Xuất bản sách chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về kiểm toán môi trường

(BKTO) - Như Báo điện tử Kiểm toán đã đưa tin, vừa qua, KTNN đã xuất bản một số bộ sách giới thiệu kinh nghiệm kiểm toán của các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới để phổ biến trong Ngành. Đáng chú ý, các bộ sách về kiểm toán môi trường đã thực sự mang lại những giá trị thông tin hữu ích cho các đơn vị kiểm toán, các kiểm toán viên để từ đó phục vụ cho công tác nghiên cứu, vận dụng vào hoạt động kiểm toán đối với các cuộc kiểm toán môi trường - nội dung kiểm toán còn nhiều mới mẻ tại Việt Nam.



                
   

Một trong các đầu sách cung cấp kiến thức, phổ biến kinh nghiệm quốc tế của các SAI tiên tiến trong lĩnh vực Kiểm toán môi trường.

   

Báo Kiểm toán xin lược trích nội dung các cuốn sách trong bộ sách về kiểm toán môi trường.

1. Cuốn "Kiểm toán năng lượng bền vững hướng dẫn dành cho các cơ quan kiểm toán tối cao".

Cuốn sách do cơ quan kiểm toán tối cao Cộng hòa Séc đóng vai trò trưởng nhóm nỗ lực hợp tác cùng các thành viên đến từ cơ quan kiểm toán tối cao Úc, Canada, Estonia,... biên soạn. Nội dung của cuốn sách hướng đến việc cung cấp thông tin cơ bản hữu ích về các vấn đề năng lượng; hỗ trợ kiểm toán viên chuẩn bị kiểm toán trong lĩnh vực năng lượng bền vững. Cuốn sách cũng cung cấp các ví dụ về tiêu chuẩn kiểm toán và cách tiếp cận kiểm toán được xác định như thế nào; các bài tập tình huống minh họa về các cuộc kiểm toán năng lượng bền vững do các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới thực hiện.

Theo các tác giả, vấn đề năng lượng bền vững rất phức tạp, đồng thời các SAI trên thế giới không có nhiều kinh nghiệm trong kiểm toán liên quan đến năng lượng bền vững, do đó mục tiêu của hướng dẫn này nhằm giúp các bên hiểu được các vấn đề liên quan đến chủ đề và xác định được phương pháp kiểm toán thích hợp.

Theo đó, để thực hiện kiểm toán năng lượng bền vững, các kiểm toán viên cần lưu ý một số vấn đề như: hiểu về năng lượng bền vững và những ảnh hưởng của nó tới xã hội, kinh tế và môi trường, hiểu yêu cầu của Chính phủ đối với các vấn đề năng lượng bền vững; làm thế nào để chọn chủ đề kiểm toán, thiết lập cuộc kiểm toán với điều kiện của từng nước tương ứng và xây dựng các yêu cầu kiểm toán phù hợp...

2. Cuốn "Xử lý vấn đề gian lận và tham nhũng khi kiểm toán quản lý tài nguyên và môi trường"

Ngày càng có nhiều minh chứng chỉ ra các tác động tiêu cực từ gian lận và tham nhũng rất đáng kể trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Do đó, yêu cầu kiểm toán đặt ra với lĩnh vực này càng trở nên bức thiết.

Theo đó, cuốn cẩm nang được xây dựng, nhằm hai mục tiêu chính là:

Làm cho kiểm toán viên nhận thức được những thách thức do gian lận và tham nhũng trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường;

Cung cấp cho các SAI một công cụ truyền cảm hứng và hỗ trợ họ trong việc giải quyết những thách thức này.

Cẩm nang cũng cung cấp thông tin về lý do, cách thức gian lận và tham nhũng trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Đồng thời, cung cấp các ví dụ về cách đưa rủi ro này vào hoạch định hoặc tiến hành kiểm toán một chủ đề tài nguyên môi trường cụ thể.

3. Cuốn "Kiểm toán các vấn đề về nước (Kinh nghiệm của các cơ quan kiểm toán tối cao)

Ấn phẩm này của Nhóm Công tác về kiểm toán môi trường thuộc INTOSAI do Tòa thẩm kế Hà Lan biên soạn và được các cơ quan kiểm toán tối cao trên toàn thế giới đóng góp ý kiến.

Chuyên đề kiểm toán các vấn đề về nước được tổng hợp kinh nghiệm của các cơ quan kiểm toán trên toàn thế giới, dựa trên những bài học được tổng hợp từ 350 cuộc kiểm toán và đưa ra những lời khuyên thiết thực cho các SAI.

Chuyên đề này sẽ cung cấp cho các kiểm toán viên cái nhìn toàn diện về kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực kiểm toán các vấn đề về nước.
                
   

Vấn đề về quản lý rác thải và chất lượng không khí cần được chú trọng.

   

4. Cuốn "Kiểm toán quản lý rác thải"

Tài liệu hướng dẫn này dựa vào cách phân loại thành rác thải độc hại và rác thải không độc hại (trừ rác thải phóng xạ).

