Cải thiện chất lượng tăng sức cạnh tranh của gạo Việt

(BKTO) - Từ giữa tháng 7 giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng và đến nay đã vượt qua giá gạo cùng chủng loại của nhiều nước, vượt Thái Lan để vươn lên dẫn đầu thế giới.




Chuẩn bị nguồn hàng gạo xuất khẩu tại Công ty Lương thực sông Hậu (Tổng công ty Lương thực miền Nam). (Ảnh: TTXVN)

Giá gạo xuất khẩu hiện đang quanh ngưỡng 495 USD/tấn và đây là mức giá khá tốt tác động tích cực đến xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Đại diện Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, từ giữa tháng 7 giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng và đến nay đã vượt qua giá gạo cùng chủng loại của nhiều nước, vượt Thái Lan để vươn lên dẫn đầu thế giới.

Nhìn một cách tổng thể, không riêng gạo 5% tấm mà nhiều loại gạo xuất khẩu khác của Việt Nam như gạo DT8, gạo 5451… dù có sự biến động theo thị trường nhưng nhiều thời điểm đã có giá tốt, góp phần nâng cao trị giá xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian qua.

Theo đại diện Cục Xuất Nhập khẩu, gạo Việt Nam đang được các nhà nhập khẩu thu mua với giá cao do chất lượng gạo Việt Nam đã được cải thiện.

Hơn nữa, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam đã và đang dần dần chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao như gạo thơm chiếm 27,15% trong tỷ trọng tổng lượng gạo xuất khẩu, gạo japonica chiếm 3,39%, gạo nếp chiếm 9,26%…

Điều này góp phần nâng cao giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng năm 2020 với giá xuất khẩu bình quân đạt khoảng 493 USD/tấn, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Đánh giá về giá gạo xuất khẩu tăng cao có ảnh hưởng đến cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, theo đại diện Cục Xuất Nhập khẩu, đồng baths và đồng rupee đang có xu hướng giảm giá so với USD đã góp phần làm giảm giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Ấn Độ, trong khi đồng Việt Nam tương đối ổn định.
Liên kết sản xuất lúa gạo theo chuẩn VietGAP giữa Hợp tác xã Đại Đoàn Kết (xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản) và Công ty TNHH Toản Xuân. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)
Trước bối cảnh, thu hoạch lúa vụ Thu Đông trong nước sắp kết thúc, trong khi xuất hiện nhu cầu nhập khẩu gạo từ các nước chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt, thiên tai, dự kiến giá gạo Việt Nam vẫn duy trì ổn định đến cuối năm.

Thời gian qua, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam đã và đang dần dần chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao, góp phần nâng cao giá gạo xuất khẩu cũng như trị giá xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực và gần đây Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tổ chức lại khâu sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các quy định khắt khe của các thị trường khó tính.

Đồng thời, góp phần tận dụng các ưu đãi về thuế quan, nâng cao khả năng cạnh tranh để thúc đẩy xuất khẩu vào khu vực thị trường EU và RCEP.

Để tăng tính cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, những năm gần đây, sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam đã dần chuyển dịch, nâng cao tỷ lệ sản xuất các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao.

Cùng với đó, các thương nhân xuất khẩu gạo Việt Nam đang ngày càng chú trọng đến nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường xuất khẩu như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… Đây là một trong các yếu tố đã giúp nâng cao sức cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam.

Số liệu về trị giá xuất khẩu gạo của Việt Nam sang một số thị trường “có yêu cầu cao về chất lượng” đã cho thấy những “tín hiệu” tích cực về việc nâng cao chất lượng sản phẩm gạo của ngành nông nghiệp nói chung cũng như của các doanh nghiệp nói riêng trong các năm gần đây.

Đáng lưu ý, với các chính sách phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, các mô hình liên kết tiêu thụ lúa gạo cho người nông dân, các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Việt nhằm nâng cao chất lượng gạo, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã xây dựng các vùng nguyên liệu, áp dụng các mô hình quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong tổ chức sản xuất, truy xuất nguồn gốc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường cao cấp của không chỉ EU mà còn Hoa Kỳ, Hàn Quốc...

Theo đại diện Cục Xuất Nhập khẩu, về lâu dài, tái cơ cấu sản xuất lúa gạo cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác cần phải theo hướng lấy tín hiệu thị trường để định hướng quy hoạch và tổ chức lại sản xuất.

Đặc biệt, việc tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu sẽ là biện pháp giúp ổn định được hoạt động tiêu thụ với mức giá có lợi và nâng cao thu nhập của người nông dân./.

Theovietnamplus.vn
Cùng chuyên mục
Cải thiện chất lượng tăng sức cạnh tranh của gạo Việt