Chiến lược phát triển toàn diện của doanh nghiệp thịnh vượng

(BKTO) - Bảng xếp hạng 500 DN Việt Nam thịnh vượng năm 2018 (BP500) vừa được Công ty Cổ phần (CP) Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố nhằm tôn vinh các DN có kết quả kinh doanh ổn định, có triển vọng tăng trưởng và có tiềm năng đóng góp cao cho sự thịnh vượng chung của đất nước.



Thịnh vượng phải đi đôi với tăng năng suất

Lọt vào Top 10 của Bảng xếp hạng BP500 năm 2018 là Công ty CP Thực phẩm Á Châu, Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung, Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Vina, Công ty TNHH ADC, Công ty TNHH Cỏ may Lai Vung, Công ty Du lịch lữ hành Saigontourist, Công ty CP Mascopex, Công ty CP Đại Hữu, Công ty CP Anova Feed, Công ty CP Hải Việt.

Bảng xếp hạng BP500 được Vietnam Report xây dựng dựa trên kết quả khảo sát các DN thịnh vượng nhằm tìm hiểu định hướng hoạt động và những nhận định về chiến lược của DN, cũng như về cách thức DN đóng góp và hỗ trợ vì mục tiêu chung của cộng đồng.

Kết quả điều tra của nhiều tổ chức trong nước và quốc tế những năm qua đã cho thấy, năng suất lao động vẫn là hạn chế lớn của các DN Việt Nam. Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là trong khảo sát DN thuộc BP500 năm nay, chiến lược “Tăng năng suất lao động” đã được đông đảo DN đẩy lên đứng thứ 2 trong Top 3 chiến lược hàng đầu của DN, với gần 60% DN phản hồi. Tỷ lệ này vượt qua cả mục tiêu chiến lược “Cắt giảm chi phí của DN” mà kết quả khảo sát của năm 2016 đã phản ánh.

Sự thay đổi trong nhận thức và hành động này chứng tỏ DN ngày càng đánh giá đúng đắn về vai trò của tăng năng suất lao động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Đây cũng chính là cơ sở để giúp DN tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thương trường, cũng như gia tăng nguồn vốn tái đầu tư để dành cho khoa học công nghệ và quản trị.

Bên cạnh đó, các DN đã tiếp tục nhấn mạnh vai trò của “Tăng trưởng doanh thu/lợi nhuận” như một nhiệm vụ chiến lược giúp DN tiến gần hơn đến sự thịnh vượng. Cụ thể, có tới 83,8% DN thịnh vượng cho rằng ưu tiên hàng đầu trong chiến lược kinh doanh của họ năm 2018 là tăng trưởng doanh thu/lợi nhuận trong các thị trường hiện tại. Cùng với các chiến lược trên, 51,4% DN cho biết sẽ mở rộng ra các thị trường mới; 37,8% DN sẽ cho ra mắt các sản phẩm, dịch vụ mới.

Giúp doanh nghiệp hướng tới thịnh vượng

Một trong những giải pháp quan trọng nhất mà các chuyên gia, các DN đồng thuận là phải đẩy mạnh nhận thức toàn diện về trách nhiệm xã hội DN (CSR) và hướng tới phát triển công nghệ. Đây chính là mục tiêu mà các DN đặt ra trong thời gian tới nhằm kết hợp giữa lực lượng lao động và công nghệ để đạt những hiệu quả tối ưu trong việc thúc đẩy tăng trưởng năng suất, tạo đà cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng.

Theo chia sẻ của các DN, chiến lược mà DN đang thực hiện nhằm thích ứng với xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 và gia tăng lợi nhuận trong thời đại kỹ thuật số là: Tự động hóa một số chức năng nhất định trong DN (62,9% DN thực hiện); Đào tạo chung cho lực lượng lao động về cách thức sử dụng dữ liệu (48,6% DN thực hiện). Các chiến lược khác như: Tăng cường sử dụng công nghệ vận hành từ xa; Xác định rõ những nhân viên có kỹ năng sử dụng các công cụ tự động hóa mới; Đầu tư vào máy móc và các công nghệ mới đều đạt tỷ lệ trên 37% DN thực hiện.

Thực tế cho thấy, bên cạnh việc đạt mục tiêu về năng suất, tăng trưởng, các DN muốn phát triển bền vững cần phải thực hiện đúng các quy định, chuẩn mực về bảo vệ môi trường, an toàn lao động, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động... Vì thế, việc thực hiện tốt CSR trong bối cảnh hiện nay được xã hội xem như một tài sản đảm bảo, một sự cam kết về chất lượng sản phẩm của DN đối với người tiêu dùng.