Nội dung tài liệu có xác định các bước trước khi tiến hành kiểm toán: xác định các kịch bản rủi ro môi trường và sức khỏe để quản lý rác thải, xác định các tác nhân và trách nhiệm của từng tác nhân, nhận diện những vấn đề có thể phát sinh trong quản trị nhà nước liên quan đến quản lý rác thải, lựa chọn chủ đề kiểm toán và phương pháp kiểm toán rác thải.

5. Cuốn "Báo cáo chung về chất lượng không khí"

Báo cáo được thực hiện bởi Tòa thẩm kế Hà Lan và KTNN Ba Lan.

Báo cáo chung này là bản tóm tắt toàn diện 16 cuộc kiểm toán về chất lượng không khí được thực hiện bởi Tòa kiểm toán Châu Âu và 15 cơ quan KTNN tại các khu vực.

Báo cáo đã đưa ra được một số kết luận tổng thể: Hầu hết các quốc gia tham gia đều không tuân thủ các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế và vẫn vượt quá giá trị giới hạn hoặc các giá trị mục tiêu; không phải tất cả các quốc gia đều thông qua chính sách quốc gia; thiếu sự phối hợp giữa người thực hiện và chính sách; chính phủ có thông tin hạn chế về ngân sách; ngân sách không phải lúc nào cũng đủ; hệ thống giám sát không phải lúc nào cũng hoạt động đúng; có phạm vi để cải thiện thông tin công cộng.

Từ các kết luận trên, báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị để cải thiện chất lượng không khí như: Chuẩn bị và thực hiện kế hoạch chất lượng không khí; đo lường hiệu quả của hành động thực hiện; cải thiện sự phối hợp, cung cấp dữ liệu liên quan và thực hiện phân tích lợi ích chi phí toàn diện; cải thiện hệ thống giám sát và nâng cao nhận thức cộng đồng.

6. Cuốn "Kiểm toán quản lý bền vững nghề cá (Hướng dẫn dành cho các cơ quan kiểm toán tối cao)"

Tài liệu này do SAI Nam Phi chủ trì thực hiện cung cấp cho các SAI trên toàn thế giới một cách tiếp cận chung về kiểm toán quản lý bền vững nghề cá.

Mục đích chính của tài liệu này là tăng cường kiến thức về quản lý nghề cá bền vững và khuyến khích tiến hành nhiều cuộc kiểm toán hơn về lĩnh vực này. Tài liệu này sẽ giúp các SAI kiểm toán các khía cạnh khác nhau liên quan đến quản lý nguồn tài nguyên cá và đánh giá xem Chính phủ có quản lý nguồn tài nguyên cá một cách bền vững hay không.

Nội dung tài liệu tập trung vào vai trò của Chính phủ trong việc quản lý các nguồn tài nguyên cá, bao gồm các hoạt động đánh bắt cá và các tác động liên quan đến môi trường. Hướng dẫn bao gồm Khung quản lý cá mô tả tổng quan các lĩnh vực kiểm toán tiềm năng, các rủi ro và hành động quản trị để quản lý cá.

7. Cuốn "Kiểm toán khai thác mỏ" (tài liệu hướng dẫn dành cho cơ quan kiểm toán tối cao)

Mục tiêu chính của tài liệu là khuyến khích SAI tiến hành kiểm toán các hoạt động liên quan đến khai thác tài nguyên khoáng sản.

Hướng dẫn này giúp các SAI bắt đầu kiểm toán khai thác mỏ, có thể kiểm toán các khía cạnh khác nhau của các tác động liên quan đến môi trường từ hoạt động khai thác ở nước mình.

Theo đó, tài liệu đưa ra một số tham khảo về các vấn đề kỹ thuật liên quan đến lựa chọn chủ đề, cách thức tiến hành kiểm toán khai thác mỏ...

8. Cuốn "Kiểm toán việc thực hiện các hiệp định môi trường đa phương (MEA)"

Tài liệu này được phát triển trên cơ sở sự phối hợp giữa Nhóm làm việc với kiểm toán môi trường của INTOSAI và Chương trình môi trường của Liên Hợp quốc nhằm mục đích xây dựng nhận thức về MEA cho các kiểm toán viên và chỉ rõ vai trò quan trọng của người kiểm toán viên trong việc thực hiện có hiệu quả các MEA.

Tài liệu này có thể được coi như những chỉ dẫn bước đầu để kiểm toán quá trình thực hiện của các MEA, đồng thời là nguồn thông tin chung hữu ích với các quy tắc và thỏa thuận khác nhau cho kiểm toán viên…

Được biết, trong thời gian tới, để tiếp tục phát triển hơn nữa lĩnh vực kiểm toán môi trường và thể hiện rõ vai trò tiên phong trên cương vị Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, Vụ Hợp tác Quốc tế sẽ tiếp tục nghiên cứu, mở rộng phạm vi của các ấn bản dựa trên kinh nghiệm quốc tế đối với các chủ đề về bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lượng xanh…

Đợt phát hành còn nhiều bộ sách với các chủ đề hữu ích, Báo Kiểm toán sẽ tiếp tục cập nhật, giới thiệu đến độc giả!

KHÁNH LINH
Cùng chuyên mục
Xuất bản sách chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về kiểm toán môi trường