Bảo vệ và phát triển thương hiệu Petrolimex trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu

(BKTO) - Theo Phó Tổng Giám đốc Petrolimex Trần Ngọc Năm, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu một năm tại thị trường Việt Nam khoảng 20 - 21 triệu m3/tấn và thị phần của Petrolimex chiếm khoảng 48%.



Doanh nghiệp chủ lực trong kinh doanh xăng dầu

Hiện thị trường xăng dầu Việt Nam có trên 17.000 điểm bán xăng, trong đó Tập đoàn Petrolimex có 5.041 điểm bán xăng dầu, chiếm 30% và phủ rộng trên toàn quốc.
                
   

Petrolimex chiếm khoảng 48% thị phần tiêu thụ xăng dầu - Nguồn: vneconomy

   

Petrolimex là doanh nghiệp có hệ thống tuyến ống vận chuyển xăng dầu duy nhất đảm bảo nguồn cho khu vực phía Bắc với tổng chiều dài trên 500 km từ Cảng dầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) về các địa bàn Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Hà Nam.

Tập đoàn có 36 kho chứa xăng dầu và nằm tại các vị trí vùng kinh tế trọng điểm, ngoài ra, Tập đoàn có 8 điểm kho phối trộn nhiên liệu sinh học (xăng E5 RON 92) phân bổ đều trên toàn quốc và là doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ chính trị dự trữ hàng quốc gia (P10) với tổng dự trữ là 251.000 m3 chiếm 12% tổng dung tích sức chứa.

Tại buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Công Thương với Tập đoàn Petrolimex mới đây, đại diện Tập đoàn cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch Covid-19, nhưng Petrolimex đã vượt qua khó khăn và đạt kết quả tích cực, đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Các đơn vị thành viên cũng đã duy trì hoạt động kinh doanh ổn định, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
                
   

Quang cảnh buổi làm việc - Ảnh: BCT

   

Để nâng cao hơn nữa chất lượng quản lý, định hướng phát triển cho lĩnh vực xăng dầu, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, Tập đoàn Petrolimex đã có một số đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Bộ Công Thương.

Cụ thể là về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm thương hiệu, các hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu; việc đáp ứng tiêu chuẩn khí mức thải mức 5… Cùng với đó là các đề xuất liên quan đến hệ thống kho, cảng của Tập đoàn, cũng như góp ý xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến kinh doanh xăng dầu.

Phát huy vai trò của một thương hiệu mạnh

Liên quan đến tình hình gian lận trong kinh doanh xăng dầu, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, 2 năm trở lại đây, gian lận thương mại trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu rất nhiều và có tính tổ chức. Tổng cục luôn coi mặt hàng xăng dầu là trọng điểm để kiểm tra, kiểm soát và nhận thấy địa bàn diễn ra các vụ việc sai phạm trải dài từ Bắc vào Nam, hầu như tỉnh nào cũng có, diễn biến rất phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Hành vi vi phạm phổ biến là về điều kiện kinh doanh, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu chất lượng kém, không phù hợp quy chuẩn…

Đưa ra định hướng giúp Petrolimex tiến xa hơn, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, phát triển đội ngũ nhân lực, hệ thống phân phối là yếu tố tiên quyết.

Đồng tình với những đánh giá về vị thế của Petrolimex trong sự phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định, Petrolimex là thương hiệu mạnh, vì vậy, trong quá trình phát triển, Tập đoàn cần giữ gìn, bảo vệ thương hiệu… Đối với các cửa hàng nhượng quyền thương mại, Petrolimex cần kiểm tra, giám sát thường xuyên để đảm bảo chất lượng sản phẩm, không ảnh hưởng đến thương hiệu Petrolimex và niềm tin của người tiêu dùng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, hiện nay, hệ thống phân phối của Petrolimex đã mở rộng trên toàn quốc, với hơn 5.000 điểm kinh doanh xăng dầu, chiếm 30% và phủ rộng toàn quốc. Các điểm kinh doanh xăng dầu có hầu hết tại các địa bàn phức tạp, khó khăn.
                
   

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên kết luận buổi làm việc với Petrolimex - Ảnh: BCT

   

“Petrolimex đã tập trung phát triển các hệ thống phân phối, các cửa hàng xăng dầu ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đây là tầm nhìn chiến lược và lâu dài” - Bộ trưởng khẳng định.

Định hướng nhiệm vụ của Petrolimex trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam phải xác định kinh doanh xăng dầu là lĩnh vực, là nhiệm vụ chính.

Do vậy, Tập đoàn phải tiếp tục thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch Covid-19; kiên quyết không để đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng bền vững.

Từ dự báo tình hình kinh tế thế giới, khu vực và trong nước, Tập đoàn cần rà soát để điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh, cũng như xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp trong bối cảnh hậu dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Công Thương yêu cầu Tập đoàn tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng trong việc ngăn chặn gian lận trong kinh doanh xăng dầu; có giải pháp đột phá về nhận diện thương hiệu sản phẩm, thanh toán không dùng tiền mặt; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm để sớm đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả.

QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
Bảo vệ và phát triển thương hiệu Petrolimex trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu