Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt Nam trong CPTPP

(BKTO) - Ngày 28/11, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã được cập nhật thông tin về những cam kết cơ bản trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Hội thảo “CPTPP- Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam”.



Sự kiện do Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức.                
   

Các đại biểu thảo luận về cơ hội, thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam

   
Ngày 12/11/2018, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt tán thành. Như vậy, Việt Nam là quốc gia thứ 7 phê chuẩn Hiệp định CPTPP- một trong những hiệp định thương mại tự do chất lượng cao, toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Ngô Chung Khanh, 6 nước đầu tiên phê chuẩn Hiệp định gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada, Australia.Theo quy định chung đã đặt ra, chỉ cần 6 nước phê chuẩn là Hiệp định sẽ có hiệu lực, như vậy CPTPP sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 30/12/2018.
                
   

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Ngô Chung Khanh cập nhật những thông tin liên quan đến CPTPP

   
Việt Nam là thành viên thứ 7 phê chuẩn Hiệp định vào ngày 12/11/2018 và thông báo cho New Zealand vào ngày 15/11/2018. Như vậy, Hiệp định sẽ có hiệu lực với Việt Nam vào ngày 14/01/2019 và kể từ thời điểm đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các nước sẽ được hưởng ưu đãi- ông Ngô Chung Khanh cho biết.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã có 02 phiên thảo luận tập trung trao đổi về việc Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và việc tận dụng cơ hội, hạn chế thách thức khi tham gia Hiệp định CPTPP đối với doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, các diễn giả trong lĩnh vực chính sách, luật thương mại quốc tế, sản xuất và xuất nhập khẩu… còn làm rõ thêm ý nghĩa chiến lược của CPTPP đối với Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp.
                
   

Cơ hội thị trường CPTPP sắp chính thức mở ra cho doanh nghiệp Việt

   
Việc tham gia CPTPP thể hiện mạnh mẽ chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước, khẳng định vai trò và vị thế địa chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế. Hiệp định được kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc quá trình hội nhập mở cửa thị trường, phát triển đầu tư, mở rộng quan hệ tự do thương mại của Việt Nam với nhiều nước hơn trong khu vực và trên thế giới.

PHÚC KHANG
Cùng chuyên mục
Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt Nam trong CPTPP