Gần 90% DN tham gia khảo sát của Vietnam Report nhận định, “Uy tín DN” là động lực thúc đẩy DN thực hiện các hoạt động CSR. Cùng với đó, DN cũng đánh giá cao các động lực: Lợi ích của người lao động (65,8% DN lựa chọn); Sự quan tâm của cộng đồng đến môi trường (60,5% DN lựa chọn); Tuân thủ pháp luật (44,7% DN lựa chọn); Giảm chi phí và nâng cao hiệu quả (39,5% DN lựa chọn).

Theo các chuyên gia, triển khai tốt CSR không những giúp cho DN kinh doanh hiệu quả hơn mà còn hỗ trợ DN giải quyết tốt những vấn đề mang tính chiến lược liên quan đến kinh doanh và các vấn đề xã hội.

Tuy nhiên, các DN tham gia khảo sát cho biết, việc thực hiện CSR tại Việt Nam hiện đang gặp phải một số khó khăn nhất định, trong đó nổi bật là 3 thách thức chính. Thứ nhất, nhận thức về CSR mới dừng lại ở các hoạt động tài trợ cộng đồng, xã hội. Thứ hai, Chính phủ còn thiếu những chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN thực hiện CSR. Thứ ba, nhiều DN vẫn cho rằng việc thực hiện CSR không đem lại lợi ích cho DN.

Trước những khó khăn này, các chuyên gia nhấn mạnh, việc thực hiện CSR không nên chỉ đơn thuần là những hoạt động quảng bá, từ thiện mà còn phải xuất phát từ ý thức bảo vệ môi trường, đảm bảo cuộc sống của người lao động, tuân thủ luật pháp của DN. Đồng thời, việc thực hiện trách nhiệm này không nên chỉ mang tính chất tài trợ riêng lẻ mà đòi hỏi phải liên tục, có cam kết lâu dài và xuyên suốt trong quá trình hoạt động, trong phương hướng cũng như tầm nhìn của DN. Để DN có thể thực hiện CSR một cách toàn diện và bài bản hơn, Nhà nước cần đứng ra làm cầu nối giữa DN và xã hội thông qua các chương trình hỗ trợ DN một cách thiết thực, hiệu quả.

PHÚC KHANG
Theo Báo Kiểm toán số 13 ra ngày 29-3-2018
Cùng chuyên mục
  • Gỡ rối pháp lý cho thị trường  căn hộ khách sạn
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Căn hộ khách sạn (condotel) đang là một hiện tượng của thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam khi có tới 23.000 căn condotel đã được chào bán trong năm 2017. Tuy là kênh đầu tư rất sôi động nhưng việc thiếu khung pháp lý đang gây ra nhiều khó khăn đối với công tác quản lý và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, DN.
  • Công bố PCI 2017:  Nhiều chuyển biến tích cực trong điều hành kinh tế
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Tình trạng “trên nóng - dưới lạnh” mà Thủ tướng Chính phủ cũng như toàn xã hội nhìn nhận thời gian qua về cải cách thể chế, tạo điều kiện thông thoáng cho đầu tư kinh doanh đã có những chuyển biến tích cực, nhất là trong hành trình “chuyển lửa” về các địa phương. Điều này được minh chứng rõ qua kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố.
  • Cần có giải pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Tại Việt Nam, ngành chăn nuôi đang đóng vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường trong ngành chăn nuôi đang ngày càng trầm trọng khi đa phần nông dân không có biện pháp để xử lý chất thải mà xả trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm đất đai, nguồn nước và không khí, đe dọa trực tiếp tới cuộc sống của người dân.
  • Thị trường bất động sản 2018: Thách thức và cơ hội
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Năm 2018, thị trường bất động sản (BĐS) được dự đoán sẽ bước vào cuộc chơi mới nhiều thách thức, cạnh tranh hơn đối với các DN. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là những cơ hội lớn cho các DN BĐS bứt tốc.
  • Tiềm năng thị trường và chính sách tạo động lực cho doanh nghiệp tăng trưởng
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Năm 2017 để lại nhiều dấu ấn với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và nền tảng kinh tế vĩ mô dần cải thiện. Điều này tạo điều kiện cho các DN tiếp tục phát triển và duy trì tốc độ tăng trưởng trong năm 2018. Tuy nhiên, giá trị gia tăng mà các DN tạo ra còn ở mức thấp và năng lực cạnh tranh của nhiều DN chưa theo kịp xu hướng thị trường. Để tạo nên những bứt phá nổi bật, tăng trưởng đến từ nội lực của DN là điều kiện tiên quyết, nhưng không thể thiếu được sự hỗ trợ chính sách từ phía Chính phủ.
Chiến lược phát triển toàn diện của doanh nghiệp thịnh vượng