Cần chính sách đột phá để phát triển ngành công nghiệp ô tô

(BKTO)- Ngày 22/10, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo “Hoàn thiện chính sách thuế và hỗ trợ tài chính thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô”. Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đang "tụt hậu" so với một số nước trong khu vực và muốn bắt kịp cần phải có những "chính sách đặc sắc".



                
   

Theo đánh giá của các chuyên gia ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đi sau một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia khoảng 20 năm - Nguồn: internet.

   

Nền tảng sản xuất thấp

Theo số liệu từ Cục công nghiệp, Bộ Công Thương, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã có sự phát triển khá nhanh trong vài năm gần đây. Số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước có tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 10% trong giai đoạn 2015-2018, đạt 250 nghìn xe vào năm 2018.

Tuy nhiên, sản lượng năm 2017 và 2018 lại giảm khoảng 9% và 3% so với năm trước đó. Việc sụt giảm này được đánh giá là do tác động của việc giảm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các nước ASEAN, từ mức 50% năm 2015, xuống 40% năm 2016, 30% năm 2017 và 0% năm 2018.

Nền tảng sản xuất còn thấp là một trong những nguyên nhân làm nền công nghiệp ô tô không ứng phó được với cạnh tranh về giảm thuế. Điển hình là tỷ lệ về nội địa hóa. Sau gần 20 năm phát triển ngành công nghiệp ô tô, đến nay phân khúc xe khách, xe tải cơ bản đáp ứng mục tiêu đề ra, là 20% và 45% theo từng loại xe.

Riêng với xe cá nhân dưới 9 chỗ ngồi thì tỷ lệ nội địa hóa mới đạt bình quân 7-10%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra. Sản phẩm nội địa hóa cũng mang hàm lượng công nghiệp thấp như săm, lốp, ghế ngồi, gương kính, ắc quy… Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đã đạt tới 70%, thậm chí 80% như ở Thái Lan.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn ở quy mô nhỏ, hơn 80% linh kiện cho sản xuất xe trong nước là nhập khẩu. Tuy nhiên, ngành sản xuất linh kiện ở Việt Nam có những lợi thế và điểm bất lợi. Do đó, cần xác định linh kiện có lợi thế để nội địa hóa, nếu không vẫn phải buộc xuất khẩu.

Còn theo báo cáo của CIEM, thị trường xe hơi Việt Nam vẫn quá nhỏ so với các nước trong khu vực, năm 2016, lượng tiêu thụ xe là 238.000 chiếc, đến năm 2018 là hơn 254.000 chiếc. Trong khi đó, lượng xe tiêu thụ Thái Lan năm 2016 là 726.000 chiếc, năm 2018 là 1 triệu chiếc; thị trường Indonesia cũng từ 1 triệu chiếc đến gần 1,1 triệu chiếc/năm vào các năm 2016 và 2018.

Theo CIEM, năng lực sản xuất xe của Việt Nam hiện kém xa các nước. Nếu năm 2018 Thái Lan sản xuất được 2 triệu chiếc, Indonesia là 1,2 triệu chiếc, Malaysia là 560.000 chiếc thì Việt Nam mới chỉ 184.000 chiếc. Số lượng nhà cung ứng linh phụ kiện ô tô năm 2018 của Thái Lan là 2.000 nhà cung ứng, Indonesia là gần 800, Malaysia là hơn 620 còn Việt Nam mới chỉ hơn 276 nhà cung ứng.

Cần có chính sách khuyến khích đột phá

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Trung Hiếu- Trưởng Ban chính sách, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đi sau một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia khoảng 20 năm và muốn bắt kịp các nước này, cần có "chính sách đặc sắc".
                
   

Các chuyên gia nhận định dù còn nhiều hạn chế nhưng tiềm năng phát triển ngành ô tô Việt Nam là rất lớn - Nguồn: internet.

   
Phân tích sâu hơn, ông Hiếu cho biết: Tính đến hết năm 2018, cả nước có 358 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô; trong đó, có 50 doanh nghiệp lắp ráp ô tô, 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô… số lượng doanh nghiệp này thấp hơn so với các nước trong khu vực ở Malaysia và Thái Lan.

Ngoài những doanh nghiệp kể trên, số doanh nghiệp hoạt động trong công nghiệp hỗ trợ là khoảng 1.800 doanh nghiệp. Những doanh nghiệp này của Việt Nam có khả năng cung cấp và có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như khuôn mẫu các loại, linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn… Tuy nhiên, nhìn chung các doanh nghiệp này chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ với quy mô và năng lực của doanh nghiệp còn hạn chế, chỉ có khoảng 300/1.800 doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Tỷ lệ nội địa hoá trong các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển thấp.

