh: dangcongsan.vn

   

Nhấn mạnh “sức khỏe” của DN yếu đi đồng nghĩa với động lực cho tăng trưởng kinh tế suy giảm, đại biểu Vũ Như So (Bắc Ninh) cho rằng, Chính phủ cần xác định lại các chính sách hỗ trợ để có cơ chế đủ mạnh giúp DN vượt qua đại dịch. Trong đó, cần hỗ trợ, tạo đòn bẩy cho các DN hiện đang nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh, các DN có đủ năng lực phục hồi, có cơ hội phát triển để tạo sự lan tỏa.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội), thu ngân sách đạt 58,3% là con số rất tốt để có dư địa hơn nữa cho việc thực hiện các chính sách về tài khóa. Cùng với CPI thấp, đại biểu cho rằng, trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ cần mạnh dạn hơn trong việc sử dụng các công cụ về tài chính, tài khóa, trong đó, cần giảm hơn nữa lãi suất cho vay đối với DN.

Thời gian qua, Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt trong việc hạ lãi suất cho vay, nhưng khoảng cách giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay của DN chênh rất lớn. Vì vậy, đây là dư địa để tiếp tục giảm hơn nữa lãi suất cho vay đối với DN.

"Nếu không đẩy nhanh phục hồi DN thì nguy cơ chúng ta lỡ nhịp với kinh tế thế giới là hiện hữu. Trong giai đoạn tới, Chính phủ cần có giải pháp mạnh hơn, rất cần các gói hỗ trợ không phải dạng 'hà hơi, thổi ngạt' như vừa qua, không phải chỉ để DN không bị 'chết', không phải chỉ để người dân không thiếu đói mà phải có các gói hỗ trợ để tạo ra những bứt phá của DN" - đại biểu Cường đề xuất./.
ĐĂNG KHOA
Cùng chuyên mục
“Cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh”