Vì sao không thể thiếu kiểm soát, giám sát từ bên ngoài đối với dự án PPP?

(BKTO) - ​TS. Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III - trả lời phỏng vấn của Báo Kiểm toán



♦ Thưa ông, một vấn đề đang được dư luận quan tâm chính là việc nhận diện bản chất của các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Từ góc nhìn kiểm toán, xin ông cho biết vấn đề cốt lõi đặt ra hiện nay đối với dự PPP là gì?

- Theo quy định của Việt Nam, dự án PPP là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng dự án giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, DN dự án để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.

                
“Cần xác định việc KTNN kiểm toán dự án PPP vừa là yêu cầu của thực tiễn vừa là công cụ quan trọng phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan dân cử và nhân dân”.
   “Công khai, minh bạch kết quả kiểm toán PPP góp phần tạo sự đồng thuận trong dư luận, bảo vệ sự xâm lấn quyền và nghĩa vụ của các bên, giảm thiểu sự can thiệp của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh của DN, thu hút nguồn vốn đầu tư vào các dự án PPP, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”.
   (Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Lê Đình Thăng)
Vấn đề cốt lõi cần phải nhận diện: công trình đầu tư theo hình thức PPP là công trình công, chỉ khác là có sự kết hợp giữa nguồn vốn công và nguồn vốn tư nhân. Việc phân biệt công trình công và nguồn vốn công, nguồn vốn tư nhân để thấy rằng nhà đầu tư nào đầu tư vào công trình công cũng phải chịu sự kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền.

Qua kiểm toán các công trình giao thông theo hình thức PPP, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của các dự án tính đến hết năm 2018 là 243,6 năm. Đối với các dự án BT (xây dựng - chuyển giao), tính đến hết năm 2018, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 4.453 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 28% tổng giá trị dự án được kiểm toán. Kết quả này đã xóa bỏ luận điểm: công trình PPP là công trình tư nhân nên không cần phải có sự kiểm soát độc lập hoặc chỉ kiểm soát phần vốn đầu tư của Nhà nước. Cần nói thêm là, công trình công phải được hiểu là công trình mà Chính phủ đầu tư hoặc mời gọi đầu tư (có thể là vốn tư nhân) để cung cấp dịch vụ công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn xã hội.

Hiện nay, còn có sự nhầm lẫn trách nhiệm của KTNN trong kiểm toán đầu tư công và kiểm toán nguồn vốn công. Chính vì vậy, ngoài việc kiểm soát trong nội bộ Chính phủ, các dự án PPP cần phải có sự kiểm soát từ bên ngoài của KTNN và các cơ quan dân cử. Việc kiểm soát này không chỉ bảo vệ quyền lợi của Chính phủ mà còn bảo vệ quyền lợi của người dân và nhà đầu tư.

♦ Vậy theo ông, vì sao phải tăng cường kiểm soát, giám sát từ bên ngoài đối với các dự án PPP?

- Việc kiểm soát, giám sát từ các cơ quan của Chính phủ đến KTNN và các cơ quan dân cử đối với dự án PPP sẽ góp phần tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân để triển khai dự án.

Bên cạnh đó, mục đích của việc kiểm soát, giám sát còn nhằm hạn chế sự xâm lấn lợi ích công, đây là vấn đề cốt lõi của công trình đầu tư công theo hình thức PPP. Chính phủ cần công trình đầu tư công để phục vụ lợi ích công trong điều kiện nguồn lực hữu hạn, đồng thời tối ưu hóa hiệu quả vốn đầu tư xã hội. Trong khi đó, mục đích của nhà đầu tư tư nhân là tìm kiếm lợi nhuận và hạn chế rủi ro kinh doanh. Mục tiêu đầu tư khác nhau như vậy sẽ rất dễ dẫn đến xâm lấn lợi ích, đặc biệt là lợi ích của người tiêu dùng (người dân). Vì vậy, cần có cơ chế kiểm soát dự án PPP để nhà đầu tư tư nhân vừa yên tâm đầu tư vốn và hưởng lợi nhuận một cách hợp lý, vừa tôn trọng mục tiêu đầu tư của các công trình công.

