Chính sách ưu đãi đầu tư: Cần cải thiện để tăng hiệu quả

(BKTO) - Chính sách ưu đãi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam, trong đó có chính sách ưu đãi thuế được các chuyên gia, DN đánh giá là có nhiều tiến bộ, mang tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, chính sách này vẫn còn một số hạn chế cần được cải thiện trong thời gian tới.



Ưu đãi đầu tư hấp dẫn nhưng còn dàn trải, chồng chéo…

Sau 30 năm thực hiện thu hút FDI, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nhất định. Đến nay, cả nước đã có trên 24.000 dự án FDI. Số thu NSNN từ khu vực DN FDI luôn tăng trưởng ổn định, năm 2016, số thu từ các DN này chiếm 19% tổng thu NSNN, đóng góp 18,59% GDP, giải quyết việc làm cho khoảng trên 4 triệu lao động... Góp phần quan trọng vào kết quả tích cực này là các chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam, trong đó có chính sách ưu đãi thuế.

Tại Hội thảo chuyên đề “Ưu đãi đầu tư, giao dịch liên kết: Thực trạng và giải pháp” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính phối hợp tổ chức mới đây, ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam - nhận định: Các chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam có nhiều tiến bộ so với các nước, đặc biệt, mức thuế suất Thuế Thu nhập DN 20% của Việt Nam gần ở mức thấp nhất trong khu vực...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng thừa nhận, việc thu hút FDI còn nhiều hạn chế như: các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hoá thấp, chưa tạo được liên kết với DN trong nước, việc chuyển giao công nghệ chưa cao.

Quang cảnh Hội thảo chuyên đề “Ưu đãi đầu tư, giao dịch liên kết: Thực trạng và giải pháp” - Ảnh: Đức Trung
Nguyên nhân của những hạn chế trên một phần bắt nguồn từ các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư. Ông Wim Douw - Chuyên gia cao cấp về chính sách đầu tư, Nhóm Ngân hàng Thế giới - cho rằng, mặc dù cơ chế ưu đãi đầu tư của Việt Nam có sức hấp dẫn song các chính sách này còn dàn trải. Một số chính sách ưu đãi chưa rõ ràng và còn chồng chéo giữa xúc tiến đầu tư FDI, tăng trưởng sâu và toàn diện, nâng cao công nghệ, tạo việc làm với các mục tiêu xã hội khác. Hơn nữa, Việt Nam còn phụ thuộc khá nhiều vào biện pháp miễn thuế có thời hạn cũng như thuế suất ưu đãi. Việc miễn thuế có thời hạn ít mang lại lợi ích lâu dài cho Việt Nam.

Cũng theo ông Bùi Ngọc Tuấn, tuy chính sách ưu đãi của Việt Nam có nhiều ưu điểm nhưng chính sách thuế còn tập trung ưu đãi theo địa bàn hơn là theo lĩnh vực. Việt Nam chưa có cơ chế ưu đãi hợp lý đối với các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư của DN kéo dài hơn rất nhiều so với quy định, đặc biệt, khâu xin giấy phép có khi kéo dài đến 2 - 3 tháng. Bên cạnh đó, nhiều DN nước ngoài vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin giới thiệu đầu tư, hướng dẫn thủ tục đăng ký dự án và thành lập DN tại Việt Nam.

Chính sách ưu đãi phải sát hợp, đảm bảo công bằng và hiệu quả

Những hạn chế trên đặt ra yêu cầu cho các cơ quan chức năng phải cải thiện các chính sách ưu đãi đầu tư trong thời gian tới.

