Áp dụng IFRS: Trách nhiệm không của riêng doanh nghiệp

(BKTO) - Việt Nam đã hoàn thiện việc xây dựng lộ trình áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính (IFRS). Để áp dụng thành công IFRS, các DN cần chuẩn bị những hành trang cần thiết. Tuy nhiên, chỉ có sự nỗ lực của DN thôi chưa đủ…



Theo lộ trình triển khai áp dụng IFRS tại Việt Nam, từ năm 2022, công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước quy mô lớn hoặc có các khoản vay được tài trợ bởi các định chế tài chính quốc tế, công ty mẹ là công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết và các công ty mẹ khác, DN có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tự nguyện áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất. Còn từ sau năm 2025 sẽ bắt buộc áp dụng IFRS đối với BCTC hợp nhất cho công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ là công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết...

7 giải pháp, 5 bước giúp doanh nghiệp áp dụng IFRS thành công

Để áp dụng IFRS thành công, ông Trịnh Đức Vinh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) - cho biết, DN cần chuẩn bị 7 nhóm giải pháp chủ chốt. Đó là: xây dựng chiến lược và ngân sách; đào tạo nguồn nhân lực; tổ chức bộ máy kế toán và xây dựng quy chế phối hợp giữa các bộ phận trong DN; xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, kết nối giữa các bộ phận trong DN, kết nối giữa công ty mẹ và các công ty con, sử dụng phần mềm kế toán tự động hóa ở mức cao, hướng đến có thể cung cấp BCTC vào bất kỳ thời điểm nào; xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu định giá và mô hình tài chính; xây dựng quy trình chuyển đổi BCTC từ VAS (Chuẩn mực BCTC Việt Nam) sang IFRS và chuẩn bị ít nhất 15 yếu tố về kỹ thuật. Trong đó, các yếu tố về kỹ thuật là: xác định các đơn vị tạo tiền; phân loại rõ các loại tài sản cố định, bất động sản đầu tư cần đánh giá lại định kỳ; rà soát những tài sản dài hạn tiếp tục sử dụng và nắm giữ; thường xuyên đánh giá lại độ tin cậy của các ước tính như khả năng thu hồi nợ, thị phần, sự suy giảm giá trị của các tài sản; thường xuyên đánh giá và tăng cường quản trị rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro thị trường...

Còn theo ông Bùi Văn Trịnh - Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ kiểm toán và đảm bảo Deloitte Việt Nam, 5 bước liên quan đến kế toán và BCTC mà DN cần chuẩn bị khi áp dụng IFRS gồm: chính sách kế toán theo IFRS để hướng dẫn cách thức hạch toán cho từng giao dịch phát sinh theo IFRS; hệ thống tài khoản kế toán đối ứng với hệ thống hiện có; xác định số dư IFRS tại ngày áp dụng; các mẫu biểu BCTC IFRS; các dữ liệu nguồn gồm danh sách phải thu/phải trả, danh sách tài sản cố định/hàng tồn kho...

Bên cạnh đó, DN cần lưu ý 5 điểm khi triển khai IFRS như: cần có chiến lược rõ ràng, cụ thể, lựa chọn chính sách kế toán và quy định nguyên tắc trong quá trình chuyển đổi áp dụng IFRS; hoạt động kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng; quá trình triển khai sẽ quyết định sự thành công; việc trao đổi, thông tin trong nội bộ và với các đối tượng có liên quan bên ngoài là thiết yếu đối với quá trình chuyển đổi; việc thuyết minh đầy đủ BCTC đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và cần phải chuẩn bị công phu.

Cần sự vào cuộc từ nhiều phía

Rõ ràng, để có thể áp dụng IFRS thành công, DN cần có một chiến lược, chính sách cụ thể và chuẩn bị những điều kiện cần thiết về nhân lực, kinh phí, hệ thống công nghệ thông tin… Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng thành công IFRS của một số DN đã chỉ ra rằng, bên cạnh sự nỗ lực của DN, cơ quan quản lý, các trường đại học… cũng đóng một vai trò quan trọng.

Từ góc độ công ty tư vấn, ông Phan Lê Thành Long - Phó Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán An Việt - đã nêu một khó khăn đối với DN khi áp dụng IFRS 16 về thuê tài sản. Cụ thể, áp dụng Chuẩn mực này, tài sản thuê cũng ghi vào nợ của DN, khi đó, phần nợ sẽ tăng đột biến, DN phải định kỳ đánh giá khoản nợ tăng đột biến này xem giá trị hợp lý của nó có thay đổi hay không.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Thanh Hiền - Kế toán trưởng Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) - cho biết: Khoảng 60% tài sản của Vietnam Airlines là tài sản thuê hoạt động, nếu DN áp dụng IFRS và đưa vào bảng cân đối kế toán thì nợ/vốn chủ sỡ hữu sẽ tăng khoảng 2,5 lần so với hiện tại. Do đó, đại diện Vietnam Airlines kiến nghị, cơ quan quản lý cần điều chỉnh chính sách tài chính cho đồng bộ với IFRS, nếu không sẽ gây khó khăn cho DN.

