Còn nhiều “điểm nghẽn” trong quy trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cấp phép xây dựng

(BKTO)- Sáng 26/11, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Xây Dựng và Quỹ Friedrich Naumann Foundation (quỹ FNF) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo “Thủ tục hành chính liên ngành trong lĩnh vực cấp phép xây dựng dưới góc nhìn của doanh nghiệp”.



Khai mạc Hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI - khẳng định tầm hoạt động xây dựng có vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Vì vậy, Chính phủ, các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương đã thực hiện những điều chỉnh về cơ chế chính sách để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh thông qua đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Trong đó, Bộ Xây dựng có nhiệm vụ rà soát lại quy trình, thủ tục cấp phép xây dựng nhằm rút ngắn thời gian cấp phép thanh tra, kiểm tra, đồng thời nghiên cứu, đề xuất áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong hoạt động xây dựng.
                
   

Quang cảnh Hội thảo

   

Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn còn gặp không ít trở ngại với thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Sự phức tạp về quy trình thủ tục, hồ sơ, thẩm quyền kéo dài thời gian và gia tăng chi phí của doanh nghiệp. Bản thân các cơ quan chính quyền cũng gặp khó khăn trong áp dụng pháp luật.

Theo ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng - thời gian gần đây, Bộ Xây dựng đã có những chuyển biến tích cực trong cải cách công tác hành chính, như đơn giản hóa 157/254 điều kiện đầu tư kinh doanh, cắt giảm trên 62% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực xây dựng… mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Năm 2019, chỉ số cấp phép xây dựng tiếp tục được cải thiện và xếp hạng cao nhất trong 10 chỉ số môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Sinh bày tỏ, mục tiêu của Việt Nam là nâng cao thứ hạng trong các nền kinh tế trên thế giới, muốn vậy cần phải có sự phối hợp giữa các địa phương mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính liên ngành trong lĩnh vực cấp phép xây dựng.

Trình bày chi tiết về Báo cáo, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban pháp chế (VCCI) - cho biết, để thực hiện nghiên cứu này, cuộc khảo sát ở 63 địa phương đã được tiến hành và thu được phản hồi từ hơn 10.000 doanh nghiệp, trong đó xấp xỉ 2.100 doanh nghiệp (gồm 82% doanh nghiệp trong nước và 18% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) có hoạt động xây dựng trong vòng 2 năm gần đây.

Báo cáo tập trung vào đánh giá mức độ thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp khi thực hiện 13 thủ tục hành chính phổ biến trong các dự án đầu tư xây dựng, từ việc xin phê duyệt chủ trương đầu tư cho đến đăng ký chứng nhận sở hữu công trình xây dựng.
         
Báo cáo lựa chọn 13 thủ tục hành chính để đánh giá gồm: quyết định chủ trương đầu tư; các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng; các thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy; thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường; thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng; kết nối cấp điện; cấp, thoát nước; thanh tra, kiểm tra về xây dựng; thanh tra, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy; kiểm tra, xác nhận công trình bảo vệ môi trường; và đăng ký giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng.

Báo cáo cũng giúp nhận diện một số “điểm nghẽn” trong quy trình tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ cấp phép xây dựng hiện tại. Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp dân doanh gặp khó khăn khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cao hơn các doanh nghiệp FDI ở 12/13 thủ tục hành chính được khảo sát; 38,2% doanh nghiệp chưa hài lòng với hoạt động thanh tra, kiểm tra về xây dựng của các cơ quan nhà nước; 25% doanh nghiệp cho rằng vẫn khó tiếp cận với những hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính, thái độ của cán bộ giải quyết hồ sơ và tính phức tạp của quy định pháp luật có thể là nguyên nhân gây ra các trở ngại...

Đáng chú ý, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh tình trạng ưu tiên doanh nghiệp FDI so với các doanh nghiệp dân doanh trong thủ tục cấp phép xây dựng tại địa phương. Còn các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ dưới 10 lao động đứng đầu về tỷ lệ gặp trở ngại, đặc biệt là các thủ tục hành chính về quyết định chủ trương đầu tư, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng; kết nối cấp điện; đăng ký giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng.
         
Theo Báo cáo, xếp cao nhất về tỷ lệ doanh nghiệp từng gặp khó khăn trong 13 thủ tục được khảo sát là nhóm thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng và thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Hai nhóm thủ tục này lần lượt có 58,4% và 52,2% doanh nghiệp gặp khó khăn.

Từ kết quả nghiên cứu, Báo cáo đã đưa ra 4 nhóm giải pháp cho các cơ quan nhà nước nhằm giúp giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tăng cường cung cấp thông tin và hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí không chính thức và tăng cường tính minh bạch, liêm chính trong công tác tiếp nhận, xử lý hồ sơ.

Bà Nguyễn Thị Minh Thảo - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - cho rằng thời gian cấp phép xây dựng từ 166 ngày rút ngắn còn tối đa không quá 120 ngày vẫn cần được cải thiện thêm để hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng tập trung vào việc nâng cao các thủ tục hành chính trực tuyến bởi hiệu quả thực thi hiện nay chưa cao.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, VCCI sẽ tiếp tục phản ánh tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, từ đó tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp ở Việt Nam.

Tin và ảnh: KHÁNH LINH
Cùng chuyên mục
Còn nhiều “điểm nghẽn” trong quy trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cấp phép xây dựng