"Công nghiệp ô tô Việt Nam đang đi sau các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia, nên cần có chính sách khuyến khích đột phá. Chính sách hỗ trợ cụ thể và thiết thực. Nếu vẫn làm như chính sách đang có, khoảng cách vẫn thế, 10 năm nữa họ vẫn đi trước, do đó cần có chính sách đặc sắc bắt kịp họ, ví dụ chi phí khấu hao khuôn"- ông Hiếu nhấn mạnh.

TS. Trương Thị Chí Bình- Phó Chủ tịch- Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cũng cho rằng, để tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thì cần những ưu đãi tín dụng. Như Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ưu tiên cho doanh nghiệp chế tạo/công nghiệp hỗ trợ. Hay có chương trình bảo lãnh tín dụng theo chuỗi từ Chính phủ, công ty đầu chuỗi, ngân hàng, doanh nghiệp. Với sự vào cuộc của Chính phủ, sự hỗ trợ kết nối về vốn, công nghệ, thị phần sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.

Đồng quan điểm,bà Nguyễn Thị Hải Bình- Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cũngđề xuất: Bộ Tài chính cần rà soát lại các loại thuế, Bộ Công Thương rà soát Các danh mục ưu tiên trong lĩnh vực sản xuất ô tô. Tạo cơ chế quản lý hành chính thuế, thủ tục hành chính về thuế thông thoáng, hỗ trợ tốt cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Đồng thời, theo bà Nguyễn Thị Hải Bình, Chính phủ cần sửa đổi các chính sách về thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp và các ưu đãi hỗ trợ khác để thu hút các dự án đầu tư sản xuất ô tô điện (bao gồm cả chính sách cho người mua). Bên cạnh đó, thúc đẩy tăng tỉ lệ nhà đầu tư thông qua việc miễn thuế tiêu thụ đặc biệt phần linh kiện phụ tùng sản xuất trong nước; giảm thuế với linh kiện phụ tùng sản xuất trong nước; ưu đãi thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành công nghiệp ô tô.
NAM SƠN (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
  • Lọc hóa dầu Bình Sơn đạt doanh thu gần 74 nghìn tỷ đồng sau 9 tháng
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Sau 9 tháng vận hành an toàn, ổn định Nhà máy Lọc dầu Dung Quất ở 107% công suất thiết kế, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh.
  • Phát triển kinh tế vùng Bắc Trung bộ cho tương xứng với tiềm năng và thế mạnh
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Chiều 18/10, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổ chức Diễn đàn “Vai trò doanh nghiệp trong phát triển kinh tế vùng Bắc Trung bộ”. Đây là dịp để đại diện các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cùng đánh giá thực trạng, hiến kế phát triển kinh tế vùng Bắc Trung bộ.
  • Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách lĩnh vực xây dựng
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Thủ tướng Chính phủ phân công Bộ Xây dựng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các nội dung để tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách và công cụ quản lý trong lĩnh vực nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc về điều kiện kinh doanh, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, điều chỉnh được các hoạt động xây dựng trong thực tiễn, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế.
  • Tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu của TP. HCM trong giai đoạn mới
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Đánh giá lại một cách có hệ thống, khoa học cho xuất khẩu của TP. HCM và sự gắn kết xuất khẩu của Thành phố với các vùng lân cận, từ đó định vị nhóm ngành, sản phẩm chủ lực cần quan tâm hỗ trợ phát triển trong thời gian tới… là việc làm cấp thiết.
  • Xây dựng Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Doanh nghiệp thủy sản kiến nghị khắc phục bất cập của chính sách làm thêm giờ
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Có thể thấy rằng, chủ trương tăng thu nhập giảm giờ làm là mong muốn của cả loài người. Nhiều nước giàu trên thế giới cũng đang áp dụng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang còn là nước nghèo. Tạp chí Tài chính Thế giới (Global Finance) đã công bố bảng xếp hạng các nước giàu nhất thế giới năm 2019, theo đó Việt Nam xếp thứ 128 trong 192 nước. Vì vậy, mỗi người Việt Nam cần phải tích cực lao động sản xuất làm ra nhiều của cải vật chất để đất nước từng bước trở thành một nước giàu. Lúc đó, ai cũng sẽ mong muốn giảm giờ làm!
Cần chính sách đột phá để phát triển ngành công nghiệp ô tô