Theo ông Bùi Ngọc Tuấn, vấn đề hiện nay là Việt Nam cần cân đối được ngành nghề, địa bàn thu hút đầu tư để ban hành chính sách phù hợp. Cùng với đó, các Bộ, ngành cần xây dựng các chính sách chuyên ngành để tạo ra sức hút lớn hơn với dòng vốn FDI. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nghiên cứu, xem xét chính sách tập trung thu hút đầu tư vào những ngành mang lại giá trị gia tăng cao như: nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ cao hoặc tài chính, du lịch, giáo dục. Các chính sách về ưu đãi thuế cần được đơn giản và minh bạch hóa mọi thủ tục bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả của các chính sách thu hút đầu tư, ông Wim Douw khuyến nghị, Việt Nam nên chuyển các quy định về ưu đãi từ Luật Đầu tư sang Luật Thuế và Luật Hải quan. Nếu Việt Nam chưa có cơ chế đo lường tác động của các chính sách ưu đãi hiện hành thì nên triển khai hệ thống giám sát, theo dõi hiệu quả hoạt động của các chính sách này. Đồng thời, Việt Nam nên cân nhắc chuyển dịch trọng tâm ưu đãi sang các công cụ chính sách dựa trên hiệu quả, đặc biệt là các công cụ khấu trừ thuế, trợ cấp thuế đầu tư hoặc khấu hao nhanh có liên hệ trực tiếp với mức đầu tư mà DN thực hiện. “Cần lưu ý rằng, điểm mấu chốt không phải là đưa ra thêm các chính sách ưu đãi mà thay vào đó, Việt Nam cần cải thiện các chính sách hiện có để tăng cường hiệu quả” - ông Wim Douw nhấn mạnh.

Kiến nghị hoàn thiện chính sách thuế để tiếp tục thu hút FDI, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) - cho rằng, việc xây dựng các chính sách ưu đãi trong thời gian tới cần xem xét trong bối cảnh phát triển kinh tế tổng thể của cả nước. Các chính sách mới ban hành, trong đó có chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi đầu tư cần tuân thủ nghiêm các nguyên tắc, cam kết của Việt Nam với các tổ chức quốc tế; đồng thời, cần đảm bảo đúng mục tiêu công bằng và không phân biệt đối xử với các DN có vốn đầu tư trong nước. Bên cạnh đó, các ưu đãi về thuế cần tránh tình trạng chồng chéo, quy định tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau, gây phức tạp, khó khăn trong thực hiện.

Bên cạnh việc cải thiện chính sách ưu đãi, từ góc độ địa phương, ông Lê Duy Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc - cho rằng: Vấn đề môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch; thủ tục hành chính được giải quyết nhanh chóng, chính xác, kịp thời; chính quyền kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN cũng là những yếu tố quan trọng mà các nhà đầu tư hết sức quan tâm khi tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

THÙY ANH
Theo Báo Kiểm toán số 29 ra ngày 19/7/2018
Cùng chuyên mục
  • PVN hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu 6 tháng
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Trong 6 tháng đầu năm 2018, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức từ 2-16% so với kế hoạch 6 tháng đề ra. Tất cả các đơn vị trong Tập đoàn đều giữ được nhịp độ sản xuất kinh doanh ổn định.
  • Habeco lường trước khó khăn để nâng cao hiệu quả kinh doanh
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Vừa qua, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco - mã chứng khoán: BHN) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018. Tại đây, các cổ đông biểu quyết thông qua các nội dung quan trọng của Tổng công ty, như: thông qua kết quả kinh doanh năm 2017 và kế hoạch năm 2018; bầu thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban kiểm soát Habeco nhiệm kỳ 2018-2023…
  • Chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI còn thấp
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Sau 30 năm thực hiện chính sách mở cửa, thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), nguồn vốn FDI được kỳ vọng sẽ giúp chuyển giao công nghệ cho các DN trong nước. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, hiệu quả chuyển giao công nghệ còn rất thấp, sự lan toả công nghệ từ DN FDI sang DN trong nước còn hạn chế.
  • Chưa tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng, dầu
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Sáng 12/7, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về Biểu thuế bảo vệ môi trường. Qua thảo luận tại Phiên họp, UBTVQH quyết định chưa tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu như đề nghị của Chính phủ.
  • Gần 26 nghìn dự án FDI còn hiệu lực
    5 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), lũy kế đến cuối tháng 6/2018, cả nước có 25.953 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 331,24 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 180,74 tỷ USD, bằng 54,6% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Chính sách ưu đãi đầu tư: Cần cải thiện để tăng hiệu quả