Thực tế cho thấy, việc tiên phong áp dụng IFRS từ sớm đã mang lại những lợi ích thiết thực cho các DN. Minh chứng là, bằng việc đầu tư vào hệ thống hơn 2 triệu USD và chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện, năm 2018, Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã đưa vào áp dụng thành công IFRS 9 - một chuẩn mực quan trọng đối với ngân hàng. Điều này đã góp phần giúp Techcombank chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) thành công, thu hút hơn 150 quỹ đầu tư nước ngoài, huy động được gần 922 triệu USD, mức vốn hóa của DN là 6,5 tỷ USD, số lượng cổ phiếu đặt mua lớn hơn số lượng chào bán. Cùng với Techcombank, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã áp dụng IFRS từ năm 2005. Khi Vinamilk công bố BCTC theo IFRS, các quỹ đầu tư quốc tế đánh giá rất cao năng lực tài chính và quản trị của DN. Đến nay, cổ đông của Vinamilk là các quỹ đầu tư quốc tế chiếm gần 60%.

Chính từ những thành công trên, nhiều bài học kinh nghiệm quý báu đã được đúc kết. Đại diện cho DN áp dụng thành công IFRS, ông Trần Chí Sơn - Trưởng Bộ phận Tài chính Vinamilk - chia sẻ: Tại Vinamilk, nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo, đặc biệt là giám đốc tài chính thì việc triển khai IFRS sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc áp dụng IFRS đòi hỏi phải có hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống cơ sở dữ liệu cùng sự hỗ trợ của kiểm toán độc lập.

Ông Sơn cho rằng, khi Việt Nam thực hiện lộ trình áp dụng IFRS, vấn đề cần quan tâm hàng đầu là nhân sự. Đào tạo nhân lực không chỉ là trách nhiệm của DN, các trường đại học cũng cần kết hợp với DN đã áp dụng IFRS để tăng cường cơ hội tiếp cận IFRS cho sinh viên. Cùng với đó, môi trường và chuẩn mực liên quan đến việc đo lường giá trị hợp lý, hệ thống văn bản pháp luật về kế toán, kiểm toán, thuế cũng cần sớm được xây dựng, hoàn thiện và đồng bộ.

THÙY ANH
Theo Báo Kiểm toán số 43 ra ngày 24-10-2019
Cùng chuyên mục
  • Thiếu chính sách ưu đãi, công nghiệp ô tô khó phát triển
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo các chuyên gia, để ngành công nghiệp và phụ tùng ô tô thực sự trở thành một trong 6 ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam, bắt kịp với các nước trong khu vực, các nhà quản lý, cơ quan hữu quan cần phải hoàn thiện chính sách thuế và có những giải pháp hỗ trợ tài chính thiết thực.
  • Sớm hiện thực hóa thanh toán bằng tài khoản viễn thông
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Thanh toán điện tử hướng tới xã hội không tiền mặt đang là xu thế tất yếu trong thời đại số hóa và Cách mạng công nghiệp 4.0. Thời gian qua, mặc dù loại hình thanh toán này ở nước ta đã có sự phát triển nhanh chóng nhưng 90% các giao dịch vẫn sử dụng tiền mặt. Để thay đổi thói quen này, điều quan trọng là phải tạo cho người dân được trải nghiệm các tiện ích và bắt kịp với xu thế của thế giới.
  • Nông sản và các nhóm hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu đi đâu?
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU- 28 nước) là những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam.
  • Xuất khẩu nông sản, trái cây sang thị trường Trung Quốc đang gặp khó
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Hiện nay đã bắt đầu vào thời điểm chính vụ thu hoạch mặt hàng thanh long để tiêu thụ và xuất khẩu. Tuy vậy, tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) và cửa khẩu Kim Thành (tỉnh Lào Cai) đã xuất hiện tình trạng ùn ứ nông sản các loại xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong đó có thanh long.
  • Tăng trưởng xuất khẩu cà phê nhờ gia tăng chế biến và xây dựng thương hiệu
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Những năm qua, dù kinh tế thế giới có nhiều thời điểm khó khăn dẫn đến sức mua sụt giảm nhưng xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng đáng khích lệ. Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu cà phê bình quân giai đoạn 2011-2018 đạt 3,13 tỷ USD/năm (tăng trưởng trung bình 8,2%/năm), chiếm 15% tổng xuất khẩu nông sản của cả nước. Cà phê luôn khẳng định được vai trò là ngành hàng quan trọng với mức đóng góp khoảng 3% GDP cả nước.
Áp dụng IFRS: Trách nhiệm không của riêng doanh nghiệp