Cắt giảm điều kiện kinh doanh giao thông vận tải: Vẫn chưa quyết liệt, triệt để

(BKTO) - Việc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang rà soát để cắt giảm và đơn giản hóa trên 60% điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trong lĩnh vực GTVT được dự báo sẽ tác động lớn tới cộng đồng DN, đặc biệt là các DN có hoạt động liên quan tới lĩnh vực GTVT. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quá trình cắt giảm này vẫn chưa quyết liệt, sợi dây “trói chân” DN chưa được tháo bỏ hoàn toàn.



Nhiều điều kiện vẫn tạo gánh nặng cho doanh nghiệp

Bộ GTVT cho biết, lĩnh vực GTVT bao gồm 570 ĐKKD, thuộc 28 ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư. Quá trình rà soát các ĐKKD đối với từng lĩnh vực cho thấy, nhiều quy định vẫn còn bất cập, thậm chí không theo kịp với tình hình thực tiễn.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, chỉ tính riêng lĩnh vực vận tải đường bộ, hiện vẫn còn nhiều điều kiện, thủ tục bất hợp lý, tạo gánh nặng và phát sinh chi phí không cần thiết cho DN. Đơn cử, kết quả rà soát ĐKKD đối với xe taxi và xe hợp đồng theo Nghị định số 86/2014/NĐ-CP (Nghị định 86) và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT cho thấy, có tới hơn 50 quy định, ĐKKD áp dụng cho mỗi loại hình kinh doanh. Trong số này, nhiều quy định còn mang nặng tính chất áp đặt hành chính, can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của DN, chẳng hạn, yêu cầu về phương án kinh doanh, bố trí đủ xe và lái xe, có nhân viên phục vụ trên xe… Không dừng lại ở đó, một số quy định như: buộc DN vận tải hợp đồng không được ấn định trước lịch trình, hành trình; chỉ được ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe… đã trực tiếp hạn chế quyền dân sự hợp pháp của DN, làm giảm hiệu quả của hoạt động vận tải.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, quy định về điều kiện số lượng tối thiểu phương tiện mà DN phải đáp ứng khi tham gia vào hoạt động kinh doanh sẽ dẫn tới hệ quả chỉ những DN có tiềm lực tài chính mới được quyền tham gia vào hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này. Việc áp đặt điều kiện về quy mô sẽ tạo ra rào cản và phân biệt một cách bất hợp lý giữa các đối tượng khi gia nhập thị trường trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách. Ông Thanh dẫn chứng: “Từng có DN đầu tư gần 20 tỷ đồng để mua 15 ô tô nhưng số xe này vẫn phải “đắp chiếu” chờ được đăng ký vào tuyến và chờ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. Sau nhiều tháng chờ đợi, những chiếc ô tô này vẫn không thể thông hành bởi vướng quy định tại Nghị định 86”.

Dù đánh giá cao tinh thần cải cách của Bộ GTVT song Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư Phan Đức Hiếu đánh giá, cách thức rà soát, cắt giảm ĐKKD của Bộ vẫn chưa thực sự quyết liệt. Có nhiều điều kiện vẫn chưa được mạnh dạn bãi bỏ như: quy định về kinh doanh vận tải, buộc DN phải có trung tâm điều hành, có thiết bị liên lạc giữa trung tâm với các xe thuộc đơn vị. Bộ GTVT vẫn cắt giảm mang tính cơ học, tức là rà soát theo tinh thần cái gì chưa rõ thì bãi bỏ, mà chưa thực sự coi đó là cuộc cải cách về thể chế, gỡ bỏ điều kiện cản trở hoạt động kinh doanh của DN.

352/570 điều kiện sẽ được cắt bỏ và đơn giản hóa

Trước những bất cập trên, tại Hội thảo lấy ý kiến DN về danh mục rà soát ĐKKD trong lĩnh vực GTVT do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, việc cắt giảm ĐKKD vận tải phải trên cơ sở kiến tạo cho DN phát triển, xóa bỏ triệt để cơ chế xin - cho. Những điều kiện nào có thể hậu kiểm được thì chuyển sang hậu kiểm, tránh tình trạng tiền kiểm tạo gánh nặng chi phí cho DN.