Thực tế, các dự án PPP rất dễ xảy ra tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm hay Nhà nước phải bỏ nhiều tài sản công để đổi lấy công trình, dự án… Công trình, dự án PPP chỉ có hai đối tác vừa đàm phán, vừa ký kết thực hiện mà thiếu sự kiểm soát từ bên ngoài thì sẽ khó hạn chế được mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận hoặc tình trạng tham nhũng qua thực hiện dự án. Để hạn chế tình trạng này, không có cách nào khác là phải tăng cường kiểm soát quá trình đầu tư, từ khâu chuẩn bị đến đầu tư và đưa vào khai thác, sử dụng. Nhà đầu tư phải thực hiện nguyên tắc lời ăn, lỗ chịu, không để tình trạng lời thì nhà đầu tư hưởng còn lỗ lại đòi nâng giá dịch vụ hay kéo dài thời gian thu phí dịch vụ hoặc mọi thiệt hại đều đẩy sang Nhà nước và người dân.

Rõ ràng, việc duy trì trách nhiệm giải trình đòi hỏi phải có cơ chế kiểm soát từ bên ngoài là KTNN, Quốc hội và HĐND các cấp.

♦ Ngoài các mục tiêu trên, việc kiểm soát từ bên ngoài đối với các dự án PPP của KTNN còn được dựa trên những cơ sở nào, thưa ông?

- Thông lệ quốc tế tốt nhất là cơ quan kiểm toán thực hiện kiểm toán để duy trì lợi ích của nhà đầu tư tư nhân, tránh việc can thiệp vào hoạt động kinh doanh của DN từ Chính phủ, các cơ quan Chính phủ. Kết quả kiểm toán mang lại niềm tin cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời tạo được sự đồng thuận của người sử dụng dịch vụ, hàng hóa công.

Tại Việt Nam, vai trò, địa vị pháp lý của KTNN đã được Hiến định. Trên cơ sở Điều 118 Hiến pháp năm 2013, Luật KTNN đã chi tiết hoá danh mục tài chính công, tài sản công thuộc đối tượng kiểm toán của KTNN. Luật Đầu tư công quy định “Dự án đầu tư công là dự án sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn đầu tư công” và chỉ rõ một trong những đối tượng đầu tư công là "đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công - tư". Điều 86 Luật Đầu tư công cũng đã quy định chi tiết nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN trong việc kiểm toán các dự án đầu tư công. Như vậy, Hiến pháp và pháp luật đã chỉ rõ KTNN không chỉ kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công mà còn giám sát, đánh giá tất cả hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản công, qua đó duy trì quyền lợi công cũng như tính minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với các công trình, dự án đầu tư công và không chỉ đối với nguồn vốn đầu tư công.

♦ Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Dự thảo Luật PPP) đã quy định về hoạt động KTNN trong lĩnh vực này. Để KTNN làm tốt vai trò kiểm soát đối với dự án PPP, ông có góp ý và kiến nghị gì về quy định này?

- Điều 86 Dự thảo Luật PPP quy định về hoạt động KTNN trong đầu tư theo phương thức PPP. Tuy nhiên, quy định này chưa phù hợp với thông lệ và can thiệp vào tính độc lập của KTNN nên cần được xem xét lại. Không thể tách dự án PPP thành các bộ phận riêng lẻ mà phải coi đây là dự án xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công; tài sản hình thành từ các dự án này là tài sản công thuộc đối tượng kiểm toán của KTNN.

Dự thảo Luật cũng chưa cập nhật thông lệ quốc tế về kiểm soát và giám sát. Các quy định này chưa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam cũng như chủ trương tăng cường chống tham nhũng của Đảng và Chính phủ, còn nhầm lẫn giữa dự án đầu tư công và nguồn vốn đầu tư công.

Với quy định như trên, KTNN sẽ không làm tròn nhiệm vụ duy trì tính minh bạch và trách nhiệm giải trình nếu không kiểm toán các dự án PPP; không thể hoàn thành nhiệm vụ cung cấp thông tin cho Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan chống tham nhũng khi chỉ kiểm toán số ít nguồn vốn đầu tư của Nhà nước trong công trình PPP. Môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam sẽ không minh bạch khi thiếu cơ chế kiểm toán - một thông lệ tốt của thế giới hiện nay.

♦ Xin trân trọng cảm ơn ông!

LƯU HƯỜNG (thực hiện)
Cùng chuyên mục
Vì sao không thể thiếu kiểm soát, giám sát từ bên ngoài đối với dự án PPP?