Chính sách tài chính cần được điều chỉnh như thế nào để vượt qua thách thức?

(BKTO) - Trong trung và dài hạn, việc có thể đối mặt với một số thách thức về phát triển kinh tế sẽ khiến Việt Nam phải tiếp tục thực hiện chương trình cơ cấu lại tài chính toàn diện, bao gồm việc cải cách hệ thống thuế, nâng cao hiệu quả chi NSNN, tạo dựng không gian tài khóa lớn hơn cho ngân sách T.Ư...



Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về phát triển kinh tế

Những năm gần đây, quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Song hành với quá trình đổi mới này, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách tài chính đã luôn được chú trọng, góp phần khơi thông, động viên cũng như định hướng, chuyển tải các nguồn lực tài chính của xã hội để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế; hình thành các động cơ, đòn bẩy đối với các hoạt động tiêu dùng, tiết kiệm và đầu tư; góp phần duy trì sự ổn định của nền kinh tế. Nhờ đó, bình quân giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 5,91%, giai đoạn 2016-2018 đạt trên 6,7%, đặc biệt, năm 2018 tốc độ này đạt tới 7,08%. Cùng với đó, chất lượng tăng trưởng cũng được cải thiện, quá trình chuyển dịch cơ cấu trong từng ngành đã gắn nhiều hơn với các yêu cầu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xuất khẩu trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, các nền tảng về kinh tế vĩ mô được củng cố...

Ảnh: Minh Thái

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức, như: kinh tế phát triển chưa bền vững, tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp so với tiềm năng và thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là quá trình chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chậm; sự hợp tác, liên kết trong phát triển công nghiệp, liên kết vùng còn yếu, vai trò của các vùng động lực tăng trưởng có xu hướng giảm; xuất khẩu được mở rộng nhưng mức độ tham gia của các DN trong nước vào chuỗi giá trị toàn cầu còn rất thấp. Lĩnh vực xuất khẩu ngày càng phụ thuộc vào các DN FDI; sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, năng suất lao động chậm được cải thiện và còn khoảng cách lớn so với nhiều nước...

Bên cạnh đó, hệ thống chính sách tài chính cũng đã nổi cộm một số vấn đề, như: thiếu cơ chế đồng bộ để huy động hiệu quả nguồn lực cho việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và phát triển các yếu tố tiền đề có liên quan đến quá trình này. Dư địa nguồn lực tài chính công bị thu hẹp trong khi nhu cầu đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, mức độ tích lũy của NSNN cho đầu tư phát triển giảm so với giai đoạn trước. Việc phân bổ, sử dụng nguồn lực chậm được cải thiện, nhất là nguồn lực công. Chính sách tài chính chưa phát huy được hiệu quả trong việc hình thành các cơ chế tạo động lực để từ đó thúc đẩy quá trình đổi mới kinh tế, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo định hướng ưu tiên. Việc đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách T.Ư đang đứng trước nhiều thách thức, cơ chế phân cấp ngân sách bộc lộ nhiều bất cập nên chưa phát huy được vai trò của các vùng động lực, các trung tâm kinh tế lớn...

Cần làm gì để vượt qua thách thức?

Muốn vượt qua những thách thức trên, Việt Nam phải có giải pháp mới, đồng bộ và có sự quyết tâm cao trong quá trình thực hiện. Cụ thể:
Nhà nước cần đẩy mạnh việc hoàn thiện khuôn khổ thể chế về tài chính, kiên định với các mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh, an toàn nền tài chính công, qua đó tạo ra các nền tảng vững chắc cho quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng; nên tập trung thực hiện có hiệu quả vai trò kiến tạo, xây dựng hệ thống động lực để hỗ trợ cho thị trường huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực; rà soát và loại bỏ các rào cản trong việc tiếp cận các cơ hội kinh doanh; chủ động điều chỉnh thể chế tài chính để khắc phục có hiệu quả khoảng trống về chính sách đối với các mô hình kinh doanh mới.

Việc huy động, phát triển các nguồn lực để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng phải được tăng cường một cách hiệu quả. Tiếp tục thực hiện tổng thể việc cải cách hệ thống thuế, mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn nguồn thu, đặc biệt là từ khu vực kinh tế phi chính thức, các hoạt động thương mại điện tử, không lồng ghép chính sách xã hội trong chính sách thuế; có chính sách động viên vào NSNN các nguồn thu tiềm năng như thuế bất động sản, hình thành các nguyên tắc ứng xử phù hợp trong việc sử dụng nguồn thu từ thoái vốn nhà nước; đẩy mạnh việc hoàn thiện khung pháp lý, đưa thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tín dụng...

Vấn đề chi NSNN cần tiếp tục thực hiện cơ cấu lại; cải cách căn bản phương thức quản lý để đảm bảo phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực NSNN, phát huy vai trò là nguồn vốn mồi trong việc thu hút các nguồn lực xã hội. Đẩy mạnh việc phân bổ NSNN theo hướng gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ; thực hiện chương trình đánh giá chi tiêu ngân sách toàn diện, xác định rõ các lĩnh vực cần điều chỉnh hay cắt giảm; thực hiện một cách thực chất khuôn khổ ngân sách trung hạn, xóa bỏ sự chia cắt trong phân bổ nguồn lực chi đầu tư và chi thường xuyên.

Cơ chế phân cấp và mối quan hệ tài khóa giữa các cấp ngân sách cũng cần được nghiên cứu, đổi mới. Các cơ quan quản lý phải chủ động có giải pháp để đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách T.Ư theo quy định trên giác độ thu và chi, đảm bảo ngân sách T.Ư tiếp cận được đầy đủ nguồn lực cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ chi NSNN theo phân định. Ngân sách T.Ư cần được đảm bảo có đủ dư địa để thực hiện “quyền lực tài khóa” trong hệ thống ngân sách; đổi mới phương thức phân cấp nhiệm vụ chi ngân sách của các cấp chính quyền; khắc phục triệt để tình trạng chia cắt nguồn lực công.

Hệ thống tài chính phải đảm bảo sự an toàn, ổn định để hỗ trợ có hiệu quả quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tài chính, ngân sách thống nhất, tin cậy, minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế để tạo thuận lợi cho công tác quản lý, phân tích và dự báo. Nhà nước phải quản lý chặt chẽ sự gia tăng của nợ công; hình thành cơ chế ứng xử phù hợp với các khoản thu có tính chất một lần, thu từ tài nguyên, đất đai, các khoản thu từ vốn; hạn chế tối đa việc sử dụng các khoản tăng thu ngân sách đột biến và coi đó là nguồn để hình thành các chế độ chi ngân sách mới...

THÙY ANH (ghi)
Theo Báo Kiểm toán số 40 ra ngày 03-10-2019
Cùng chuyên mục
Chính sách tài chính cần được điều chỉnh như thế nào để vượt qua thách thức?