Theo bà Trịnh Thị Hằng Nga - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Giao thông vận tải), cái khó hiện nay khi rà soát, cắt giảm ĐKKD là chưa có văn bản pháp luật nào quy định rõ tiêu chí về ĐKKD, quy chuẩn kỹ thuật và hiện còn lẫn lộn giữa điều kiện gia nhập thị trường với điều kiện mà DN buộc phải tuân thủ trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, Bộ GTVT sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp của chuyên gia, DN và trên cơ sở tập hợp, rà soát ĐKKD trong lĩnh vực GTVT, các cơ quan chức năng của Bộ sẽ nghiên cứu, xem xét để kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bãi bỏ những ĐKKD còn bất hợp lý, chồng chéo, gây khó khăn cho DN.

Bà Nga cho biết, Bộ GTVT đang dự kiến cắt bỏ và đơn giản hóa 352/570 ĐKKD vận tải (trên 60%). Cụ thể, mức cắt giảm ĐKKD đối với lĩnh vực dịch vụ vận tải đa phương thức và kinh doanh vận chuyển hàng nguy hiểm là 15/31 điều kiện (trên 48%); hàng hải là 109/189 (57%); đăng kiểm và đường sắt lần lượt là 38/58 và 17/26, cùng chiếm 65%; đường bộ là 83/129 (trên 66%); hàng không dân dụng là 53/78 (67%) và đường thủy nội địa là 37/49 (75%). Việc cắt giảm các điều kiện này sẽ góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của DN.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 14 ra ngày 05-4-2018
Cùng chuyên mục
  • Đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu nhận được phần lớn ý kiến đồng thuận
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Sau một thời gian lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT), Bộ Tài chính đã nhận được40/60 ý kiến nhất trí. Điều này cho thấy đề xuất tăng thuế BVMT với mặt hàng xăng dầu là phù hợp và cần thiết trong thời điểm hiện nay.
  • Chiến lược phát triển toàn diện của doanh nghiệp thịnh vượng
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Bảng xếp hạng 500 DN Việt Nam thịnh vượng năm 2018 (BP500) vừa được Công ty Cổ phần (CP) Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố nhằm tôn vinh các DN có kết quả kinh doanh ổn định, có triển vọng tăng trưởng và có tiềm năng đóng góp cao cho sự thịnh vượng chung của đất nước.
  • Gỡ rối pháp lý cho thị trường  căn hộ khách sạn
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Căn hộ khách sạn (condotel) đang là một hiện tượng của thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam khi có tới 23.000 căn condotel đã được chào bán trong năm 2017. Tuy là kênh đầu tư rất sôi động nhưng việc thiếu khung pháp lý đang gây ra nhiều khó khăn đối với công tác quản lý và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, DN.
  • Công bố PCI 2017:  Nhiều chuyển biến tích cực trong điều hành kinh tế
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Tình trạng “trên nóng - dưới lạnh” mà Thủ tướng Chính phủ cũng như toàn xã hội nhìn nhận thời gian qua về cải cách thể chế, tạo điều kiện thông thoáng cho đầu tư kinh doanh đã có những chuyển biến tích cực, nhất là trong hành trình “chuyển lửa” về các địa phương. Điều này được minh chứng rõ qua kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố.
  • Cần có giải pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Tại Việt Nam, ngành chăn nuôi đang đóng vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường trong ngành chăn nuôi đang ngày càng trầm trọng khi đa phần nông dân không có biện pháp để xử lý chất thải mà xả trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm đất đai, nguồn nước và không khí, đe dọa trực tiếp tới cuộc sống của người dân.
Cắt giảm điều kiện kinh doanh giao thông vận tải: Vẫn chưa quyết liệt, triệt để